Thống kê từ FiinGroup cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng bền bỉ trong 12 tháng năm 2021. Tính riêng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh của nhóm này đã lên đến con số gần 93.079 tỷ đồng, tương ứng hơn 4 tỷ USD.
Top 10 cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất đầu tiên phải nhắc đến HPG. Dòng vốn nội trỗi dậy đổ tiền mua ròng 19.898 tỷ đồng HPG trong suốt thời gian đầu năm. Tiếp theo VPB với giá trị mua ròng 9.005 tỷ đồng. CTG cũng được mua ròng 5.670 tỷ đồng.
Nửa cuối năm 2021, bất động sản và xây dựng là nhóm tăng nóng, hai nhóm này có tới 5 cổ phiếu lọt vào danh mục 10 mã được mua gom nhiều nhất của các cá nhân trong nước. Theo thống kê, cổ phiếu NVL được mua nhiều nhất 5.441 tỷ đồng; VIC được mua ròng 4.490 tỷ đồng, theo sau là VHM (3.477 tỷ đồng), NLG (3.490 tỷ đồng) và DIG (2.426 tỷ đồng).
Ở chiều bán ra, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động là mã bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 3.075 tỷ đồng. Một số mã khác cũng bị nhà đầu tư trong nước xả ròng như TCB 1.150 tỷ đồng; 707 tỷ đồng; ACB 2389 tỷ đồng; DHC 760 tỷ đồng; MSN 908 tỷ đồng.
Đánh giá về việc thu hút nguồn vốn nhà đầu tư cá nhân trong năm 2022, Chứng khoán BVSC cho rằng, dư địa cho thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư cá nhân vẫn rất lớn, xu hướng thị trường còn tốt, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở Việt Nam còn nhỏ, giá trị giao dịch tuy có đột biến trong năm 2021 những vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, lãi suất điều hành sẽ không có nhiều thay đổi. Mặc dù vậy, Chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua các gói kích thích kinh tế, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vốn và lãi suất để phục hồi nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ được thúc đẩy theo nhu cầu. Tiền gửi sẽ được thúc đẩy bởi lưu thông. Vì vậy, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ so với 2021 nhưng vẫn thấp so với năm 2015 - 2019.
Hơn nữa, giá trị giao dịch trên mỗi tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân đang tăng mạnh theo thời gian. Do đó, kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ để đạt được 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025.
Thống kê của BVSC cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ đạt 144.400 tỷ đồng tăng gấp đôi so với 2020, đồng thời là mức cao nhất từ trước tới nay. Đồng nghĩa với việc tăng trưởng nguồn cầu cho vay ký quỹ ngày càng tăng, phù hợp với sự gia tăng của các nhà đầu tư F0 và thanh khoản. Với kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán, kỳ vọng dư nợ cho vay ký quỹ sẽ tăng trong năm tới, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thúc đẩy thị trường tiến xa hơn.
Trao đổi trên Phố Tài chính mới đây, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS cho hay, năm 2021 đa phần các nhà đầu tư đều thắng lợi, đây là một niềm hân hoan để có thể bước tiếp một chặng đường mới với nhiều thành công mới. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp. Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng ở mức thấp trong 4 năm gần đây. Các Công ty chứng khoán tăng vốn nhanh giúp giới hạn margin tăng theo, giá trị cho vay margin đạt mức kỷ lục 154 ngàn tỷ vào cuối quý III.
Với 2022 sẽ là năm rất khó đoán, tuy nhiên thì ông Hà, chưa bao giờ chứng khoán lại gần với chúng ta đến thế. Hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ thì nhà đầu tư có thể mở tài khoản online, chuyển tiền online, có thể đặt lệnh qua nền tảng app và web của công ty chứng khoán. Dù không nói chính xác về điểm số nhưng ông Hà cho rằng trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có điểm số đỉnh trong 22 năm. Chúng ta sẽ chứng kiến một lượng nhà đầu tư mở tài khoản lớn chưa từng thấy.
"Chúng ta có thể kỳ vọng rằng, năm 2022, chúng ta có khoảng 10% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán. Năm 2022 tiếp tục là một năm thắng lợi của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán", ông Hà kỳ vọng.