August 16, 2021 | 18:45 GMT+7

Phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển trong giai đoạn mới

Đỗ Phong -

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, nguồn lực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác giám sát việc tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, lấy ý kiến đã nhấn mạnh quan điểm quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững...

NGUỒN THU TỪ ĐẤT TĂNG QUA CÁC NĂM

Theo dự thảo này, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng đi vào thực chất; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã cơ bản bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; từng bước khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.

Đặc biệt, qua quy hoạch đã phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Quy hoạch quỹ đất đáp ứng cho phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; thương mại dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được mở rộng. Cụ thể, năm 2020, đất dành cho phát triển các khu công nghiệp tăng thêm 18,81 nghìn ha, đất đô thị tăng 510,92 nghìn ha, đất phát triển hạ tầng tăng 176,63 nghìn ha... so với năm 2010.

Phát huy nguồn lực đất đai phục vụ phát triển trong giai đoạn mới - Ảnh 1Nguồn thu từ đất cho ngân sách tăng đáng kể qua các năm

Việc thực hiện quy hoạch đã khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất, góp phần làm tăng giá trị của đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển.

Thống kê cho thấy, nguồn thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm. Nếu như năm 2013 là 63.681 tỷ đồng; năm 2014 là 69.580 tỷđồng; năm 2015 là 102.045 tỷ đồng; năm 2016 là 145.801 tỷ đồng; thì đến năm 2019, con số này là 232.689 tỷ đồng và năm 2020 là 254.854 tỷ đồng. Điều này góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội. Hàng năm, nguồn thu từ đất đã đóng góp từ 12%-15% thu ngân sách nội địa.

Về tài chính đất đai, hệ thống chính sách tài chính đất đai đã từng bước được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm về cơ chế để điều chỉnh các quan hệ về đất đai, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất, nhất là quyền bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; bổ sung các quy định cụ thể về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...

Những quy định này đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng đất có hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với thực tiễn.

TẦM NHÌN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT GIAI ĐOẠN MỚI

Mặc dù đặt được nhiều kết quả nhất định song trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại, bất cập.

 Đặc biệt, do tình hình kinh tế xã hội những năm qua gặp nhiều khó khăn, tác động lớn đến việc thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư, nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án. Một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ (như Sân bay quốc tế Long Thành, một số tuyến đường cao tốc Bắc- Nam, đường vành đai ven biển, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, các trường đại học,...), ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

 
Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là quy hoạch vĩ mô nên nội dung quy hoạch phải mang tính định hướng, tổng quát và có tầm chiến lược quốc gia; phải đảm bảo tính ổn định và đồng bộ, có tính kế thừa, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động”…

Bên cạnh đó, quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; chưa xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế xã hội; việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý.

Dự thảo cũng nêu rõ, việc đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số công trình, dự án trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tiễn; việc xác định chỉ tiêu, quy mô diện tích một số công trình, dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn cao so với khả năng thực hiện của địa phương…

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác giám sát việc tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Cùng với đó cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất; Quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Nhất là các khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Tổ chức giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất, giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được thực hiện theo đúng thời gian, quy trình các bước để đảm bảo cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng đất có đủ thời gian thực hiện các hạng mục công trình sử dụng đất đã được phê duyệt. Quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch cần có sự tham gia và ý kiến phản hồi của của người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng đất…

 
Năm 2020, nhóm đất nông nghiệp là 27.987,57 nghìn ha, tăng 1.761,18 nghìn ha so với năm 2010. Diện tích tăng tập trung chủ yếu vào đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản; Nhóm đất phi nông nghiệp có 3.930,94 nghìn ha, tăng 225,87 nghìn ha so với năm 2010, chiếm 11,87% diện tích tự nhiên; Đất đô thị có 2.028,07 nghìn ha, chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate