October 10, 2021 | 14:43 GMT+7

Doanh nghiệp chế biến nông sản giữ vững thị phần xuất khẩu

Chu Khôi -

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội nên có tới 70% số doanh nghiệp chế biến nông sản phải tạm dừng sản xuất, 30% còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Trong hoàn cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ vững được thị phần xuất khẩu nông sản, củng cố doanh thu và duy trì lợi nhuận...

Doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu cá tra.
Doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu cá tra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 2.100 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và lớn. Trong đó, hơn 1.600 doanh nghiệp đã phải phải ngừng hoạt động các nhà máy chế biến trong thời gian giãn cách xã hội. Số còn lại cũng chủ yếu cũng chỉ là sản xuất cầm chừng để giữ các đơn hàng xuất khẩu.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nút thắt chủ yếu nằm ở phía địa phương, do doanh nghiệp nông nghiệp có địa bàn hoạt động rộng, phải di chuyển nhiều nơi để liên kết giữa vùng nguyên liệu với khu chế biến, nhưng mỗi tỉnh thành lại đang xử lý một kiểu trong phòng, chống dịch Covid-19.

VĨNH HOÀN GIỮ VỮNG THỊ TRƯỜNG CÁ TRA

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), các doanh nghiệp ngành cá tra đang phải chống chọi với hàng loạt chi phí và giá cả leo thang.

Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất đều tăng từ 5% đến 25%, đặc biệt các trang thiết bị cho người chế biến như găng tay, thiết bị an toàn vệ sinh thực phẩm ngăn ngừa dịch bệnh tăng rất cao.

Ngoài ra, thức ăn thủy sản tăng 15 - 20%, cước phí vận tải tăng 5 - 10 lần, bao bì cũng tăng... Những yếu tố này là thách thức rất lớn đối với ngành thủy sản nói chung, cá tra nói riêng để duy trì chuỗi cung ứng. 

Trước những khó khăn chồng chất như vậy, một số doanh nghiệp đã tìm mọi giải pháp để vượt qua, để duy trì sản xuất. Điển hình trong ngành cá tra là Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn.

Doanh nghiệp này từ lâu đã là nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất sang thị trường Mỹ và vận hành 4 trong số 13 nhà máy chế biến cá tra được Bộ Nông nghiệp Mỹ phê duyệt xuất khẩu cá tra vào Mỹ.

Vào cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả đợt rà soát lần thứ 16 đối với lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/8/2018 đến hết ngày 31/7/2019, Vĩnh Hoàn và Công ty cổ phần Nam Việt là 2 doanh nghiệp cá tra của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ.

Đây cũng là cơ hội để hai doanh nghiệp này đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, tận dụng tệp khách hàng có sẵn.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn sang Mỹ năm nay tăng mạnh. Thị trường này cải thiện đáng kể do sự tái hoạt động của nhà hàng cũng như ngành dịch vụ thực phẩm sau cao điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Sự tăng trưởng ở thị trường Mỹ đã giúp Vĩnh Hoàn bù đắp một phần cho sự giảm sút ở thị trường châu Âu (giảm 25%) và thị trường Trung Quốc (giảm 12%). Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 4.131 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với nửa đầu năm ngoái; lợi nhuận sau thuế tăng 4%.

 

Năm nay, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.600 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2020.  

Từ tháng 8 và tháng 9, do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khiến hoạt động chế biến thủy sản của Vĩnh Hoàn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn vẫn duy trì được sản xuất, nên doanh thu giảm không đáng kể.

Trong tháng 8/2021, Vĩnh Hoàn ghi nhận 705 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với tháng 7. Trong đó, đóng góp chính vẫn là mảng cá tra, chiếm trên 67% trong tổng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dấu ấn đáng nể nhất của Thủy sản Vĩnh Hoàn là trong khi phần lớn các doanh nghiệp chế biến nông sản đã phải ngừng hoạt động suốt nhiều tháng, thì công ty này lại đưa vào hoạt động của nhà máy mới ngay đúng vào thời điểm giãn cách xã hội.

Trong tháng 8/2021, nhà máy chế biến Sa Giang của Vĩnh Hoàn bắt đầu hoạt động sản xuất, với nhiều sản phẩm như phở, miến, bánh gạo, bánh phồng tôm... tiêu thụ ở nhiều siêu thị trong nước, đã trở thành “đòn bẩy” đưa doanh thu thị trường nội địa của doanh nghiệp này tăng 63%.

Năm 2021, Vĩnh Hoàn cũng mới thành lập Công ty trái cây Thành Ngọc, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất nước ép từ rau quả và chế biến, bảo quản rau quả. 

Tại Đại hội cổ đồng thường niên năm 2021, Vĩnh Hoàn còn công bố dự kiến đầu tư 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại giống Vĩnh Hoàn và sở hữu đất cho khu liên hợp nông nghiệp thuỷ sản công nghệ cao tại Đồng Tháp.

DOVECO MỞ RỘNG VÙNG NGUYÊN LIỆU

Là doanh nghiệp điểm sáng trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cũng không chấp nhận bị “khuất phục” trước đại dịch.

Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty DOVECO, cho biết thời gian qua DOVECO cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như những doanh nghiệp khác.

Không chỉ khó khăn ở khâu thu mua và vận chuyển nguyên liệu trong nước do giãn cách xã hội, mà khó khăn lớn nhất của DOVECO hiện nay đến từ việc chi phí xuất khẩu rau quả tươi, chế biến sâu tăng quá cao. Cụ thể, chi phí xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng 13 lần và chi phí xuất sang châu Âu tăng 12 lần.

 

Trung bình mỗi ngày, DOVECO chế biến khoảng 200 - 250 tấn hoa quả các loại. Các sản phẩm của DOVECO được xuất khẩu đi 55 quốc gia, tập trung chủ yếu vào các thị trường như: Mỹ, Hà Lan, Israel, Đức và Nhật Bản.

“Tuy nhiên, cho đến nay khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoa quả của DOVECO tại Ninh Bình, Sơn La cũng như Tây Nguyên vẫn được duy trì hoạt động ổn định, không bị đứt gãy", ông Khuê thông tin. 

Từ “đại bản doanh” ban đầu ở Đồng Giao – Ninh Bình, DOVECO liên tục mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều khu vực trên cả nước, xây dựng vùng nguyên liệu bài bản, ký kết bao tiêu sản phẩm trái cây cho nông dân. Hiện nay ở Tây Nguyên, công ty đã có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến.

“Sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu thế giới, nên còn nhiều dư địa để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra tại khu vực Tây Nguyên hiện nay, DOVECO có 1.200 ha trồng dứa tại Gia Lai, chỉ mất 9 tháng đã có thể xử lý, chế biến. Bên cạnh đó, DOVECO cũng đang có nhu cầu số lượng lớn đối các loại hoa quả xoài Đài Loan, xoài keo, bơ…”, ông Đinh Cao Khuê chia sẻ.

Một trong những dấu ấn của DOVECO trong năm 2021 là bắt đầu triển khai xây dựng cụm nhà máy chế biến hoa quả tại tỉnh Tiền Giang. Đây sẽ là cụm nhà máy chế biến rau quả thứ 3 của DOVECO, sau trung tâm chế biến rau quả hiện đại tại tỉnh Ninh Bình (32.000 tấn/năm) và tỉnh Gia Lai (50.000 tấn/năm).

Dự án của DOVECO tại tỉnh Tiền Giang có vốn đầu tư 500 tỷ đồng, công suất thiết kế 150.000 tấn sản phẩm chế biến và 200.000 tấn quả tươi xuất khẩu. Sản phẩm chế biến xuất khẩu bao gồm: nước quả cô đặc (chanh leo, khóm, xoài), sản phẩm nước quả puree (chanh leo, xoài, chuối, thanh long, mãng cầu), sản phẩm rau quả đông lạnh (dứa, xoài, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, đậu tương rau…), sản phẩm rau quả đồ hộp (bắp ngọt, khóm), sản phẩm sấy dẻo (xoài, thanh long, khóm, chanh leo).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate