Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Quan điểm và định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh mới”. Theo các thông tin được đưa ra trong hội thảo thì bên cạnh những thành quả nhất định, lĩnh vực đất đai cũng còn nhiều bất cập.
SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI CÒN LÃNG PHÍ
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật Đất đai 2013, tài nguyên đất được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn.
Cùng với đó, đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý hơn, an ninh lương thực được đảm bảo. Thị trường bất động sản cũng ngày càng mở rộng. Các giao dịch chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất không ngừng tăng.
Hội thảo tập trung thảo luận làm rõ nội hàm của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; làm rõ sự khác biệt về quyền của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu với quyền của Nhà nước trong vai trò quản lý Nhà nước về đất đai...
Bên cạnh đó, đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn công tác quy hoạch, kế hoạch với khai thác sử dụng đất, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc phân cấp, phân quyền được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí. Công tác cải cách thủ tục hành chính, thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai được coi trọng hơn.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có chuyển biến. Việc xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực về đất đai đạt được kết quả bước đầu tích cực…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu rõ những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, nguồn lực về đất đai phát huy chưa đúng tiềm năng, sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả. Việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tình trạng suy giảm chất lượng, ô nhiễm, thoái hóa đất, xâm thực diễn biến phức tạp...
"Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng quản lý nhà nước về đất đai chưa thực sự có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương; Chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường. Vấn đề tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được xử lý, giải quyết, gây bức xúc xã hội. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững…", ông Thắng nhấn mạnh.
LÀM RÕ MỘT SỐ QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG LỚN
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Tiếp lời ông Thắng, nhiều đại biểu tham gia hội thảo cũng đã đưa ra quan điểm và làm rõ thêm một số vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19. Đặc biệt là làm rõ nội hàm của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; làm rõ sự khác biệt về quyền của Nhà nước trong vai trò đại diện chủ sở hữu với quyền của Nhà nước trong vai trò quản lý Nhà nước về đất đai...
Thị trường quyền sử dụng đất cần thực sự trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả; kết nối, liên thông với thị trường các nhân tố sản xuất khác; phát triển minh bạch, ổn định; phát huy cao nhất nguồn lực đất đai cho phát triển.
Theo đó, khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; quyền sử dụng đất là một loại tài sản, hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là sản phẩm của lịch sử phát triển khách quan. Chủ thể lợi ích trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là nhân dân; quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lực. Vì vậy, nhân dân bảo vệ đất đai và sẽ định đoạt lợi ích phải thuộc về nhân dân trước hết, trên hết. Các quan hệ về thị trường trong lĩnh vực đất đai sẽ được vận hành thông suốt trên nền tảng sở hữu toàn dân về đất đai xét về cả lý luận cũng như thực tiễn.
Hội thảo cũng đưa ra một số định hướng quản lý, sử dụng đất ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới công tác quy hoạch; Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất, hiện đại…
Các ý kiến cũng nhấn mạnh tới việc phát triển thị trường bất động sản. Trong đó, thị trường quyền sử dụng đất cần phải thực sự trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả; Kết nối, liên thông với thị trường các nhân tố sản xuất khác; phát triển minh bạch, ổn định; Phát huy cao nhất nguồn lực đất đai cho phát triển.
Đánh giá cao những ý kiến tham luận, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 19 đề nghị Ban Tổ chức hội thảo, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 19 tiếp thu tối đa những nội dung, ý kiến để tổng hợp, chắt lọc phục vụ xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 và xây dựng Nghị quyết mới trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII...