January 13, 2022 | 13:10 GMT+7

Giữa khủng hoảng Ukraine, Nga bị tố dùng khí đốt làm “vũ khí”

An Huy -

“Tôi có thể nói rằng lượng khí đốt ít ỏi chảy từ Nga sang châu Âu có liên quan đến căng thẳng chính trị gia tăng về vấn đề Ukraine”...

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cáo buộc Nga hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu vào thời diểm “căng thẳng địa chính trị gia tăng”, ngụ ý Moscow đang cố tình tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nhằm đạt mục đích chính trị.

Theo tin từ Financial Times, Giám đốc IEA Fatih Birol ngày 12/1 nói IEA tin rằng Nga đang “hãm” ít nhất 1/3 lượng khí đốt mà nước này có thể cung cấp cho châu Âu, đồng thời rút bớt lượng khí đốt tại các kho chứa do Nga kiểm soát ở đại lục này nhằm gia tăng cảm giác về sự thắt chặt nguồn cung.

CHÂU ÂU KHAN HIẾM KHÍ ĐỐT GIỮA MÙA ĐÔNG LẠNH GIÁ

“Chúng tôi tin rằng hành vi của Nga là yếu tố quan trọng dẫn tới sự thắt thặt trên thị trường khí đốt ở châu Âu”, ông Birol nói. “Tôi có thể nói rằng lượng khí đốt ít ỏi chảy từ Nga sang châu Âu có liên quan đến căng thẳng chính trị gia tăng về vấn đề Ukraine”.

Ông Birol nói thêm: “Nga có thể tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu thêm ít nhất 1/3. Đây là thông điệp chính”.

Những phát biểu này là sự chỉ trích thẳng thừng nhất mà ông Birol nhằm vào vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Các hộ gia đình ở châu Âu đứng trước khả năng nhận được những hoá đơn năng lượng ngày càng lớn, trong bối cảnh giá bán buôn khí đốt và điện ở khu vực này tăng lên mức cao kỷ lục.  

Nga đang tập trung khoảng 100.000 quân ở khu vực biên giới gần Ukraine, khiến Mỹ và các nước đồng minh phương Tây lên tiếng cảnh báo về những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Moscow nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tấn công Ukraine. Tuần này, Nga có một loạt cuộc đàm phán với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) về vấn đề Ukraine.

Kết thúc cuộc đàm phán Nga-NATO ở Brussels ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói rằng Nga chưa đưa ra cam kết nào về giảm căng thẳng ở biên giới Ukraine. Ông cũng thừa nhận Mỹ chưa rõ liệu Nga có ý định dùng các cuộc đàm phán tuần này như một tiền đề để tuyên bố rằng ngoại giao không mang lại kết quả gì.

Về khi Nga, giới chức nước này ra một loạt tuyên bố với hàm ý rằng Moscow có thể sử dụng đến hành động quân sự nếu các nỗ lực chính trị-ngoại giao thất bại.

Trở lại với câu chuyện khí đốt, Nga từ lâu vẫn khẳng định mình thực hiện đầy đủ hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, nước này bị các chính trị gia và nhà phân tích ở châu Âu cáo buộc hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu bằng cách giới hạn việc bán khí đốt giao ngay. Ông Birol nói xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu trong quý 4/2021 giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom muốn nhận được sự phê chuẩn để đưa vào vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam (Nord Stream) 2 đoạn đi qua Đức. Đây là đường ống được xây dựng để vận chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga sang châu Âu, không đi qua Ukraine như trước. Mỹ từ lâu lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng Nord Stream 2 như một phương thức để gây sức ép với Ukraine.

Giới chức Mỹ đã cảnh báo Nga rằng nước này sẽ phải trả giá đắt về mặt kinh tế, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng, nếu tấn công Ukraine. “Châu Âu thực sự cần khí đốt của Nga, nhưng Nga cũng phụ thuộc vào người tiêu dùng châu Âu”, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với báo giới ngày 12/1.

“Nếu ông Putin dùng nguồn cung năng lượng như một vũ khí, ông ấy sẽ càng làm gia tăng quyết tâm của châu Âu trong việc tìm những nguồn cung khí đốt khác đáng tin cậy hơn. Và việc đó sẽ càng làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Nga, cũng như tầm ảnh hưởng của họ”.

NGA: “CHẲNG CÓ TÍ UKRAINE NÀO TRONG CHUYỆN NÀY”

Nhà Trắng ngày 12/1 ủng hộ một dự luật do các nghị sỹ Dân chủ trong Thượng viện Mỹ khởi xướng về áp lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính và thương mại mạnh tay lên Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Các biện pháp trừng phạt bao gồm nhằm vào các ngân hàng, giao dịch tài chính, trái phiếu chính phủ, ngành dầu khí Nga, và cả đường ống Nord Stream 2.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc của IEA, đồng thời tố ngược ông Birol đáng tìm cách “chính trị hoá vấn đề”.

“Chẳng có tí Ukraine nào trong chuyện này”, ông Peskov nói. “Nga tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ trên hợp đông. Nga sẵn sàng cung cấp đủ lượng khí đốt mà châu Âu sẵn sàng mua, chứ không cung cấp nhiều hơn”.

IEA là định chế được cấp ngân sách bởi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), được thành lập nhằm củng cố an ninh năng lượng sau cuộc khủng hoảng Arab cấm vận dầu lửa vào thập niên 1970. Ông Birol nói rằng các nước châu Âu, bao gồm Anh, cần chuẩn bị cho nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai bằng cách đảm bảo các kho dự trữ khí đốt bổ sung, qua đó giảm bớt ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia cung cấp khí đốt nào trong trường hợp xảy ra căng thẳng.

Ông Birol nhấn mạnh vai trò của Gazprom trong việc giảm lượng khí đốt dự trữ ở châu Âu. “Sự thiếu hụt lượng khí đốt dự trữ hiện nay ở EU chủ yếu là do Gazprom mà ra”, ông nói, và nêu rõ lượng dự trữ hiện chỉ đạt 50% công suất, so với mức bình thường là 70% vào thời điểm tháng 1 hàng năm.

“Mức khí đốt thấp tại các cơ sở dự trữ trong EU dẫn tới một nửa sự thiếu hụt khí đốt hiện nay tại khu vực, cho dù Gazprom chỉ chiếm khoảng 10% tổng công suất dự trữ khí đốt của EU”, ông nói thêm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate