Sau những khó khăn chồng chất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đình trệ sản xuất, thời gian gần đây, doanh nghiệp ngành dệt may đã dần quay trở lại nhịp độ sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP.HCM (Agtex) cho biết, dự trữ các đơn hàng tồn đọng chưa sản xuất còn khá nhiều, đồng thời các đơn hàng mới được bổ sung sẽ giúp các doanh nghiệp dồi dào đơn hàng.
Bên cạnh đó, tinh thần người lao động cũng đang khá tốt sau khi được trở lại làm việc, có những doanh nghiệp năng suất cao hơn bình thường. “Sau khoảng thời gian dài đình trệ, công nhân đang rất cần việc và thu nhập. Có nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng. Tôi cho rằng, đây cũng là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp dệt may phía Nam trong 3 tháng cuối năm,” ông Hồng nhấn mạnh.
Hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, Công ty TNHH May mặc Dony hiện đang tăng cường sản xuất để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Điều đáng mừng, ngay khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp đã ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản, tổng giá trị khoảng 2 triệu USD. Với quy mô gần 100 lao động, doanh nghiệp phải làm liên tục từ nay cho đến qua Tết Nguyên đán, đại diện công ty cho biết.
Tương tự, Công ty Việt Thắng Jean (TP. Thủ Đức) cũng hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, với gần 600 công nhân. Doanh nghiệp hiện đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu. Hiện quần áo của Việt Thắng Jean đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới thông qua vận chuyển bằng máy bay. Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2022.
Tại Đồng Nai, tính đến ngày 1/11, các nhà máy sản xuất dệt may trên địa bàn tỉnh đã phục hồi được trên 70% công suất so với dịp đầu năm 2021. Dự đoán, trong quý 4/2021, nếu lực lượng lao động thuộc ngành dệt may quay trở lại làm việc đạt khoảng trên 90% thì doanh thu ngành dệt may sẽ đạt kết quả khả quan, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Một số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh có số lao động lớn đã trở lại làm việc đạt từ 90 - 100% như: Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai có 2.739 lao động và tất cả đã quay lại làm việc; Công ty TNHH Fashion Garments 2 cũng có 4.201/5.670 lao động trở lại nhà máy; Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam 3.704/5.529 lao động, Công ty TNHH Elite Long Thành 3.339/3.340 lao động…
Theo dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV/2021 và đầu năm 2022 của Navigos Group, các doanh nghiệp dệt may lớn và có uy tín đang có rất nhiều đơn hàng. Có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4/2022 và vẫn đang cần tuyển thêm nhiều lao động. Dự báo việc tuyển dụng có thể tăng do tăng đơn hàng và mở rộng sản xuất. Các vị trí tuyển dụng từ công nhân có tay nghề đến kỹ thuật vận hành, kiểm tra chất lượng...
Dù có đơn hàng dồi dào song một trong những khó khăn với doanh nghiệp là giá cả nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng cao. Dự kiến đầu tháng 11, Việt Thắng Jean sẽ tăng công suất hoạt động lên 80 - 90%. Song bài toán lớn nhất của công ty lúc này là tính toán làm sao để sản xuất mà không lỗ vốn.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho hay trước thời điểm TP.HCM xảy ra dịch, giá nguyên liệu bông, sợi đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện doanh nghiệp tiếp tục nhận được bảng báo giá mới là tăng thêm khoảng 5 - 10% so với mức giá cũ.
Mặc dù nguyên phụ liệu tăng giá và chậm giao hàng, nhưng các doanh nghiệp dệt may chưa thể tăng giá thành phẩm trong ngắn hạn. "Bản thân chúng tôi hiểu khi thị trường mới phục hồi rất khó để tăng giá sản phẩm. Chúng tôi cũng tập trung công tác tiết kiệm các nguyên vật liệu, tiết kiệm chi phí đầu vào có thể. Về giá chắc chắn là tăng rồi nhưng mọi hoạt động của May 10 hiện nay thì phải tiết kiệm mọi định mức kỹ thuật…," ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay.
Đánh giá chung về tình hình chung của doanh nghiệp trong hội, ông Phạm Xuân Hồng cho biết các đối tác mua hàng đều thông cảm, tạo điều kiện, thậm chí hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất; chấp nhận cho kéo dài thời gian thực hiện các đơn hàng cũ và xúc tiến đơn hàng mới.
"Việc vận chuyển nguyên liệu từ các nước, trong đó có Trung Quốc, về Việt Nam gặp một số trở ngại nhất định nhưng các doanh nghiệp đang phối hợp với khách hàng để thúc đẩy từng bước. Giá nguyên liệu cũng đang nhích nhẹ, ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất nhưng chưa phải là vấn đề lớn", ông Hồng cho biết.
Nhìn chung, chi phí sản xuất tăng đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhưng mục tiêu, yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp là làm sao giữ vững ổn định lực lượng lao động và sản xuất để chuẩn bị cho năm mới. Các doanh nghiệp cũng quan tâm đến đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại với hy vọng nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng sau khi thế giới kiểm soát được đại dịch.
9 tháng năm 2021, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong ngành dệt may là hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,4% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu vải đạt 1,8 tỷ USD, tăng 37,4%; xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD, tăng 56,2%; xuất khẩu vải không dệt đạt 557 triệu USD, tăng 77,3%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD, tăng 21,8%.