Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
XU HƯỚNG TẤT YẾU
Tại hội nghị “Giải pháp tương lai cho đô thị thông minh”, do Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) phối hợp với Liên minh phát triển đô thị thông minh Việt Nam (VSCC) tổ chức ngày 21/02/2023, các chuyên gia cho rằng xây dựng thành phố thông minh đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các đô thị trên thế giới.
Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và hướng tới phát triển bền vững.
Việc phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 12/2022, tổng số đô thị cả nước là 888 đô thị. Theo đó có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Dựa trên chủ trương xây dựng các đô thị thông minh của Chính phủ, nhiều địa phương ở Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh.
Việc xây dựng đô thị thông minh ở TP.HCM nói riêng và ở các tỉnh thành lớn nói chung là điều vô cùng cần thiết bởi đây là một định hướng lớn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Theo đó, trong thời gian qua, TP.HCM đã cho tập trung xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; thành lập Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội; phê duyệt Đề án thành lập Công ty cổ phần Vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố; tổ chức triển khai thí điểm Đề án tại quận 1 và quận 12; ban hành hướng dẫn mô hình triển khai đô thị thông minh cho các sở, ban, ngành quận, huyện làm cơ sở để các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai. Thành phố cũng đang tìm kiếm các đối tác tư vấn công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft (Hoa Kỳ) để có các kế hoạch đầu tư phát triển thực tế trong tương lai.
Số liệu từ Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng cho thấy, Chiến lược phát triển thành phố thông minh tại Đà Nẵng sẽ theo hướng xây dựng một chính quyền thông minh kết 31 nối được với những công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh. Mới đây nhất, UBND TP. Đà Nẵng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết Biên bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn nước ngoài được chọn là Tập đoàn IBM.
Tại thủ đô Hà Nội, lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018-2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh... Giai đoạn 2 (2020-2025), sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025), sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức…. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ hình thành Trung tâm điều hành thông minh dựa trên các nền tảng công nghệ mới nhất, với 8 chức năng, cụ thể: Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng, chống tội phạm công cộng; Trung tâm Giám sát bảo mật và an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và truyền thông; Trung tâm Ấn định dữ liệu...
Ngoài ra, hàng loạt tỉnh, thành phố cũng rốt ráo bắt tay xây dựng đô thị thông minh, như: Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); Đà Lạt (Lâm Đồng); Bình Dương; Quảng Ninh; Bắc Ninh; Thừa Thiên-Huế; Hải Phòng, Cần Thơ…
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH TẠI VIỆT NAM ĐANG Ở GIAI ĐOẠN ĐẦU
Hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm về thành phố, đô thị thông minh vẫn chưa được định hình một cách cụ thể. Mỗi đơn vị xây dựng, phát triển đô thị thông minh có những nhận định, cũng như phương hướng tổ chức hoạt động, sáng tạo, phát triển trong lĩnh vực này khác nhau. Điều này dẫn đến bức tranh tổng thể về đô thị Việt Nam gặp phải nhiều vấn đề, thiếu thống nhất và nhất quán.
Theo Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia, tại Việt Nam, hầu như chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào về mô hình triển khai các đô thị thông minh. Hiện tại một số văn bản mới ở mức đề cập đến hoặc có ý liên quan đến việc này như: Nghị quyết số 04-NQ/TW (ngày 30 tháng 10 năm 2016) của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Sớm triển khai xây dựng một số khu hành chính-kinh tế đặc biệt; ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”.
Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam đang ở trong các giai đoạn ban đầu. Một số đô thị ở Việt Nam cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh, điển hình như TP. HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng...
Trong quá trình đó, các công ty viễn thông, công nghệ thông tin đóng vai trò khá tích cực và quan trọng trong việc giới thiệu các giải pháp xây dựng đô thị thông minh cho chính quyền.
Thời gian qua, nhiều tỉnh, đô thị đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, lựa chọn một chiến lược phát triển “đúng và trúng” để phát triển đô thị thông minh trên khắp cả nước có hiệu quả còn là việc cần làm rõ trong các giai đoạn sắp tới.
Tuy vậy, việc xây dựng đô thị thông minh là cả một quá trình dài hạn đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng sự linh hoạt, thay đổi theo từng thời kỳ và đặc điểm riêng biệt về văn hóa, xã hội của từng thành phố, quốc gia.
Theo đó, mới đây, Liên minh phát triển đô thị Việt Nam (Vietnam Smart City Consortium - VSCC) chính thức ký kết và mời Chunghwa Telecom trở thành tân đồng sáng lập viên. Lễ kết nạp đánh dấu bước tiến mới trong việc gia tăng năng lực của liên minh theo hướng mở rộng, đa dạng hóa, qua đó, đáp ứng nhu cầu kiến tạo các đô thị, thành phố thông minh.
Ông Hồ Quỳnh Hưng cũng cho biết thêm, VSCC được tạo dựng nhằm tạo ra một đầu mối tập trung giúp các đơn vị tìm ra giải pháp để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Đồng thời, hướng đến việc xây dựng một diễn đàn hội tụ các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng cùng chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm và tạo ra cơ hội hợp tác, xây dựng và phát triển các dự án đô thị thông minh theo hướng đi dài hạn.
Các chuyên gia đô thị cho rằng, việc xây dựng đô thị thông minh cần phải có sự phối hợp tương tác trong một quãng thời gian dài giữa rất nhiều các bên liên quan, từ người dân, doanh nghiệp, cộng đồng cho đến các tổ chức và chính quyền. Do đó, để đảm bảo cho việc xây dựng thành công của đô thị thông minh, từ một số nghiên cứu, tiêu chuẩn trên thế giới, có thể đề xuất 4 nguyên tắc định hướng triển khai đô thị thông minh. Thứ nhất, tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; Thứ hai, luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; Thứ ba, công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; Thứ tư là huy động mọi nguồn lực.