February 20, 2023 | 13:17 GMT+7

Doanh nghiệp châu Âu đồng hành cùng doanh nghiệp Việt

Song Hà -

Tăng cường kết nối doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hình thành chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ những rào cản không cần thiết trong một số lĩnh vực... là những vấn đề được đặt ra trong Sách Trắng năm 2023...

Doanh nghiệp châu Âu đồng hành cùng doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp châu Âu đồng hành cùng doanh nghiệp Việt

Ngày 16/2, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với chính phủ kết hợp lễ ra mắt Sách Trắng năm 2023, với chủ đề “Hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững”.

Sách Trắng là ấn phẩm thường niên của EuroCham, đóng vai trò như một hướng dẫn toàn diện về bối cảnh pháp lý mà các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang đối mặt. Là tổng hợp các đóng góp từ 18 tiểu ban ngành nghề của EuroCham về môi trường pháp lý và những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong các lĩnh vực.

Nêu ý kiến tại buổi đối thoại, ông Eunjung Han, Phó Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham cho rằng, năm 2023 đánh dấu một năm đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam về kỹ thuật số với các công cụ chính đang được triển khai bao gồm dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự thảo Luật Giao dịch Điện tử sửa đổi.

Sách Trắng phản ánh những phát triển năng động này đồng thời chia sẻ quan điểm của các thành viên và các đề xuất thực tế phản ánh các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Cụ thể, EuroCham khuyến nghị hài hòa các điều khoản bảo vệ dữ liệu cá nhân tại địa phương với quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU và luật của các khu vực tài phán khác; tạo điều kiện thuận lợi cho luồng dữ liệu xuyên biên giới miễn phí và công nhận chứng chỉ quốc tế cho chữ ký điện tử.

Doanh nghiệp châu Âu đồng hành cùng doanh nghiệp Việt  - Ảnh 1

Bên cạnh đó, cần đảm bảo tính thống nhất với các quy định khác. Ví dụ, trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho phép các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài lưu trữ và xử lý dữ liệu của người dùng ở nước ngoài, tại trụ sở chính của họ.

Tuy nhiên, Nghị định 53 và dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể mâu thuẫn với luật này. Do đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, có thể gặp khó khăn trong việc cố gắng tuân thủ pháp luật.

“Luôn đánh giá cao tính thiết thực của chính phủ, chúng tôi hy vọng rằng việc tiếp tục đối thoại sẽ loại bỏ những rào cản không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh và cuối cùng là đưa Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số của khu vực”, ông Eunjung Han nói.

Ở một lĩnh vực khác, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản (FAABS) của EuroCham Jesper Clausen nhìn nhận, Việt Nam đang định vị mình là nhà sản xuất lương thực hàng đầu ở Đông Nam Á, với thành tích đã được chứng minh trong việc trồng lúa, trái cây và rau quả, thịt và hải sản.

Sự gia nhập của các công ty thực phẩm châu Âu tại thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Việc thực hành sản xuất lương thực với cách tiếp cận “Một sức khỏe” là điều cần thiết, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc kháng sinh và thuốc trừ sâu.

Sự phối hợp để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam cải thiện điều kiện sản xuất và điều chỉnh các quy định để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại EU và các thị trường xuất khẩu quan trọng khác. Bằng cách thúc đẩy thương mại với châu Âu, các công ty trong nước có thể nâng cao vị thế của mình ở thị trường trong nước và tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Jesper Clausen kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng các quy định rõ ràng về an toàn thực phẩm áp dụng cho cả sản phẩm trong nước và xuất khẩu để tối đa hóa lợi ích của EVFTA, không nên sử dụng hai hệ thống quy định riêng cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Để đảm bảo tính bền vững và an toàn thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm, nông nghiệp và thủy sản phải có khả năng truy xuất nguồn gốc. Chính phủ và ngành nông nghiệp cần tham gia đối thoại để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc thay vì dựa vào các tổ chức phi chính phủ.

Sách Trắng năm nay nhấn mạnh về tính bền vững, không chỉ là giảm tác động của hoạt động kinh tế đối với môi trường, mà còn tạo ra các cơ hội kinh tế mới, xây dựng một tương lai bền vững hơn cho cả châu Âu và Việt Nam. Để làm được điều này, kinh tế xanh và phát triển bền vững là hai yếu tố then chốt.

Chủ tịch Tiểu ban lĩnh vực tăng trưởng xanh Tomaso Andreatta cho rằng khi kinh tế Việt Nam phát triển, các mối đe dọa cho môi trường cũng tăng theo. Vì lý do này, EuroCham đã hết sức quan tâm đến việc xây dựng các chính sách trong Sách Trắng nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

EuroCham đưa ra các chính sách thúc đẩy việc triển khai các tòa nhà thông minh tiết kiệm năng lượng để giảm ô nhiễm và tiêu thụ năng lượng, cũng như các biện pháp quản lý nước tốt hơn bao gồm quản lý tài nguyên nước để chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 8-2023 phát hành ngày 20-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp châu Âu đồng hành cùng doanh nghiệp Việt  - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate