Theo nhà phân tích Takuto Yasuda của Viện Nghiên cứu NLI, nền kinh tế Nhật Bản đang hưởng lợi từ lượng du khách nước ngoài. Nhưng điều này cũng gây ra tác động tiêu cực, như việc thiếu hụt lao động dài hạn và chi phí cung cấp dịch vụ tăng cao. Cùng với đó, những hệ quả của biến đổi khí hậu đã đẩy giá cả leo dốc. Theo Nikkei Asia, chi phí cho hai đêm nghỉ tại một khách sạn ở Tokyo hiện đã lên tới 60.000 Yên.
Nhiệt độ mùa hè kỷ lục và mưa lớn năm ngoái đã phá hủy mùa màng, rau xanh tăng giá, khiến người mua sắm và các nhà hàng thêm đau đầu. Dữ liệu mới công bố cho thấy giá bắp cải tại Tokyo đã tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước áp lực kinh tế, nhiều người Nhật đã tìm đến các giải pháp tiết kiệm như sử dụng furikake (loại gia vị khô làm từ hỗ hợp cá khô, vừng và rong biển) để ăn cùng cơm hàng ngày. Doanh số furikake năm 2024 đã đạt mức kỷ lục.
Katsukichi, nhà hàng ở khu Shinagawa của Tokyo, cung cấp bắp cải miễn phí cùng với các miếng cốt lết chiên, giờ đây đã phải làm mỗi suất ăn nhỏ hơn một chút. "Tôi đã sẵn sàng ứng phó khi giá bột mì bắt đầu tăng, nhưng giá bắp cải thì không", đầu bếp Katsumi Shinagawa nói. "Bắp cải bán ở siêu thị hiện nay đắt kinh khủng. Bắp cải cỡ nửa thường có giá khoảng 100 Yên/phần, nhưng giờ giá lên tới 400 Yên".
![Giá bắp cải tại Tokyo đã tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/04/nhat1.png)
Năm ngoái, Nhật Bản trải qua mùa hè nóng nhất kể từ khi có số liệu thống kê, tiếp theo là mùa thu ấm nhất lịch sử. Những ngày mưa cục bộ dữ dội, sau đó là thời kỳ khô hạn kéo dài với ít ánh nắng mặt trời đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hậu quả là nông dân ở Aichi đang phải vật lộn với sản lượng ước tính thấp hơn 30% so với bình thường.
Thời tiết nóng cũng khiến rau diếp, hành lá và củ cải trắng đắt hơn. Và giá gạo đang tăng vọt sau khi vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và tình trạng thiếu nước. Giá tiêu dùng chung tăng 3,6%, hoặc 3,0% khi điều chỉnh theo giá thực phẩm. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm bùng phát đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trứng, đẩy giá trứng lên cao.
Những vấn đề này đã tạo ra một "cơn bão" cho ngành dịch vụ ẩm thực Nhật Bản. Ngoài giá nguyên liệu tăng, các nhà hàng còn phải đối mặt với tỷ giá đồng Yên yếu, chi phí vận chuyển cao và thiếu hụt lao động. Tờ Kyodo News trích dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu Teikoku Databank, cho biết có khoảng 72 công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống đã đóng cửa với số nợ phải trả lên tới hơn 10 triệu Yên (64.400 đô la Mỹ) vào năm ngoái, tăng 30% so với năm 2023.
![Ngoài giá nguyên liệu tăng, các nhà hàng còn phải đối mặt với tỷ giá đồng Yên yếu, chi phí vận chuyển cao và thiếu hụt lao động.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/04/nhat4.png)
Teikoku Databank cũng nhận định số lượng các quán ramen tuyên bố phá sản dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như bột mì càng làm tăng gánh nặng cho các nhà hàng. Chi phí để làm ra những bát mì ramen đã tăng lên khi các chủ cửa hàng mì ramen báo cáo rằng giá của hầu hết mọi nguyên liệu, bao gồm thịt, rong biển, hành lá và thậm chí cả nước tương, đều tăng.
Taisei Hikage, chủ quán ramen Menya Taisei tại Tokyo, cho biết từ khi khai trương quán vào một năm rưỡi trước, anh đã phải điều chỉnh giá thực đơn 3 lần, với mức tăng lên tới 47%, nhưng vẫn phải đối mặt với áp lực chi phí liên tục. Anh chia sẻ rằng truyền thống của các quán ramen là mang đến món ăn ngon và giá phải chăng cho người dân, nhưng giờ đây, ramen không còn là món ăn rẻ tiền dễ tiếp cận như trước.
Chi phí năng lượng cũng là một thách thức, vì các cửa hàng mì ramen cần ninh nước dùng trong nhiều giờ để tạo ra hương vị đậm đà, thường đòi hỏi họ phải bật điện liên tục. Một số nhà hàng đã tăng giá món ăn cho biết khách hàng của họ không có phản ứng tích cực. Takatoyo Sato, 52 tuổi, quản lý cửa hàng mì Menkoi Dokoro Kiraku tại khu thương mại Shimbashi của Tokyo, cho biết lượng khách hàng đã giảm mạnh sau khi giá mì shoyu ramen tăng lên 950 Yên vào tháng 5 năm ngoái.
![Giờ đây, ramen không còn là món ăn rẻ tiền dễ tiếp cận như trước.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/04/nhat2.jpg)
Một số chủ cửa hàng quyết định tăng giá lên trên 1.000 Yên và duy trì chất lượng cao để thu hút khách hàng quay lại, trong khi những doanh nghiệp khác quyết định chuyển đến vùng ngoại ô, nơi lợi nhuận tăng lên so với các khu vực thành thị có giá thuê đắt đỏ. Teikoku Databank dự đoán rằng tình trạng đóng cửa các cửa hàng mì ramen ở Nhật Bản có thể tiếp tục diễn ra trong năm nay, khi các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ ngần ngại điều chỉnh giá thực đơn hơn so với các chuỗi lớn.
Theo ông Toshihiro Nagahama, kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, các công ty cung cấp sản phẩm có nhu cầu cao như ramen có thể điều chỉnh giá bán để giảm bớt áp lực chi phí, nhưng những doanh nghiệp không có khả năng này đang đứng trước nguy cơ “biến thành các công ty zombie”. Ông Nagahama cảnh báo rằng nếu chính phủ tiếp tục hỗ trợ các công ty không đủ năng lực nâng cao năng suất hay tăng lương, nền kinh tế Nhật Bản có thể bị kìm hãm trong dài hạn.
Teikoku dự kiến vào năm 2025 khoảng 6.000 mặt hàng thực phẩm, từ bánh mì đến bia và mì, sẽ tăng giá. Và chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tuần này cho biết họ sẽ tăng giá trên toàn quốc đối với cơm nắm onigiri, sushi và các mặt hàng làm từ gạo khác.
![Năm 2025 khoảng 6.000 mặt hàng thực phẩm tại Nhật Bản, từ bánh mì đến bia và mì, sẽ tăng giá.](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/02/04/nhat5.jpg)
Nhật Bản hiện phải đối mặt với lạm phát kéo dài. Dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 17 năm nhằm thúc đẩy tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động vẫn giảm trong 29 trên 32 tháng qua. Tỷ lệ chi tiêu hộ gia đình dành cho thực phẩm đã đạt mức cao nhất trong vòng bốn thập kỷ, buộc nhiều người phải cắt giảm khẩu phần rau xanh. Dữ liệu mới nhất cho thấy mức tiêu thụ rau của người Nhật đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 11/2024.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang cố gắng giảm gánh nặng chi phí cho người dân. Một gói kích thích kinh tế bao gồm trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp đã được triển khai. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đang xem xét cho phép bán gạo dự trữ với giá thấp hơn nhằm kiểm soát giá trên thị trường.