THỜI CƠ TỚI NHƯNG CHẤT LƯỢNG NHÂN SỰ KHÔNG TĂNG
Năm 2022 xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam vẫn tự tin về đích với con số 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) chia sẻ, kết quả trên là nhờ Việt Nam đã mở toang cánh cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực.
Thách thức của việc mở rộng thị trường là doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện ngày càng nhiều sức ép từ đối tác nhập khẩu. VITAS cũng nhận định rằng: Đã đến lúc chúng ta phải tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhất là những công đoạn có giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối,...
Trong khi đó, toàn ngành đang chứng kiến sự “chảy máu” và già hoá nhân công. Chỉ tính riêng Tp.HCM, dệt may - da giày mỗi năm phát sinh 20.000 đến 22.000 vị trí việc làm mới, dù số lao động tìm việc chỉ hơn 1.000 người. Nhiều doanh nghiệp thậm chí chấp nhận nhân sự trên 40 tuổi vì không thể tuyển được công nhân trẻ. Chính tình trạng khan hiếm lao động đã khiến nhiều bên không dám nhận thêm đơn hàng trong nửa đầu năm 2022 dù lượng đơn hàng lớn ùa về.
THU HÚT LAO ĐỘNG BẰNG GIẢI PHÁP AN SINH THIẾT THỰC
Là ngành có tỷ lệ lợi nhuận không cao, khó tăng lương để thu hút tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các sáng kiến phúc lợi khác: chính sách nhận cả vợ chồng vào làm việc, xây nhà trẻ để giữ con công nhân, hay nổi bật gần đây là giải pháp Chi lương Linh hoạt cho người lao động. Từ cuối năm ngoái, Công ty Cổ phần Dệt May Liên Phương (LPTEX) đã triển khai hình thức chi lương linh hoạt cho đội ngũ 1000 cán bộ nhân viên - người lao động có thể nhận lương ngay khi có nhu cầu, không giới hạn số lần, thông qua một ứng dụng di động.
Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam : “Nhận lương linh hoạt đang trở thành nhu cầu cơ bản của người lao động. Với doanh nghiệp, phần chi phí phải bỏ ra rất nhỏ, nhưng có thể đem đến một phúc lợi thêm vào và rất thiết thực với họ.”
Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp sản xuất khác cũng đã bắt đầu thực hiện Chi lương Linh hoạt, tiêu biểu có FRIWO Vietnam (ngành điện tử), Gỗ Đức Thành, TTF, AA Corporation (ngành gỗ), Lộc Trời, Bánh Kẹo Phạm Nguyên (chế biến lương thực thực phẩm). Các doanh nghiệp này kết nối với một ứng dụng mang tên Vui App, người lao động có thể nhận lương mọi lúc. Đầu kỳ lương sau, doanh nghiệp mới phải hoàn ứng cho Vui App. Kết quả ban đầu cho thấy người lao động hưởng ứng phúc lợi mới, mỗi người trung bình rút lương sớm 2 - 3 lần/tháng, tỉ lệ nghỉ việc trong nhóm sử dụng giảm đến 60%.
Mạnh dạn áp dụng công nghệ là một trong các khuyến nghị của Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho các doanh nghiệp trong ngành trong năm 2023 để thúc đẩy sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tận dụng công nghệ, giải quyết cùng lúc hai bài toán nhân sự và tài chính, Chi lương Linh hoạt có thể là lời giải đáng kỳ vọng cho ngành dệt may lúc này.