Trong đó, nhiều công ty dù còn hoạt động nhưng phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, chủ động cắt giảm bộ máy nhân sự, hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để sinh tồn.
CÒN HOẠT ĐỘNG NHƯNG PHẢI THU HẸP QUY MÔ
Thậm chí, có doanh nghiệp giảm từ 60-70% lượng nhân sự đi kèm với cắt giảm lương, một số công ty buộc lòng phải cho nhân viên nghỉ tết sớm. “Thị trường bất động sản khó khăn thì nhân sự trong ngành, đặc biệt với tuyến đầu như đội ngũ môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so giai đoạn đầu năm”, vị đại diện này thông tin.
Cũng theo HoREA, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán, hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, đáng kể nhất có thể lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay.
Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận sự khó khăn không chỉ kéo dài một, hai tháng mà đã diễn ra trong nhiều tháng của năm 2022, càng về sau, “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam đánh giá, Chính sự khó khăn chồng chất đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp bất động sản giải thể nhiều hơn so với thời kỳ bùng phát Covid-19 (2020-2021), cụ thể là 1.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 43,9%, còn doanh nghiệp dừng hoạt động có thời hạn ước tính 2.379 doanh nghiệp, tăng khoảng 50,7%. Trong khi đó số doanh nghiệp giải thể qua từng năm 2021, 2020 2019 lần lượt chỉ 861, 978 và 686.
“Như vậy, chúng ta thấy rõ năm 2022 được xem như một thách thức lớn. Đấy là có những doanh nghiệp giải thể trực tiếp mà chúng ta nhìn thấy, nhưng còn những doanh nghiệp dừng hoạt động mà chúng ta chưa nhìn thấy. Nhất là ngành cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản, giữa bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động từ lâu, tuy nhiên chưa có giấy tờ quyết định chính thức giải thể công ty”, ông Lâm nêu.
Gần đây, một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản còn thừa nhận trên truyền thông rằng đang đối mặt với vô vàn khó khăn, nên vị này đã quyết định viết tâm thư gửi khách hàng thông tin về những việc mà doanh nghiệp gặp phải. Trong tâm thư ông đề cập năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động như: chiến tranh, lạm phát, hậu quả dịch bệnh, đến chính sách thắt chặt tín dụng đều ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp lẫn thị trường. Công ty vì vậy mà cũng rơi vào tình huống hết sức “gieo neo”.
TÁI CẤU TRÚC DANH MỤC ĐẦU TƯ
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), chia sẻ: Trong quá khứ, khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng, kinh nghiệm từ chủ đầu tư từng vượt qua và phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn cho biết thời điểm này, các doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung hóa nguồn lực, định vị lại phân khúc thị trường, đặc biệt tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm. Đây là những biện pháp mà doanh nghiệp có thể áp dụng hiện nay.
Tương tự, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ cho việc bán hàng, hoạt động hậu mãi, cho thuê, kết nối người dùng cuối và dịch vụ liên quan đến quản lý, vận hành, hỗ trợ tăng giá trị cho bất động sản. Ngoài ra cũng hết chú ý vào việc hoàn thiện sản phẩm sắp bàn giao, hướng đến phát triển dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Bởi tính chất đặc thù của bất động sản, yếu tố quan trọng nhất vẫn là củng cố lòng tin khách hàng, thông qua chất lượng và tính hữu dụng của sản phẩm.
Vị này chỉ ra, một số doanh nghiệp bất động sản những năm qua đầu tư còn dàn trải, không tập trung vào dự án trọng điểm, sản phẩm mà đại đa số người dân có nhu cầu cần thiết. Thế nên “Doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cứu lấy mình. Nếu sản phẩm bán giá quá cao, thì xem xét có sự điều chỉnh để người dân tiếp cận được. Còn Chính phủ tháo gỡ cho thị trường sẽ đưa ra các chính sách, giải pháp, nhưng đáp ứng, xoay xở được đến đâu vẫn ở phía doanh nghiệp”, vị đại diện lưu ý.
Nhìn chung trong bối cảnh hiện nay, đa số chuyên gia đều nhận định rất khó đoán định chính xác mọi việc, doanh nghiệp không nên quá mạo hiểm mà “liệu cơm gắp mắm”. Hoặc trường hợp cần thiết thì cố gắng “thắt lưng buộc bụng”, tận dụng tối ưu mọi nguồn lực. Nếu trước đây chi phí dồi dào, có thể thoải mái, nhưng bây giờ cần thận trọng sử dụng các khoản ngân sách để đảm bảo hiệu quả.
Mặt khác doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng tính toán để xây dựng kế hoạch phát triển bài bản giúp chủ động nguồn vốn, thay vì ngồi chờ nguồn vốn tín dụng khơi thông, bằng cách tăng vốn chủ sở hữu nhằm tăng cường nội lực của doanh nghiệp thông qua việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản hùng mạnh. Song song nữa, phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.