October 30, 2021 | 12:52 GMT+7

Doanh nghiệp gỗ thu hút lao động vì mục tiêu xuất khẩu

Lưu Hà -

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang Mỹ cũng như các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản,… còn rất lớn, vấn đề khó khăn hiện nay là làm sao doanh nghiệp giữ chân người lao động sau dịch để ổn định sản xuất…

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm hơn phân nửa tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 6,5 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

NỖ LỰC SẢN XUẤT TRONG “BÌNH THƯỜNG MỚI”

Tại hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới”, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu xuất khẩu gỗ cả năm đạt 14,5 tỉ đô la là khá khả quan. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ tập trung ở khu vực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… - tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4. Khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp gỗ đang phục hồi sản xuất trở lại một cách mạnh mẽ.

Thuận lợi lớn của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu là nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục, nhu cầu về đồ nội thất văn phòng tăng nhanh. Dự báo những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ các doanh nghiệp nâng công suất đáp ứng nhu cầu đơn hàng.

Từ phía doanh nghiệp chế biến gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, độ phủ vaccine đã được cải thiện, trong quý IV có thể phủ tới 100% lao động ngành gỗ, bên cạnh đó Chính phủ áp dụng các giải pháp c linh hoạt đã tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi động lại sản xuất thực hiện bảo đảm chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu.

Hầu hết các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất với giải pháp "3 xanh": nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh.
Hầu hết các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất với giải pháp "3 xanh": nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh.

Các tín hiệu hiện tại cũng cho thấy tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ nhanh hơn dự đoán trong 2 - 3 tháng trước đó. Khảo sát nhanh trong tháng 10/2021 của Viforest cho thấy 67% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tham gia khảo sát hiện đã hoạt động trên 70% công suất.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, cho biết: "Hầu hết các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất với giải pháp "3 xanh": nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh. Ngoài ra, chúng tôi có phòng khử khuẩn, lao động đến sản xuất phải đi qua phòng khử khuẩn này và thực hiện 5K," ông Điền Quang Hiệp nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Nai, do được tiêm vaccine, nên khi quay lại sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, mặc dù có xuất hiện ca bệnh F0, nhưng số lượng rất ít, chỉ khoảng vài ca và không lây lan. “Điều này thể hiện vaccine đã phát huy tác dụng, vì vậy, việc được tiêm vaccine đã tạo điều kiện để lực lượng lao động yên tâm quay lại nhà máy sản xuất. Hiện nay tỉ lệ lao động tại nhà máy của chúng tôi đã đạt trên 80%,” ông Quân nói.

TÌM CÁCH THU HÚT VÀ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG

Khó khăn lớn hiện nay mà các doanh nghiệp phải đối mặt là thiếu hụt lao động có tay nghề bởi một lượng lớn người lao động đã về quê sau khi các tỉnh phía Nam bùng phát dịch Covid-19 và thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Qua khảo sát, số lao động của các doanh nghiệp ngành gỗ trước và sau giãn cách xã hội đã giảm 18% và có đến 43% doanh nghiệp được hỏi gặp khó trong vấn đề nguồn lao động.

 
Các tín hiệu hiện tại cho thấy tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ nhanh hơn dự đoán trong 2 - 3 tháng trước đó. Trong tháng 10/2021, thấy 67% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đã hoạt động trên 70% công suất.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, cho rằng làn sóng người lao động hồi hương thời gian qua cho thấy có những bất cập trong chính sách an sinh cho người lao động ở những trung tâm kinh tế lớn. Không hẳn người lao động sợ dịch mà về quê, ở đây có bất cập về chính sách an sinh xã hội.

“Có những người làm việc 10 năm ở thành phố, các khu công nghiệp vẫn không có nhà, phải ở nhà thuê,” ông Quân nói. Từ thực trạng đó, ông Quân cho rằng, trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, bên cạnh diện tích của các nhà máy, các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến việc xây nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp để người lao động có thể an cư.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam chia sẻ, hiện doanh nghiệp có 60% lao động làm việc và đang khá khan hiếm nhân công. Bên cạnh tuyển dụng gấp công nhân, công ty cũng có chính sách hỗ trợ người lao động trở lại làm việc 1 triệu đồng/người. Công ty luôn ưu tiên với những lao động gắn bó với công ty, nhất là lao động làm việc trong thời gian “3 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Minh Nhật cho hay, đầu tháng 11, doanh nghiệp sẽ chuyển sang sản xuất “3 xanh”. Để sớm phục hồi sản xuất công ty đã mua sắm thêm máy móc để tăng công suất, nâng chất lượng và giảm phụ thuộc nhân công lao động do thiếu hụt. Công ty cũng phân khu vực sản xuất theo từng nhóm để nếu có nhân công bị F0 sẽ dễ dập dịch.

Khó khăn lớn hiện nay mà các doanh nghiệp phải đối mặt là thiếu hụt lao động có tay nghề.
Khó khăn lớn hiện nay mà các doanh nghiệp phải đối mặt là thiếu hụt lao động có tay nghề.

Qua kết quả khảo sát nhanh trong tháng 10 từ các doanh nghiệp, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết, các doanh nghiệp đã có kế hoạch phục hồi sản xuất với việc thay đổi chiến lược kinh doanh; kiểm soát dịch hiệu quả trong sản xuất; tăng hiệu quả, quy mô chế biến.

Cụ thể là tinh giảm bộ máy, giảm chi phí cố định; đầu tư máy móc, giảm phụ thuộc vào lao động; tăng ca, tăng công suất; có chính sách tốt về hỗ trợ giữ chân, thu hút người lao động tốt; xây dựng nhà ở cho công nhân, chế độ lương, thưởng… Cùng với đó là áp dụng nghiêm ngặt quy định của cơ quan chức năng, tạo môi trường lao động an toàn; áp dụng các biện pháp y tế phù hợp.

Cùng với đó, Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, cho biết đã mạnh dạn đề xuất cho doanh nghiệp được chủ động chống dịch và hậu kiểm. “Bình Dương đã được bao phủ lượng vaccine mũi 1 đạt gần như 100%, mũi 2 gần đạt 70% thì không có lý gì giãn cách vì điều này chỉ gây ách tắc mà thôi. Vì vậy, việc cho phép doanh nghiệp doanh nghiệp sử dụng lao động chịu trách nhiệm về nguồn lực lao động an toàn dịch bệnh là điều rất nên làm và đã phát huy hiệu quả," ông Hiệp đề xuất.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành y tế cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương thực hiện nhất quán quy trình hướng dẫn phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0. Chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động như sàn giao dịch lao động. Đồng thời, cùng doanh nghiệp hỗ trợ công nhân; thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate