Theo các chuyên gia, phân khúc bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chịu tác động rất mạnh từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù vậy, thị trường đang kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ vào những tháng cuối năm, khi mà nhu cầu chi tiêu đã bị dồn nén suốt thời gian qua và những trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng... mở cửa trở lại trên địa bàn các thành phố.
CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ KÍCH CẦU
Nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á cho thấy quá trình chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang các nền tảng thương mại điện tử đã diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng. Sự chuyển đổi này tạo ra lợi thế cho dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ này và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch. "Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử," Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào nhận định.
Môi trường kỹ thuật số cũng là nơi doanh nghiệp có thể quảng cáo nhắm vào đối tượng cụ thể mang đến những chương trình ưu đãi riêng phù hợp với nhu cầu từng cá nhân. Thậm chí, một xu hướng số hóa mới mẻ nhưng đang trở nên phổ biến trong triển khai chương trình khuyến mãi là sử dụng mã QR Code bởi tính tiện dụng và linh hoạt. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, mà ngay cả những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thương nhân, tiểu thương...
Hành vi tiêu dùng thay đổi sau giãn cách, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đã khác nên bên cạnh chuyển đổi số, ngành bán lẻ còn cần bắt kịp sự thay đổi của thị trường. Với người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM, thời điểm này cũng là giai đoạn phù hợp để mua sắm những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho gia đình chuẩn bị Lễ/Tết, chứ không chỉ tập trung vào những nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Đặc biệt, với những mặt hàng có thể dự phòng hoặc sử dụng trong thời gian lâu dài như hàng điện tử - điện máy, đồ trang trí nội thất, thời trang may mặc, hóa mỹ phẩm... thì người tiêu dùng có thể tận dụng cơ hội khuyến mãi, giảm giá từ đa dạng nhãn hàng, thương hiệu.
Để đón đầu nhu cầu mua sắm, tiêu dùng này, hầu hết trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng... đã phối hợp cùng các nhãn hàng, thương hiệu trong và ngoài nước triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50%. Những đơn vị này còn thực hiện phong phú hình thức kích cầu tiêu dùng như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1; tặng phiếu giảm giá cho hóa đơn kế tiếp, phiếu mua hàng mệnh giá mặc định; bán hàng theo combo gồm sản phẩm chính kèm quà tặng...
Những nhãn hàng, thương hiệu đã xây dựng được hệ thống chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn như Juno, Vascara, Biti's, PNJ... cũng trở lại thị trường với hoạt động khuyến mãi, giảm giá "sốc" cho khách hàng thân thiết. Nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho khách hàng, các điểm bán lẻ giới hạn số lượng người vào mua sắm trong cùng một khung giờ, khách hàng tham gia mua sắm phải có "Thẻ xanh Covid-19", quét mã QR... Đặc biệt trong thời gian tới, nhiều hệ thống bán lẻ cho biết vẫn tiếp tục duy trì kênh bán hàng trên Zalo, facebook, hotline của cửa hàng.
KỲ VỌNG KHỞI SẮC
Về kỳ vọng phục hồi thị trường bán lẻ trong 3 tháng cuối năm, Savills Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm trùng với nhiều lễ hội vì vậy sẽ làm gia tăng nhu cầu mua của người dân nói chung. Với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì việc tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu quay trở lại, để bù lại nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách vừa qua. Quý 4/2021 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, từ đó sẽ giúp cho các ngành bán lẻ có các dấu hiệu tích cực hơn.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Savills, thời gian này cũng là lúc chính các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả. “Trong thời gian vừa qua, không chỉ nhóm dân số trẻ, mà cả các tầng lớp trung niên hay cao tuổi cũng đã bắt đầu thích nghi với việc sử dụng công nghệ trong việc mua bán online. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, độ trung thành của họ sẽ giảm lại và họ dễ bị tác động bởi các thông tin, những đánh giá ngay trên online.
Các thương hiệu cần phải chú ý đến những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, song song với đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới,” bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh nào cũng có cơ hội đối với thị trường sau giãn cách xã hội, mà điều kiện thuận lợi chỉ dành cho một số nhóm ngành hàng nhất định và nhu cầu thị trường đang tăng cao. Có tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh trên thị trường hay không, còn phụ thuộc vào chiến lược kích cầu tiêu dùng và kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng nhóm ngành hàng.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, bán lẻ trực tuyến đang mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong ngành. Nắm bắt xu thế, các doanh nghiệp bán lẻ đang từng bước nâng cấp hệ thống, tiệm cận phương thức giao hàng và thanh toán tiện dụng nhất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ triển khai nhiều giải pháp phòng dịch, thích ứng với tình hình, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống để người dân an tâm tới mua sắm...
Thời gian tới, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam mong muốn, các chính sách đưa ra cần tránh sự chồng chéo, nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành những quy định khác nhau cho cùng một lĩnh vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi bên cạnh nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, sự linh hoạt về cơ chế, chính sách để phù hợp với hoàn cảnh sẽ giúp ngành bán lẻ tạo cầu nối tốt hơn giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, bảo đảm an sinh.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, nhu cầu mua sắm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Dự kiến năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020 (thấp hơn so với mục tiêu 8%).