Sau Tết Ất Tỵ 2025, nguồn cung hàng hóa trên thị trường đã tăng từ 20% - 30% tuy nhiên sức mua vẫn còn thấp. Nhiều chuỗi bán lẻ hiên tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng tại không gian mua sắm và đón đầu sự phục hồi của thị trường. Đồng thời, cải thiện số ngày tồn kho nhờ vào hoạt động của chuỗi cung ứng hiệu quả, mở rộng kênh kinh doanh, triển khai các chương trình khuyến mãi và lợi ích mới cho người tiêu dùng...
Báo cáo từ YouNet ECI và YouNet Media cho biết tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028. Dù thương mại điện tử mang lại nhiều tiện ích, các chuyên gia cho rằng bán lẻ truyền thống với hệ thống cửa hàng vật lý vẫn giữ vai trò quan trọng nhờ mang đến trải nghiệm trực quan, tư vấn trực tiếp và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.
Cuộc khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2025 vừa công bố cũng chỉ ra, nhiều nhà bán lẻ online hiện đang mở cửa hàng offline, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.

Từ thực tế này, các nhà bán lẻ, điển hình như Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã có nhiều mô hình bán lẻ đa dạng đáp ứng xu thế. Các mô hình phủ đều các phân khúc như: siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, cửa hàng bách hóa Co.op Smile, cửa hàng tiện lợi Cheers, trung tâm thương mại Sense Market, kênh mua sắm trực tuyến Co.op Online…
Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mang lại trải nghiệm hành trình mua sắm tiện ích cho khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ở kênh mua sắm online, Saigon Co.op dự kiến sẽ ra mắt nền tảng thương mại điện tử mới trong năm 2025, kết hợp giữa cửa hàng truyền thống và kênh trực tuyến để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op đang phát triển mô hình O2O (Online to Offline) để giúp khách hàng đặt hàng online và nhận tại cửa hàng gần nhất. Mặt khác, Saigon Co.op cũng tăng cường thương mại điện tử và giao hàng nhanh bằng cách phát triển hệ thống kho thông minh, đồng thời hợp tác với các đơn vị vận chuyển để giao hàng siêu tốc trong vòng 2 giờ. Với những mô hình đa dạng, Saigon Co.op kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh thu toàn hệ thống trong năm 2025 tăng trưởng từ 4% - 6% so với năm 2024.
Tương tự, nhiều siêu thị lớn đã đưa công nghệ AI và robot vào ứng dụng để tối ưu hóa danh mục hàng hóa, phục vụ khách hàng. Giá tốt mỗi ngày, giảm giá đến 50%, giờ vàng Flash sale- săn deal sốc, miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 100.000 đồng là những chương trình Bách Hóa Xanh đang đẩy mạnh, nhằm đồng hành cùng người tiêu dùng và thúc đẩy kênh bán hàng online.

Theo thông tin từ Bách Hóa Xanh, năm 2024, riêng kênh online của Bách Hóa Xanh đã phục vụ hơn 3 triệu lượt giao dịch, đóng góp hơn 925 tỷ đồng. Báo cáo của SSI Research cũng cho rằng, với mô hình hiện tại, Bách Hóa Xanh có thể đạt doanh thu ổn định 2,1 - 2,2 tỷ đồng/tháng/cửa hàng. Muốn tăng trưởng hơn nữa, cùng với mở mới cửa hàng, Bách Hóa Xanh cần tối ưu chi phí hơn nữa. Trong đó, mở rộng kênh bán hàng online giữ vai trò quan trọng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và đầu tư vào nền tảng trực tuyến cũng là cách mà WinMart, Lotte Mart đang đi. Bởi chỉ có khéo léo kết hợp giữa siêu thị truyền thống và bán hàng online, các siêu thị mới tận dụng được sức mạnh thương hiệu, vừa đáp ứng được nhu cầu của thế hệ trẻ ưa công nghệ. Trước đó, trong mùa Tết Nguyên đán, Central Retail - chủ chuỗi siêu thị Go!, Tops Market - đã tích cực đẩy mạnh cung cấp hàng hóa Tết thông qua các app bán hàng, song song với phân phối trực tiếp.
Trang mua sắm trực tuyến Co.op Online cũng đã tổ chức 10 phiên livestream bán hàng Tết nhắm đến các đối tượng là phụ nữ văn phòng mua sắm trong giờ nghỉ trưa. "Phiên live được trang bị hệ thống chốt đơn tự động nên khách hàng chỉ cần bình luận mã sản phẩm, hệ thống ngay lập tức gửi tin nhắn chốt đơn để khách hàng xác nhận", đại diện Saigon Co.op cho biết. Vị này cũng chia sẻ thêm rằng so với cùng kỳ, số lượng đơn hàng chốt thành công đã tăng hơn 50%.
Một số phân tích cũng chỉ ra rằng, nếu các siêu thị truyền thống không kịp thời chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm khách hàng, họ sẽ dần mất dần thị phần trước sức mạnh bùng nổ của thương mại điện tử. Nhưng không phải chỉ tập trung vào thương mại điện tử mà một sự kết hợp hài hòa cả bán lẻ truyền thống với thương mại điện tử mới là hướng đi bền vững.
Tương lai, theo các chuyên gia, khi siêu thị có app đặt hàng và thương mại điện tử mở điểm trưng bày thực, người chiến thắng sẽ là bên sở hữu dữ liệu khách hàng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Dù vậy, từ ngày 01/04/2025 tới, các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam đồng loạt điều chỉnh tăng phí khiến gánh nặng chi phí đè nặng vai doanh nghiệp đang kinh doanh trên sàn. Ông Tín Lê, Giám đốc điều hành Adtek, tại hội thảo “Thương mại điện tử & Giao thương số toàn cầu: Dẫn lối đổi mới & Cơ hội thương mại xuyên biên giới” mới đây, cho biết phí sàn hiện đã chiếm tới 10% trong cơ cấu chi phí của nhiều nhà bán hàng.
Khi cộng thêm các chi phí khác như tiếp thị, vận hành, thì lợi nhuận thu về càng trở nên mong manh. Bối cảnh này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những tính toán kỹ lưỡng hơn trong chiến lược giá và quản lý chi phí.
Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng khác tác động đến thị trường là việc Nhà nước sẽ tăng cường thu thuế từ các doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử. Điều này được đánh giá là một bước đi quan trọng để thị trường trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý và tài chính.
Thế nhưng, bức tranh thị trường không hoàn toàn là gam màu tối cho các nhà kinh doanh. Dữ liệu cho thấy đang có một sự thay đổi đáng chú ý trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Thay vì chỉ tập trung vào các mặt hàng giá rẻ như trước đây, thì bây giờ người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm chất lượng cao và đến từ các thương hiệu uy tín.