Đó là nhận định được TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 23/11.
ĐỐI MẶT VỚI THÁCH THỨC TOÀN CẦU
Phân tích tình hình kinh tế quốc tế tác động tới Việt Nam, ông Khương dự báo, năm 2022 nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều thay đổi khó lường khi các trục địa chính trị lớn vẫn tiếp tục xảy ra đối kháng, giằng co để định hình lại vai trò dẫn dắt xoay quanh các động thái của Mỹ, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh…
Bên cạnh đó, dự báo Đài Loan, Ukraina, Afganistan vẫn là trung tâm của những bất ổn chính trị và căng thẳng địa chính trị tiềm tàng. Đồng thời, thế hệ lãnh đạo mới của Đức hậu “Merkel” và bầu cử tổng thống Pháp sẽ định hình những chính sách mới về thương mại, địa kinh tế và hợp tác với EU.
Trong khi đó, dự báo bức tranh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu 2022 có 4 xu thế mới. Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong năm thứ 3 của đại dịch Covid-19. Áp lực tăng trưởng, ổn định và cân bằng xã hội sẽ gia tăng với hầu hết các quốc gia.
Thứ hai, áp lực lạm phát gia tăng sau nhiều gói giải cứu, hỗ trợ. Tính đến thời điểm hiện tại, mức lạm phát tại một số nền kinh tế lớn là Mỹ 5,4%, Anh 4,2%...
Thứ ba, nhiều khả năng là Trung Quốc, thị trường quốc gia lớn nhất thế giới sẽ chưa có dấu hiệu mở cửa cho đi lại. Đặc biệt, khi quốc gia này vẫn tiếp tục thực thi chính sách "zero Covid" để ngăn chặn dịch bệnh.
Cuối cùng, các quốc gia sẽ buộc phải thí điểm mở cửa biên giới để tập trung khôi phục lại kinh tế, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn như du lịch, nhà hàng khách sạn…
Do đó, theo ông Khương, các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức sẽ còn tiếp diễn. Đó là sự gián đoạn sản xuất do đứt gẫy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác…thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19.
HƯỚNG TỚI "SÂN CHƠI" BỀN VỮNG
Đặc biệt, thời gian tới người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch, giải trí… sẽ khiến doanh số nhiều doanh nghiệp giảm. Nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp do thiếu lao động.
Trước bối cảnh như vậy, theo ông Khương Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức. Chẳng hạn, các doanh nghiệp tại Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, bao gồm phát triển năng lực kĩ thuật số cho hệ thống doanh nghiệp, số hoá chuỗi cung ứng.
Việc đào tạo kỹ năng được các doanh nghiệp Singapore triển khai trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề gián đoạn sản xuất, cung ứng và thay đổi việc làm hậu Covid-19 một cách hiệu quả đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
Còn với các doanh nghiệp Trung Quốc, phát triển dài hạn và bền vững hơn. Chính phủ nước này khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng “khoảng nghỉ” của đại dịch để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế thay vì chăm chú vào mục tiêu tăng trưởng nhanh. Đồng thời, ưu tiên cho các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị…được cho là các biện pháp hiệu quả để thích ứng tốt hơn trong tình hình mới.
TS Nguyễn Đức Khương nhận định, các cuộc khủng hoảng không chỉ tạo ra nhiều thay đổi tạm thời (chủ yếu là sự thay đổi trong ngắn hạn về nhu cầu) mà còn cả một số thay đổi kéo dài.
Chính vì vậy, chúng ta cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh là việc làm cần thiết. Trong đó, kết hợp con người– máy móc để đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng. Hướng hoạt động kinh doanh bền vững, như vậy mới có khả năng kháng cự với các cú sốc.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh lưu ý, doanh nghiệp dù kinh doanh gì cũng không được quên quản trị rủi ro, bắt nhịp đà phục hồi và bắt nhịp xu hướng mới.
“Tốc độ linh hoạt là cực kỳ quan trọng, bên cạnh đó là sự kết nối, chia sẻ. Đặc biệt, xu hướng trong vòng 5-7 năm lại đây trên thế giới, dù lĩnh vực đầu tư nào cũng gắn với ba từ “xanh – thông minh – nhân văn” đây là xu thế, là "sân chơi" bền vững đòi hỏi doanh nghiệp càng cần chú trọng trong bối cảnh hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.