7 doanh nghiệp dệt may đóng tại địa bàn tỉnh Tiền Giang mới đây đã làm đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang, Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) về việc hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 cho các doanh nghiệp dệt may tại Tiền Giang.
Đây là những doanh nghiệp thành viên của Vitas đang hoạt động sản xuất kinh doanh hàng may mặc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có tổng số trên 13.300 lao động, bao gồm: Công ty CP May Tiền Tiến, Công ty CP Tex- Giang, Công ty CP May Phương Đông, Công ty CP May Việt Tân, Công ty CP May Việt Khánh, Công ty CP Việt Long Hưng, Công ty CP May Công Tiến.
Trong đơn kêu cứu, đại diện các doanh nghiệp nêu rõ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài hơn 4 tháng qua đã và đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của hầu hết tất cả các doanh nghiệp ở các khu vực giãn cách xã hội.
Đặc biệt là các khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ đang trải qua giai đoạn khó khăn chồng khó khăn.
Hiện tỉnh Tiền Giang đang là 1 trong 5 tỉnh thành có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước, cộng đồng các doanh nghiệp đã cố gắng gồng mình để chung tay với Chính phủ phòng chống dịch.
Từ 15/7, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đóng cửa, chỉ một vài doanh nghiệp tổ chức được "3 tại chỗ" đến ngày 5/8. Đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa biết đến ngày nào được mở cửa trở lại.
Điều này đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới “sức khoẻ” của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì hầu hết khách hàng đã thông báo huỷ đơn hàng, phạt xuất hàng bằng máy bay đối với những hợp đồng đã ký vì đơn hàng phải bán theo mùa, khách hàng không thể tiếp tục chờ đợi trong vô vọng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may Tiền Giang đã mua hết nguyên vật liệu sản xuất với chi phí lên hàng ngàn tỷ đồng.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, giờ đang là thời điểm phát triển mẫu cho mùa năm sau nhưng họ không thực hiện được. Điều này đồng nghĩa là năm sau các doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng.
"Việc đầu tư và phát triển mẫu phải làm trước ít nhất 6 tháng và phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, nếu để mất một mùa thì sẽ mất luôn khách và thị trường. Trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí thuê nhà xưởng, kho bãi, lãi suất ngân hàng, tiền lương công nhân…", các doanh nghiệp dệt may Tiền Giang phân trần trong đơn kêu cứu.
Những lao động dệt may chủ yếu tại địa phương, đang sống dựa vào đồng lương hàng tháng nhưng mấy tháng qua không có thu nhập khi nhà máy đóng cửa.
"Không có thu nhập, đến mùa tựu trường họ không thể lo sách vở, dụng cụ học tập cho con em mình. Chúng tôi đau thắt lòng khi nghĩ đến điều này nhưng chúng tôi bất lực vì không còn khả năng để chi trả hay hỗ trợ lương ngừng việc cho người lao động của mình".
Lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may viết trong đơn kêu cứu.
Song đến nay, những người lao động này vẫn chưa được tiêm vaccine, đồng nghĩa với sức khoẻ, sự an toàn tính mạng của họ và gia đình họ không được đảm bảo nếu quay lại làm việc.
Còn với khách hàng, các doanh nghiệp cho rằng, khách hàng phải gánh chịu thiệt hại vô cùng to lớn vì không cung cấp kịp hàng ra thị trường như kế hoạch, họ cũng bị mất khách và thị trường hiện có của họ. Họ không tin tưởng vào sự an toàn của thị trường Việt Nam nữa. Họ đang mất dần lòng tin với chúng ta.
“Khách hàng đã thông báo cho chúng tôi là nếu đến 20/9 công ty không mở cửa sản xuất trở lại họ đành phải chuyển đơn hàng sang thị trường khác. Nếu thực sự điều này xảy ra, doanh nghiệp chúng tôi sẽ mất luôn khách hàng, không còn đơn hàng để sản xuất cho mùa cuối năm 2021 và năm 2020”, các doanh nghiệp lo lắng.
Do đó, các doanh nghiệp dệt may Tiền Giang khẩn thiết mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động. Theo tính toán của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng số vaccine cần vào khoảng 26.600 mũi cho người lao động.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vaccine để tiêm cho người lao động của mình, nhằm sớm đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng và phục hồi sản xuất.
Theo bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký Vitas, tại Tiền Giang có những doanh nghiệp dệt may có thể làm rất tốt "3 tại chỗ" nhưng không được phép làm.
Khảo sát của Vitas về nguyện vọng mà mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, Vitas nhận được câu trả lời nhiều nhất đó chính là mong muốn được hỗ trợ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động dệt may và sự thống nhất trong lưu thông hàng hoá.
“Đó cũng là một điểm tồn tại mà doanh nghiệp và hiệp hội đã kiến nghị nhiều nhưng chưa nhận được sự phản hồi từ Chính phủ, các bộ ngành”, bà Ánh nêu bức xúc, đồng thời cho biết một số địa phương như Bình Dương đã tích cực lên phương án mở cửa trở lại cho doanh nghiệp.