Tại hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21/9, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và một số tỉnh, thành đã đưa ra nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến chiết khấu (hay còn gọi là hoa hồng), cách tính mức giá cơ sở, quy định lấy xăng dầu một nguồn, thủ tục hành chính rườm rà... gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp cũng khẳng định, không có chuyện “găm hàng” chờ tăng giá như một số thông tin đã nêu thời gian vừa qua.
CHIẾT KHẤU 0 ĐỒNG/LÍT, DOANH NGHIỆP CÀNG BÁN CÀNG LỖ
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải, cho biết từ tháng 7/2022 đến nay chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm từ 50-100 đồng/lít, thậm chí có những thời điểm chiết khấu 0 đồng/lít tại kho đầu nguồn.
“Với chiết khấu như trên thương nhân như chúng tôi càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Chưa kể, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng; chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất; chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí công cụ dụng cụ tại cửa hàng; chi phí về điện, nước, chi phí trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ; chi phí về quản lý tại cửa hàng; chi phi lãi vay vốn lưu động…” Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải nêu thực tế.
Liệt kê một loạt chi phí mà doanh nghiệp phải “gánh”, ông Hạnh cho biết giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng là 1.217 - 1.341 đồng/lít; giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít dầu từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng: 1.130 - 1.254 đồng/lít.
“Với chi phí này, doanh nghiệp không có lãi. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh…”, ông Hạnh kiến nghị.
Theo tính toán của ông Ngô Trung Sơn, đại diện doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội), với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì doanh nghiệp lỗ tương ứng khoảng 1.500 đồng/lít. Mức này với doanh nghiệp kinh doanh lớn sẽ lỗ rất nặng. "Thực tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ không thể trụ nổi nếu tình trạng này kéo dài thêm 1-2 tháng, bắt buộc phải đóng cửa", ông Sơn cảnh báo, đồng thời cho biết chỉ khi chiết khấu khoảng 1.500 đồng/lít thì mới đủ cho doanh nghiệp trang trải các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước, hao hụt... và trên 1.500 đồng/lít, doanh nghiệp mới có lãi.
Đến từ Yên Bái, bà Nguyễn Thị Sinh, Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng, chia sẻ hiện doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu xăng dầu thấp. Doanh nghiệp có 5 cửa hàng và 10 đại lý, nhưng các đại lý đều cách TP. Yên Bái khoảng 100-120km, chủ yếu là đường đất, vùng sâu, vùng xa, vào thời điểm mùa lũ lụt việc vận chuyển đi lại rất khó khăn.
“Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang (Hà Nội) chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 đồng/lít - 70 đồng/lít. Trong khi, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý khoảng 700 đồng/lít. Như vậy, mức chiết khấu doanh nghiệp phải khoảng 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để bù trừ chi phí”, bà Sinh tính toán.
Thông tin thêm về tình trạng cung ứng xăng dầu, bà Sinh cho biết từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, tình trạng khan hiếm, đứt hàng xảy ra liên tục, không có hàng để cấp. Thời gian trước, doanh nghiệp đầu mối cấp xăng dầu cho công ty theo sản lượng bình quân của 3 tháng trước đó, song hiện nay khi nào có hàng mới cấp. Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3/ngày là cả xăng và dầu, trong khi khu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó.
“Điều này dẫn tới tình trạng khi doanh nghiệp nhập xăng dầu về không biết phân chia sản lượng thế nào cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống trong khi quản lý thị trường, Sở Công Thương xuống kiểm tra, yêu cầu không được đóng cửa hàng, đóng cửa phải thu hồi giấy phép”, bà Sinh lo lắng.
Liên quan đến quy định mỗi đại lý xăng dầu chỉ được mua từ 1 nhà phân phối, bà Lê Thị Nhã, đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Thường Tín (Hà Nội), khá bức xúc cho rằng quy định này dẫn đến triệt tiêu cạnh tranh, đồng thời nhấn mạnh, việc Nhà nước đưa xăng dầu vào loại hình kinh doanh có điều kiện là không cần thiết. Vì điều này sẽ dẫn tới rất nhiều các thủ tục hành chính ràng buộc trói chân trói tay doanh nghiệp.
“Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và 95/NĐ-CP/2021 hiện nay đang quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của 1 đơn vị cung cấp. Nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đến Sở Công thương để đổi giấy phép. Trong khi đó, mỗi lần thay đổi giấy phép thì phải làm rất nhiều thủ tục, rất mất thời gian, công sức và tiền bạc của doanh nghiệp. Đồng thời cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới. Việc độc quyền đầu vào cũng làm cho bên đầu mối luôn chèn ép đại lý về giá, điều kiện giao hàng. Do đó, nên chăng bỏ quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một đầu mối", bà Nhã kiến nghị.
DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CẦN ĐƯỢC ĐỐI XỬ BÌNH ĐẲNG
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), nói thẳng rằng việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất.
“Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối... phải chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ. Ở góc độ các cơ quan quản lý, khi liên Bộ Công Thương - Tài chính đưa ra mức bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá để lấy thành tích nhưng doanh nghiệp phải gánh lỗ. Nếu những vấn đề này không giải quyết được thì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Nhà nước xác định rõ và quy định: xăng chủ yếu phục vụ tiêu dùng, không phải mặt hàng thiết yếu, người dân cần tiết kiệm khi giá tăng cao, hạn chế sử dụng xe cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường…Vì vậy, mặt hàng xăng cần được “thả” theo cơ chế thị trường", bà Hường đề nghị.
Cũng theo bà Hường, Điều 3, Nghị định 83 và Nghị định 95 quy định có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn tới thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, tăng chi phí dẫn đến người tiêu dùng phải gánh chịu. “Cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá, tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ, vì xăng dầu là nhu cầu thường xuyên, không phân biệt ngày nghỉ (ngày nghỉ nền kinh tế vẫn vận động), các kỳ nghỉ đang có xu hướng kéo dài để kích cầu, chờ đợi qua ngày nghỉ không phải là thị trường mà là tư duy bao cấp”, bà Hường nhấn mạnh
Đồng tình, đại diện doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn cho rằng các quy định hiện nay có nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Hơn nữa, việc có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dùng phải gánh chịu.
“Các Bộ, ngành cần sớm sửa đổi các quy định không còn phù hợp tại Nghị định 83 và Nghị định 95 đang áp dụng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu. Việc ban hành các quy định cần bám sát thực tiễn để tránh làm khó cho doanh nghiệp”, ông Ngô Trung Sơn kiến nghị, đồng thời cho rằng khi xây dựng chính sách, cần phải tiếp cận thực tiễn thị trường để xây dựng cho sát, không thể ngồi trong phòng kính để làm chính sách như hiện nay.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, diễn biến thị trường xăng dầu năm 2022 mang tính dị biệt, đây là năm đầu tiên có khái niệm chiết khấu âm, chiết khấu bằng 0. Từ trước đến nay, không có một cơ chế nào dẫn tới việc áp dụng chiết khấu bằng 0. Nếu căn cứ vào số liệu từ tháng 7/2022 trở lại đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động rất khó khăn.
“Xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì không có doanh nghiệp nào tồn tại được, doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động trong thời gian dài. Câu chuyện chiết khấu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và trong hợp đồng không có quy định cụ thể", ông nêu thực tế.
Từ phản ánh của các doanh nghiệp, ông Bảo cho biết sẽ tập hợp tất cả các ý kiến, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa kiến nghị lên các cơ quan quản lý Nhà nước để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đưa hoạt động kinh doanh mặt hàng chiến lược này khởi sắc trong thời gian tới.
Chia sẻ và ghi nhận những nỗ lực trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp của 17.000 đơn vị kinh doanh xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết dù sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 75%, song phần còn lại vẫn phải nhập khẩu, do vậy biến động của thế giới cũng ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu trong nước.
Đối với các ý kiến của doanh nghiệp, Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp, trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để hướng đến việc điều chỉnh theo cách tiếp cận các đối tượng gần hơn, chính xác hơn. “Chúng ta đều xác định xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược, liên quan đến an ninh năng lượng. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để đảm bảo hài hoà giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, với chính sách còn chưa phù hợp sẽ được đơn vị tiếp thu và tham mưu, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi các bên”, ông Tuấn khẳng định.