Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội đoàn đại biểu TP.Hải Phòng đề cập đến việc đến nay, nước ta dường như vẫn chưa có khái niệm hay luật hóa về “Đô thị thông minh”.
Với ý kiến này, Bộ Xây dựng thông tin, năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới định nghĩa chung: “Đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông ICT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội”. Đây là định nghĩa mang tính phổ quát nhất về đô thị thông minh cho đến nay.
Ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định 7 nguyên tắc, quan điểm và 4 nội hàm chủ yếu cho phát triển đô thị thông minh giai đoạn hiện nay.
Đến nay, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Cụ thể 34/48 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh; 16/48 tỉnh, thành phố trực Thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.
Còn về triển khai phát triển tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo; 19 tỉnh đang triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Một số địa phương tiêu biểu như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Thừa Thiên-Huế… đã đạt được nhiều thành công trong quản lý đô thị thông minh, ứng dụng đô thị thông minh trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân bằng các tiện ích thông minh. Đặc biệt, các địa phương Bắc Ninh, Bình Phước... sau khi Đề án 950 ban hành thì luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, để triển khai phát triển đô thị thông minh.
Vì vậy, cũng khắc phục được một số vấn đề gặp phải của địa phương tiên phong như đầu tư có phần giàn trải trên nhiều lĩnh vực, khó khăn trong phân công tổ chức thực hiện.
Cũng theo Bộ Xây dựng, triển khai Đề án 950, các Bộ, ngành đã và đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh. Ngoài ra, Bộ Xây dựng trong thời gian tới với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án 950 sẽ tiếp tục duy trì sự kết nối thường xuyên, phối hợp trong triển khai chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh;
Đẩy mạnh hướng dẫn, triển khai áp dụng phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy quy hoạch đô thị thông minh và quản lý xây dựng thông minh, áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị;
Hỗ trợ địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục duy trì, kiểm tra hướng dẫn địa phương thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh, hỗ trợ địa phương xây dựng thí điểm phát triển đô thị thông minh;
Tăng cường công tác triển khai thí điểm đô thị thông minh tại địa phương, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, tăng cường kết nối với các tổ chức nước ngoài và trong nước.