Theo đó, nội dung mới của Thông tư số 67/2022/TT-BTC ngày 07/11/2022 (Thông tư 67) nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP
Thông tư 67 được đánh giá giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Một là, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Theo quy định thì Quỹ khoa học và công nghệ chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19, tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 67 đã hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong 02 năm (năm 2022 và năm 2023) để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, bổ sung hướng dẫn quản lý tài sản đối với trường hợp tài sản cố định dùng đồng thời cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 67 hướng dẫn khi tài sản cố định hình thành từ nguồn Quỹ dùng đồng thời cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ thì doanh nghiệp chỉ việc tiếp tục theo dõi quản lý theo quy định và không phải tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nội dung này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp tài sản cố định hình thành từ nguồn Quỹ nhưng không sử dụng hết công suất, khi doanh nghiệp dùng tài sản này đồng thời cho sản xuất kinh doanh, nhằm tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ cần theo dõi tài sản cố định này, không tính khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ba là, Thông tư 67 hướng dẫn rõ hơn việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp trích lập Quỹ trong thời gian doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và có nhận điều chuyển Quỹ khoa học và công nghệ từ doanh nghiệp khác.
Tại điểm b khoản 4 Điều 4 Thông tư 67 hướng dẫn trường hợp doanh nghiệp có trích Quỹ trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, có nhận điều chuyển Quỹ từ doanh nghiệp khác (doanh nghiệp điều chuyển), nếu doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% đối với số Quỹ đã trích và nhận điều chuyển, thì số thuế thu nhập doanh nghiệp thu hồi được xác định đối với từng trường hợp cụ thể: trường hợp doanh nghiệp trích Quỹ được hưởng ưu đãi và doanh nghiệp điều chuyển cũng được hưởng ưu đãi; trường hợp doanh nghiệp trích Quỹ được hưởng ưu đãi và doanh nghiệp điều chuyển không được hưởng ưu đãi; Việc xác định số tiền nhận điều chuyển sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% được phân bổ theo tỷ lệ giữa số tiền nhận điều chuyển với số Quỹ trong kỳ tính thuế (bao gồm cả số trích Quỹ và số tiền nhận điều chuyển).
Nội dung này giúp cho doanh nghiệp dễ dàng trong việc xác định nghĩa vụ thuế đối với phần Quỹ không sử dụng hết trong từng trường hợp cụ thể khi doanh nghiệp trích Quỹ trong thời gian đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và có nhận điều chuyển Quỹ từ doanh nghiệp khác.
Bốn là, Thông tư 67 làm rõ hơn một số nội dung đảm bảo việc hiểu chính sách được thống nhất, ví dụ khoản trích Quỹ được thực hiện hằng năm và sau 05 năm kể từ khi trích Quỹ mới xác định khoản Quỹ trích trước đó 05 năm đã được sử dụng hết chưa. Nếu chưa sử dụng hoặc chưa sử dụng hết 70% số Quỹ đã trích mới xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số tiền Quỹ chưa sử dụng này.
Thông tư 67 có hiệu lực từ ngày 23/12/2022 và áp dụng áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.
KẾT NỐI DỮ LIỆU, ỨNG DỤNG AI, BIG DATA
Trong tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối giữa sàn thương mại điện tử và hệ thống của Tổng cục Thuế. Bộ sẽ hoàn thành việc xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử, tiến hành thí điểm với 3 sàn và sẽ triển khai chính thức từ tháng 1/2023.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông; làm việc với Bộ Công an đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.
Thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Các trở ngại nằm ở việc xác định được căn cứ tính thuế; khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; khó kiểm soát giao dịch kinh doanh; khó kiểm soát dòng tiền, nhất là khi hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt) được áp dụng phổ biến…
Do đó, Bộ Tài chính triển khai xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Đại diện của Bộ Tài chính cho hay, sẽ ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro, các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử.
Được biết, nhiều nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng)... Trong đó, 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netflix; Samsung; TikTok; eBay...) đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.