Cuối tuần vừa rồi, 3 công ty phát triển bất động sản tầm trung của Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông đã đưa ra cảnh báo về con số thua lỗ ròng lên tới hàng tỷ USD. Trong khi đó, “gã khổng lồ” China Evergrande Group tuyên bố đã rút đơn xin bảo hộ phá sản ở New York - tờ báo Nikkei Asia đưa tin.
Trong số các doanh nghiệp bất động sản kể trên, KWG Group Holdings - một công ty có trụ sở ở Quảng Châu - cho biết dự kiến lỗ ròng trên 19 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) trong năm 2023. Mức lỗ này tăng gấp hơn 2 lần so với con số của năm 2022.
Trong tuyên bố, công ty nói rằng kết quả kinh doanh kém là do “điều kiện thị trường bất động sản tiếp tục không thuận lợi”. Môi trường khủng hoảng đã đẩy tỷ suất lợi nhuận gộp của KWG xuống ngưỡng âm, khiến nhiều dự án bị cắt giảm giá trị sâu hơn, và các khoản đầu tư bất động sản của công ty lỗ nhiều hơn, trong khi chi phí tăng cao.
“Do các yếu tố kinh tế vĩ mô bất lợi, làn sóng các sự kiện tín dụng tiêu cực và các kênh vốn của ngành ngày càng eo hẹp, áp lực thanh khoản đối với các công ty phát triển bất động sản tư nhân như KWG ngày càng lớn”, Chủ tịch Kong Jianmin của KWG cho biết trong niêm yết thông tin tại sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Ông Kong gọi những thách thức mà ngành bất động sản Trung Quốc đang phải đương đầu là “chưa từng có tiền lệ” và nói “khó khăn toàn ngành khiến người mua nhà mất niềm tin vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai, dẫn tới ảnh hưởng đến doanh số bán nhà ở Trung Quốc.
KWG cam kết hành động để đảm bảo giao nhà cho khách hàng, nhưng cho biết đang xem xét một giải pháp tổng thể đối với các khoản nợ vay từ nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, KWG đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế.
Cũng vào cuối tuần vừa rồi, công ty Central China Real Estate cho biết dự kiến lỗ ròng khoảng 2,8-3,8 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023, so với mức lỗ 7,5 tỷ nhân dân tệ trong năm 2022.
Trong niêm yết thông tin, Chủ tịch Wu Po Sum của Central China nói rằng công ty thua lỗ liên miên do “tình hình kinh tế vĩ mô và sự suy thoái của thị trường bất động sản”. Điều này dẫn đến doanh thu bán hàng sụt giảm, tụt xa so với chi phí, đồng thời giá trị của nhà tồn và các khoản phải ngày càng giảm sâu. Hồi tháng 6 năm ngoái, Central China không thanh toán được tiền lãi trái phiếu quốc tế dù đã hưởng thời gian ân hạn.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, Kaisa Group Holdings - một công ty địa ốc đã vỡ nợ khác của Trung Quốc - cho biết dự kiến khoản lỗ ròng trong năm nay sẽ dao động từ 19 tỷ nhân dân tệ đến 21 tỷ nhân dân tệ, con số này xấu hơn hơn khoản lỗ 13 tỷ nhân dân tệ của năm trước.
Kaisa - công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết - thua lỗ gia tăng chủ yếu do tăng dự phòng giảm giá đối với các dự án bất động sản, bên cạnh tổn thất tín dụng dự kiến.
Theo quy định, các công ty bất động sản Trung Quốc đại lục niêm yết ở Hồng Kông kết thúc năm tài chính vào tháng 12 có nghĩa vụ công bố kết quả kinh doanh cả năm trước cuối tháng 3. Ba công ty nói trên cho biết sẽ công bố đầy đủ báo cáo tài chính trong tuần này.
Về phần mình, Evergrande vẫn chưa vẫn chưa có động tĩnh gì về họp hội đồng quản trị để phê duyệt kết quả kinh doanh cả năm 2023 sau khi công ty bị tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý vào cuối tháng 1. Tháng 8 năm ngoái, Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ như một phần của quá trình tái cơ cấu nợ nước ngoài. Tuy nhiên, do sắp phải giải thể, công ty vào hôm Chủ nhật vừa rồi cho biết đã quyết định rút đơn xin phá sản.
Một nhà đầu tư Hồng Kông chuyên mua tài sản xấu cho biết do đã bước vào quy trình thanh lý tài sản theo phán quyết của toà án Hồng Kông, Evergrande không còn lý do gì để tốn tiền vào các thủ tục pháp lý cho việc phá sản ở Mỹ nữa. Công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới còn đang đối mặt với án phạt 4,2 tỷ nhân dân tệ từ Uỷ ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) sau khi cơ quan này kết luận công ty thổi phồng doanh thu 80 tỷ USD trong năm 2019 và 2020.