January 04, 2023 | 17:53 GMT+7

Doanh nghiệp chung sức nâng chất nguồn nhân lực

Lưu Hà -

Bối cảnh mới với sự phát triển “chóng mặt” của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt ra nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và có năng lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động Việt Nam...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Bối cảnh đó dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp ngày càng tăng. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu về lao động tại các khu công nghiệp là yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam hiện nay.

DOANH NGHIỆP CŨNG CÓ TRÁCH NHIỆM ĐÀO TẠO

Để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, hiện đại, gắn với doanh nghiệp và việc làm, chính sách an sinh xã hội. Theo đó, hợp tác quốc tế được xem là giải pháp quan trọng, phù hợp với xu thế mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. 

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc nhân sự Công ty Golf Sông Bé (Bình Dương), cho biết doanh nghiệp khi tuyển dụng đều cần người có cả 3 yếu tố kiến thức - kỹ năng - thái độ làm việc. Công ty đã tạo điều kiện để Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đưa sinh viên xuống thực tập, qua đó lựa chọn và tuyển dụng, không phải mất thời gian đào tạo lại. Hiện nay, Bình Dương có gần 60.000 doanh nghiệp, nhu cầu về nhân lực rất lớn. “Các doanh nghiệp luôn mong muốn tuyển dụng được đội ngũ nhân lực có tay nghề, có trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu công việc nhưng lại chưa xem trách nhiệm đào tạo cũng là của mình,” bà Dung nói. 

Ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Kỹ thuật điện AZE (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là quan trọng nhất, hiệu quả nhất của công ty trong nhiều năm qua. Cách hợp tác mà AZE đang làm với các trường đào tạo và hai bên cùng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn trong ngành điện và tự động hóa. “Không chỉ vậy, hàng năm công ty tiếp nhận hàng trăm sinh viên các trường nghề đến thực tập, làm đề tài nghiên cứu. Với cách làm này, chúng tôi tuyển được những nhân sự chất lượng, phù hợp với nhu cầu từng vị trí công việc và tiết kiệm được chi phí khi không phải đào tạo lại”, ông Hiệp cho biết.

Tương tự, với sự hỗ trợ của Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, Công ty Fclass Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác với Trường Trung cấp Bách nghệ TP.HCM và xúc tiến việc thành lập chi nhánh Fclass tại trường. Ông Hứa Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Fclass Việt Nam, khẳng định công ty sẽ đặt chi nhánh ngay tại trường và nhân sự là giáo viên, sinh viên của trường. Sự kết hợp này vừa giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động, vừa làm cơ sở cho học viên của trường học nghề, rèn luyện kỹ năng bằng chính công việc thực tế, trải nghiệm nghề nghiệp ngay trong giai đoạn học tập và có thu nhập để theo đuổi việc học.

Doanh nghiệp chung sức nâng chất nguồn nhân lực - Ảnh 1

Có mặt tại sự kiện kết nối giữa doanh nghiệp và sinh viên cuối tháng 12 vừa qua ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, ông Namba Taro, đại diện công ty kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay thuộc Hãng Japan Airlines cho biết, chuyến đi nhằm tìm kiếm những khả năng hợp tác trong tương lai, đặc biệt về nguồn nhân lực khi công ty rất cần những kỹ sư có tay nghề cao phụ trách nhiều công đoạn quan trọng như bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Tương tự, đại diện Công ty Fujikura tại Việt Nam cho biết công ty đang dành những suất tuyển dụng đặc cách cho sinh viên hệ cao đẳng, khi những sinh viên này sẽ nhận được vị trí kỹ sư giống như các sinh viên tốt nghiệp đại học.

Phát biểu tại hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp thủ đô với thị trường lao động năm 2022 được tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Lao động & Thương binh Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương khẳng định: “Để đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp, chính doanh nghiệp là thước đo đánh giá chính xác và thúc đẩy hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, trong thời đại số hóa và bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm của đổi mới sáng tạo”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 1 phát hành ngày 2-1-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp chung sức nâng chất nguồn nhân lực - Ảnh 2

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate