Những sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo sức khỏe đang là ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia khác nhau. Nielsen cho biết 49% người tiêu dùng trên thế giới chấp nhận bỏ thêm chi phí để mua những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình toàn cầu: 65% người tiêu dùng Việt đánh giá cao về chất lượng hoặc hiệu quả của sản phẩm. Người Việt đang quan tâm và chịu chi cho sức khỏe cao hơn kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.
UỐNG NHỮNG GÌ CÓ LỢI CHO SỨC KHỎE
Trong ngành thực phẩm và đồ uống, sự thay đổi hướng tới sức khỏe và thể chất được thể hiện rõ ở nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bổ dưỡng, hữu cơ và tự nhiên. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường đồ uống tốt cho sức khỏe dự kiến sẽ tăng từ 344,36 tỷ USD năm 2023 lên 408,80 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3,49% trong giai đoạn dự báo (2023 - 2028).
Thị trường đồ uống tốt cho sức khỏe cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới, từ đó thúc đẩy việc đánh giá lại danh mục sản phẩm. Nhiều công ty đang cải tiến sản phẩm để giảm các thành phần nhân tạo, đường và chất béo không lành mạnh. Họ cũng giới thiệu dòng sản phẩm mới phù hợp với xu hướng chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như đồ uống chức năng. Thị trường cũng đã chứng kiến sự thâm nhập của nhiều loại hương vị mới, phổ biến nhất là thêm chiết xuất trái cây hoặc thảo dược, để tăng cường vitamin cho người sử dụng.
Theo trang Le Figaro, tại châu Âu, trào lưu ‘’functionnal drinks’’ (đồ uống chức năng) phát triển song song với nhu cầu giảm bớt lượng cồn nơi giới trẻ nói riêng, người tiêu dùng nói chung. Các loại thức uống có hàm chứa những chất chiết xuất từ hoa quả, trái cây hay thảo mộc cũng có khả năng tạo ra cảm giác thư giãn, vui vẻ. Theo ông Eric Fossard, đồng Giám đốc Công ty Liquid Liquid chuyên kinh doanh đồ uống không cồn: ‘’Thức uống chức năng đang phát triển mạnh, vì khách hàng không còn muốn say sưa quá chén. Thay vào đó, họ muốn uống những gì ngon mà tốt cho sức khỏe”.
Cũng vì thế, trang Data Bridge Market Research mới đây công bố một báo cáo phân tích quy mô thị trường sữa có nguồn gốc thực vật châu Âu. Theo đó, thị trường này đang tăng trưởng với tốc độ CAGR 11,7% trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030, dự kiến sẽ đạt 9,227 tỷ USD vào năm 2030. Những quốc gia tham gia tích cực vào cuộc đua này có Đức, Anh, ý, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Nga… Trong đó, Đức dự kiến sẽ thống trị thị trường sữa và đồ uống có nguồn gốc thực vật.
Trào lưu chọn đồ uống tốt cho sức khỏe cũng phổ biến ở Hoa Kỳ. Trong một xã hội mà sức khỏe và vẻ đẹp cơ thể là mối ưu tiên hàng đầu, các thức uống chức năng thu hút đông đảo người tiêu dùng giống như vài thập niên trước các loại vitamin và thực phẩm bổ sung “tỏa sáng” trên thị trường. Hầu như tháng nào cũng có một thương hiệu đồ uống lành mạnh mới ra mắt ở Mỹ. Thậm chí, gã “khổng lồ” nước ngọt có ga Pepsi cũng đã cho ra mắt sản phẩm nước “trắng” mới (không ngọt, không ga) vào đầu năm 2024. Thức uống mới là một sản phẩm chức năng có chứa thêm kiềm và các chất điện giải.
Tại Trung Quốc, năm 2023, giới trẻ đổ xô xếp hàng để thưởng thức cà phê có hương vị thuốc Đông y, hay nước táo gai có tác dụng tăng cường tiêu hóa và trà bạch chỉ làm ấm cơ thể. Một cuộc khảo sát gần đây do China Media Group, Cục Thống kê Quốc gia và China Post phối hợp thực hiện cho thấy, chi tiêu cho bảo vệ sức khỏe đang đứng thứ ba trong chi tiêu của giới trẻ, chỉ sau du lịch và các sản phẩm kỹ thuật số. Nhận thấy cơ hội kinh doanh, Tập đoàn dược phẩm TRT Bắc Kinh đã ra mắt thương hiệu phụ Zhimajiankang, cung cấp đồ uống bồi bổ sức khỏe từ các vị thuốc truyền thống. Giá của mỗi món dao động từ 32 đến 88 Nhân dân tệ (106.000 đến 293.000 đồng).
Ngành công nghiệp đồ uống chức năng được dự đoán sẽ mở rộng với tốc độ đáng kể trong những năm tới. Cụ thể, theo Công ty nghiên cứu Precedence Research, quy mô thị trường đồ uống chức năng toàn cầu năm 2023 là 219,74 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 385,94 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ CAGR là 6,46%. Có thể thấy, cuộc đua sản xuất những đồ uống chức năng tốt cho sức khỏe, không có dấu hiệu dừng lại...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2024 phát hành ngày 29/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam