“Tôi đã sống và làm việc ở Việt Nam trong 17 năm, trong suốt thời gian đó, tôi đã hiểu rõ lý do tại sao khung pháp lý và môi trường kinh doanh của Việt Nam lại thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư Ấn Độ.
Thứ nhất, quan trọng nhất đó chính là sự ổn định về mặt chính trị. Các chính sách thúc đẩy đầu tư và kinh doanh của Việt Nam không chỉ mang tính bền vững mà còn tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển lâu dài.
Thứ hai, về cơ cấu dân số Việt Nam, với lực lượng dân số trẻ và đang phát triển, thị trường tiêu dùng của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù chỉ có hơn 100 triệu dân, nhu cầu nội địa tại Việt Nam vẫn rất cao và không ngừng gia tăng.
Thứ ba, sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Hiện nay, các khu công nghiệp và khu chế xuất tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng thiết lập hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng. Các khu công nghiệp tại Việt Nam thường đã có sẵn cơ sở hạ tầng quan trọng như đất đai, điện nước và các tiện ích khác, do đó các doanh nghiệp không phải đối mặt với quy trình phức tạp khi hoạt động trong các khu công nghiệp tại đây.
Đặc biệt, khi nhìn vào mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, chúng ta có thể chia làm hai khía cạnh: thương mại và đầu tư. Về mặt thương mại, hai quốc gia có nhiều cơ hội trong các lĩnh vực như dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin và tài chính công nghệ (fintech)... Về mặt đầu tư, năng lượng là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư Ấn Độ.
Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia được đánh giá là có sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thập kỷ vừa qua, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng điện gió trong thời gian tới. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về cảng biển, cũng là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Ấn Độ đang muốn gia tăng đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đã và đang tìm nguồn cung từ Việt Nam, chúng tôi cũng thấy sự quan tâm ngày càng lớn từ các doanh nghiệp Việt Nam đối với nguồn cung từ Ấn Độ. Ví dụ, Việt Nam đang quan tâm đến việc nhập khẩu gạch men từ Ấn Độ, trong khi Ấn Độ nhập khẩu một lượng lớn đá vôi từ Việt Nam để phục vụ ngành thép. Sự trao đổi hàng hóa này là minh chứng cho mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Năm 2024 là năm đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM), chúng tôi đang tổ chức hàng loạt sự kiện nhằm xây dựng cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ. Những sự kiện này sẽ tạo ra nền tảng cho cả doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam thảo luận về nền kinh tế kỹ thuật số, điều mà chúng tôi tin rằng sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia trong thời gian tới”.
“Từ góc nhìn của các doanh nghiệp Ấn Độ, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất rất quan trọng nhờ vào các chính sách thuận lợi mà hiện nay chính phủ Việt Nam đang triển khai, bao gồm các quy định về việc thành lập công ty, luật lao động, phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt là mạng lưới Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mạnh mẽ của Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với 60 quốc gia trên toàn thế giới, từ đó mang lại những lợi thế đáng kể cho các công ty khi họ chọn thiết lập hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam. Không những thế, các công ty khi hoạt động tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ mức thuế ưu đãi và quyền ưu tiên khi tiếp cận các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Nhờ những lợi thế này, Việt Nam hiện đang là điểm đến rất hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn thành lập các cơ sở sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ra toàn thế giới.
Tương tự, Ấn Độ cũng là một điểm đến đầu tư đầy triển vọng. Với dân số lên đến 1,4 tỷ người và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thị trường nội địa của Ấn Độ đã và đang trở thành một thị trường hấp dẫn cho cả các thương hiệu trong nước và quốc tế. Chỉ riêng nhu cầu nội địa ngày càng gia tăng của Ấn Độ đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, điều này được thể hiện qua việc Ấn Độ đứng trong top ba quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới. Với thu nhập ngày càng cao, nhu cầu về các sản phẩm mới của người tiêu dùng Ấn Độ cũng đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc đầu tư vào Ấn Độ cũng là một cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và kỹ thuật số tại Ấn Độ hiện đang đặc biệt thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Ấn Độ đã xây dựng danh tiếng toàn cầu trong những lĩnh vực này, với nhiều công ty công nghệ lớn nhất thế giới đều do người Ấn Độ lãnh đạo hoặc có sự tham gia đáng kể của lực lượng lao động người Ấn Độ. Ấn Độ cũng là quê hương của hàng ngàn công ty tài chính công nghệ (fintech) và đứng đầu thế giới về số lượng giao dịch thanh toán kỹ thuật số.
Vì vậy, đây chính là những lĩnh vực rất tiềm năng để các công ty công nghệ Ấn Độ và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với nhau thông qua các liên doanh hoặc hợp tác chiến lược. Ngược lại, các công ty Ấn Độ có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp địa phương và chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sản xuất cũng là một lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng cường hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh Công nghiệp 4.0 và các công nghệ sản xuất thông minh đang phát triển mạnh mẽ. Với vị trí chiến lược trong khu vực ASEAN và hệ thống FTA thuận lợi, việc sản xuất tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu mạnh mẽ đến các thị trường trong khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, giáo dục và đào tạo cũng là lĩnh vực quan trọng để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Để duy trì tính cạnh tranh, lực lượng lao động trẻ của Việt Nam cần được cập nhật và nâng cao kiến thức về công nghệ hiện đại. Đây chính là cơ hội để chuyên môn của Ấn Độ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể mang lại giá trị lớn tại thị trường VIệt Nam. Củng cố hợp tác trong lĩnh vực này sẽ giúp lực lượng lao động của Việt Nam phát huy hiệu quả hơn trong việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Cùng với giáo dục và đào tạo, ngành du lịch và khách sạn cũng tiếp tục là một lĩnh vực hấp dẫn và quan trọng mà các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tăng cường đầu tư tại Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam và Ấn Độ cũng đã cam kết sâu sắc trong việc tăng cường quan hệ kinh tế và thúc đẩy dòng chảy đầu tư giữa hai quốc gia. Với ý chí chính trị mạnh mẽ như vậy, các chính sách hiện tại của hai quốc gia sẽ tiếp tục khuyến khích các công ty khám phá và theo đuổi các cơ hội đầu tư tại thị trường của nhau trong thời gian sắp tới”.
“Tôi tin rằng bây giờ là thời điểm lý tưởng để đầu tư vào Việt Nam, bởi nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và tôi cảm nhận được sự tích cực rõ rệt từ con người nơi đây. Ấn Độ và Việt Nam đã có mối quan hệ gắn bó bền chặt từ nhiều năm nay. Với tư cách là người đến từ Thành phố Kolkata (thuộc miền Đông Ấn Độ), tôi cảm thấy có một sự kết nối văn hóa sâu sắc với giữa Việt Nam và Ấn Độ. Điều thú vị là thời gian bay từ Kolkata đến Hà Nội còn ngắn hơn thời gian bay đến Thành phố Mumbai (Ấn Độ), điều này cho thấy sự thuận tiện trong việc hợp tác với Việt Nam.
Hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào việc thiết lập quan hệ đối tác với các công ty công nghệ thông tin (IT) ở Việt Nam. Thế mạnh của chúng tôi nằm ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu, chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ nền kinh tế số. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam để truyền đạt kiến thức về AI cho thế hệ trẻ và mục tiêu của chúng tôi là giúp họ hiểu cách AI để có thể nâng cao cơ hội nghề nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và tạo ra tác động tích cực đến toàn cầu.
Với tư cách là một công ty chuyên về AI, chúng tôi cam kết thiết lập sự hiện diện vững chắc tại Việt Nam. Chúng tôi coi các quốc gia ASEAN là đối tác quan trọng trong thương mại song phương của Ấn Độ, trong đó Việt Nam nổi bật như một thị trường chủ chốt trong khu vực. Đối với bất kỳ doanh nghiệp Ấn Độ nào muốn mở rộng sang thị trường ASEAN, Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất.
Đặc biệt, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam hiện đang rất phát triển, chúng tôi đã gặp và làm việc với nhiều chuyên gia công nghệ thông tin có trình độ cao của Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là kết hợp chuyên môn toàn cầu với những chuyên gia tài năng thông qua các mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ thông tin tại Việt Nam, chúng tôi có thể tận dụng kinh nghiệm quốc tế của mình để phát triển các sản phẩm AI tiên tiến nhất.
Chúng tôi cũng quan tâm đến việc khám phá tiềm năng của AI trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam vì Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách Ấn Độ cũng như du khách quốc tế. Việc hợp tác với các đối tác trong nước sẽ là yếu tố then chốt để hiện thực hóa tiềm năng này giữa hai bên.
Hơn nữa, khi AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, thế hệ trẻ cần trang bị kiến thức vững vàng về lĩnh vực này. Chúng tôi dự định triển khai hai phương pháp đào tạo về AI bao gồm: phương pháp AI dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp trở thành nhà phát triển hoặc nhà khoa học AI; phương pháp AI hướng đến các chuyên gia trong các lĩnh vực như kinh doanh, tài chính và y tế,… nhằm giúp họ nắm bắt cách AI có thể áp dụng hiệu quả vào công việc của mình.
Vì vậy, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ thông tin của Việt Nam để cùng phát triển các sản phẩm AI; đồng thời, hợp tác với các trường đại học để cung cấp chương trình đào tạo AI toàn diện. Cách tiếp cận kép này không chỉ giúp đào tạo một thế hệ chuyên gia về AI mới, mà còn trang bị cho những người hoạt động trong các lĩnh vực khác kỹ năng cần thiết để sử dụng AI hiệu quả trong công việc của họ. Bằng cách này, chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cũng như sự thịnh vượng chung của khu vực ASEAN”.
“Sau khi nghiên cứu sâu rộng về nền kinh tế của Việt Nam và chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng mà quốc gia này đã đạt được, tôi nhận thấy rằng Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trên thị trường toàn cầu. Những tiềm năng và cơ hội này đã thúc đẩy tôi tìm hiểu sâu hơn về thị trường Việt Nam. Chúng tôi cũng đang phát triển các hoạt động trong lĩnh vực chuyên về các giải pháp tiên tiến về xử lý nước, trong đó có phát triển về internet vạn vật (IoT) và hệ thống giám sát để xử lý nước nhằm phát triển các sản phẩm phục vụ cho cả thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ.
Hiện nay, việc tiếp cận nước uống sạch và an toàn vẫn là một thách thức lớn trên toàn thế giới và vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nơi mà nhiều người vẫn phải dựa vào việc mua nước đóng chai. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp các giải pháp không chỉ hợp lý về giá, mà còn đạt tiêu chuẩn an toàn cao về nước cho người dân trên toàn thế giới. Sau khi tìm hiểu các thị trường, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều thị trường tiềm năng để phát triển các giải pháp này của chúng tôi, không chỉ ở Ấn Độ mà còn có cả các thị trường khác như châu Phi, Trung Quốc và Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu và đánh giá các cơ hội mở rộng trên toàn cầu, chúng tôi đã chọn Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam, tôi thật sự ấn tượng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các cơ hội đầu tư đa dạng mà môi trường kinh doanh tại Việt Nam mang lại. Đặc biệt, sự hiện diện của nhiều nhà máy thuộc các tập đoàn quốc tế lớn tại Việt Nam chứng tỏ rằng quốc gia này sở hữu tiềm năng đầu tư và tăng trưởng vượt trội trên toàn lãnh thổ.
Khi lên kế hoạch chiến lược đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về các cơ hội và tìm kiếm các đối tác phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi tại đây. Hiện tại, chúng tôi đã có hoạt động sản xuất tại Ấn Độ và rất mong muốn mở rộng sang thị trường Việt Nam để khám phá các khả năng, tiềm năng mà quốc gia này cung cấp. Cụ thể, cách tiếp cận của chúng tôi bao gồm việc làm việc chặt chẽ với các bộ ngành địa phương của Việt Nam và tuân thủ các hướng dẫn của họ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh các dự án của chúng tôi.
Trong cuộc họp gần đây với đại diện từ các bộ, ban, ngành của Việt Nam, chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ rất tích cực, điều này đã nâng cao sự tự tin của chúng tôi trong quá trình tìm hiểu thị trường tại Việt Nam. Thông qua đó, chúng tôi tin tưởng vào cơ hội tăng trưởng và hợp tác tại Việt Nam và quyết tâm xây dựng một sự hiện diện thành công trên thị trường năng động của Việt Nam trong lĩnh vực xử lý nước.
Ngoài việc khám phá cơ hội kinh doanh, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia đã được thiết lập và mở rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, một minh chứng rõ ràng cho sự gắn bó lịch sử giữa Ấn Độ và Việt Nam là con đường mang tên Hồ Chí Minh ở thành phố Kolkata của Ấn Độ. Đây không chỉ là một biểu tượng của mối quan hệ bền chặt đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ, mà còn khẳng định tiềm năng to lớn của việc mở rộng quan hệ đối tác kinh tế giữa hai quốc gia”.
“Việt Nam được biết đến với ngành dệt may phát triển mạnh, do đó lượng nước và hóa chất tiêu thụ rất cao. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải chứa hóa chất vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu thu hồi một số hóa chất từ nước thải và tái sử dụng, điều này sẽ mang lại lợi ích cả về kinh doanh lẫn môi trường.
Chẳng hạn, các nhà sản xuất vải denim sử dụng thuốc nhuộm trong sản phẩm của họ. Tuy nhiên, gần 15% lượng thuốc nhuộm sẽ trôi vào nước trong lần giặt đầu tiên. Sản phẩm của chúng tôi cho phép loại bỏ thuốc nhuộm từ nước thải để cả nước và thuốc nhuộm đều có thể tái sử dụng. Nhờ vậy, chi phí xử lý cũng như lượng nước tiêu thụ sẽ giảm đáng kể.
Chúng tôi đang tìm kiếm đối tác trong nước để áp dụng các sản phẩm sáng tạo của mình trong ngành dệt may của Việt Nam. Chúng tôi có những hệ thống giúp ngành dệt may giảm lượng nước thải và thu hồi một phần hóa chất thải ra, từ đó tiết kiệm nước, hóa chất và tái sử dụng chúng. Điều này giúp Việt Nam trong quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Các công nghệ này còn rất mới và thậm chí chưa được triển khai ở Trung Quốc. Chúng tôi đang quảng bá công nghệ này trên thị trường toàn cầu, hợp tác với các doanh nghiệp ở Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia trong ngành dệt may để triển khai công nghệ này. Công ty S.A.Pharmachem cũng hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm. Chúng tôi sản xuất một số loại tinh bột cho dược phẩm của Mỹ, Anh và Ấn Độ, với các cơ sở sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn GMP. Mỗi viên thuốc đều chứa tinh bột làm chất kết dính.
Chúng tôi sản xuất các loại tinh bột giúp kéo dài thời gian tác dụng của thuốc. Mỗi viên thuốc chứa khoảng 85% đến 90% tinh bột làm chất độn, vì đó là thành phần rẻ nhất, trong khi thuốc thực sự chỉ chiếm khoảng 5%. Nếu bạn bị đau và uống thuốc nhưng cơn đau trở lại trong nửa giờ, thì viên thuốc đó không hiệu quả. Thuốc phải có cơ chế giải phóng chậm, nhờ có tinh bột của chúng tôi, tác dụng sẽ kéo dài ít nhất tám giờ.
Việt Nam cũng có thể tham gia vào ngành này khi sắn là một trong những sản phẩm chính của ngành nông nghiệp Việt Nam. Bột sắn có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khi được chế biến một cách phù hợp.Các sản phẩm dựa trên tinh bột đang được ứng dụng trong dược phẩm, thực phẩm, keo dính và ngành công nghiệp giấy. Tuy nhiên, cần có những điều chỉnh nhất định tùy theo tính chất và mục đích sử dụng.
Việt Nam có nguồn nguyên liệu thô dồi dào, nhưng thiếu công nghệ để chế biến. Bột sắn có thể được sử dụng để sản xuất glucose lỏng, sorbitol, hoặc chất tạo kết cấu, chúng tôi sẵn sàng cung cấp những công nghệ này cho Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép sản xuất ethanol từ tinh bột và nhiều dự án đang được triển khai tại Ấn Độ. Nhờ đó, tinh bột có thể được thêm vào xăng hoặc dầu diesel. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này sang Ấn Độ vì Việt Nam có nguồn nguyên liệu thô sẵn có”.
“Ấn Độ và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thương mại, chuyến thăm này nhằm tìm kiếm những cơ hội mới để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác đó. Cả hai quốc gia đều đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, điều này mở ra nhiều cơ hội mới.
Một lĩnh vực mà chúng tôi đặc biệt chú trọng trong chuyến thăm Việt Nam lần này là lĩnh vực nông nghiệp, Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm và các sản phẩm nông nghiệp nổi bật, được đánh giá cao tại nhiều thị trường quốc tế. Chúng tôi đã xuất khẩu thành công đến nhiều quốc gia yêu thích chất lượng nông sản của Ấn Độ và chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong việc mở rộng kinh doanh sang Việt Nam.
Nông nghiệp, đặc biệt là canh tác hữu cơ, chính là tương lai. Với những lo ngại ngày càng tăng về việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp, các sản phẩm hữu cơ của chúng tôi mang lại lựa chọn lành mạnh và bền vững hơn cho người tiêu dùng, điều này rất quan trọng để nâng cao sức khỏe cho hàng triệu người. Thông qua chuyến thăm này, chúng tôi không chỉ tìm kiếm thị trường mới tại Việt Nam, mà còn hướng đến khám phá các cơ hội hợp tác trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài ra, khi nhu cầu của người tiêu dùng dần chuyển sang các sản phẩm xanh, hữu cơ, cả Ấn Độ và Việt Nam đều có thể hưởng lợi rất lớn từ việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm này, tăng cường quan hệ thương mại; đồng thời thúc đẩy sức khỏe và sự bền vững. Vì vậy, Việt Nam và Ấn Độ có tiềm năng rất lớn trong hợp tác nông nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi xu hướng toàn cầu về canh tác hữu cơ tiếp tục phát triển mạnh mẽ”.
VnEconomy 11/09/2024 17:00