Hàng không nội địa bắt đầu phục hồi từ tháng 4 và chính thức vượt qua mức trước đại dịch kể từ tháng 5 nhờ nhu cầu du lịch trong nước phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Thống kê cho thấy lượng hành khách nội địa trong quý 3 năm nay tăng đột biến 87 lần so với cùng kỳ, thậm chí vượt 54,7% trước đại dịch. Tính chung 9 tháng, lượng khách nội địa giữ đà tăng ấn tượng 164,6% cùng kỳ, tương đương vượt 22,9% trước đại dịch.
BỨC TRANH ĐỐI LẬP DOANH NGHIỆP NGÀNH HÀNG KHÔNG
Nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng không chính thức vượt “sóng dữ” và đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục sau hai năm dài bị nhấn chìm trong thua lỗ.
Báo cáo công bố mới đây của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) cho thấy trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của ACV đạt gần 2.400 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đậm hơn 700 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, ACV đạt gần 9.800 tỷ đồng doanh thu, tăng 157% và lợi nhuận sau thuế đạt 5.840 tỷ đồng, tăng gần 11 lần cùng kỳ. Như vậy, ACV vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với tổng cộng 108 cửa hàng bao phủ tất cả các sân bay trọng điểm Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (AST) báo lãi hai quý liên tiếp gần đây, đưa lợi nhuận sau thuế 9 tháng AST đạt 8 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ trên 100 tỷ cùng kỳ.
Tính riêng doanh thu thuần hợp nhất quý 3 của AST bằng 1.068% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ghi nhận mức lãi trên 15 tỷ trong khi cùng kỳ lỗ 43 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh của công ty có hiệu quả trở lại sau 2 năm thua lỗ do đại dịch.
Báo cáo công bố mới đây của Vietnam Airlines cũng cho thấy hàng loạt công ty con của hãng này đều kinh doanh có lãi như: Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec), Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (Vaeco), Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (Viags)…
Tuy nhiên, do gánh lỗ của công ty mẹ hơn 2.200 tỷ đồng trong quý 3 nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất Vietnam Airlines vẫn duy trì trạng thái âm tới hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo lý giải của đại diện công ty, với công ty mẹ, dù tổng doanh thu và thu nhập khác quý 3 tăng mạnh 293% so với quý 3/2021 (tăng hơn 11.067 tỷ đồng), tuy nhiên tổng chi phí cũng tăng 160%, tương đương tăng 10.504 tỷ đồng so với cùng kỳ, bởi sự tăng vọt của chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khi hoạt động hàng không hồi phục trở lại.
Đáng nói, loạt chi phí bất ngờ đè nặng lên cánh bay “anh cả” ngành hàng không như chi phí nhiên liệu tăng gấp 1,8 lần và chi phí tài chính tăng mạnh, chủ yếu do chi phí lãi tiền vay và chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá gần 1.100 tỷ đồng.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45 phát hành ngày 07-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam