Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, với khoản lãi kỷ lục hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.
Trong quý 1/2024, ACV ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.660 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó đóng góp chính là mảng cung cấp dịch vụ hàng không chiếm 82%. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện, cứ 100 đồng doanh thu mang về gần 64 đồng lãi gộp. Đây cũng là mức biên lãi thuộc top cao nhất nhì trên sàn chứng khoán.
Doanh thu tài chính cũng tăng hơn 15% trong khi chi phí tài chính giảm mạnh từ 793 tỷ đồng xuống gần 19 tỷ đồng do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Lãi từ công ty liên kết tăng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhờ đó ACV báo lãi kỷ lục hơn 2.920 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua.
Năm 2024, ACV đặt kế hoạch doanh thu 20.325 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp lần lượt thực hiện 28% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận.
Anh cả ngành hàng không Vietnam Airlines cũng vừa báo lãi kỷ lục trong quý 1 vừa qua. Theo thông tin từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa công bố, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (bao gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ; lợi thuận sau thuế đạt 4.441 tỷ đồng, đây là mức lãi kỷ lục đảo chiều ngoạn mục so với mức lỗ 37 tỷ đồng cùng kỳ.
"Trong đó, kết quả Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp tổng công ty ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý 1/2024", đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Theo đó, trong quý 1/2024, Vietnam Airlines ghi nhận khoản thu nhập khác đột biến tới 3.630 tỷ đồng, cao gấp 100 lần cùng kỳ (36 tỷ đồng); trong đó, thu nhập từ xoá nợ đạt hơn 3.030 tỷ đồng.
Mặc dù không ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục song hãng hàng không giá rẻ VietJet Air cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý 1 vừa qua.
Theo báo cáo tài chính, quý 1/2024, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 17,765 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ 2023.
Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023. Với mức lợi nhuận này, VietJet Air đã quay về thời kỳ trước khi dịch Covid ập đến.
Cổ phiếu ngành hàng không nhìn chung có diễn biến kém tích cực hơn thị trường chung trong năm 2023. Từ đầu 2024 tới nay trong khi các cổ phiếu Kho bãi, hậu cầu và bảo dưỡng có diễn biến tương đồng với thị trường chung, thì cổ phiếu Dịch vụ hàng không có diễn biến tích cực hơn hẳn sau thông tin tăng trần vé máy bay nội địa từ 1/3/2024.
Về định giá, theo phân tích của Chứng khoán Yuanta, định giá của ngành Dịch vụ hàng không vẫn đang ở mức EV/EBITDA 39.x, cao hơn hơn nhiều so với giai đoạn 2018-2019, trong khi, Kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng EV/EBITDA ở ngang mức trước dịch khoảng 15.x.
Với kỳ vọng hồi phục nhu cầu du lịch, Công ty CP Chứng khoán Yuanta cho rằng định giá các doanh nghiệp Kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng đang ở mức hấp dẫn trong khi các doanh nghiệp hàng không vẫn cần thêm thời gian hồi phục.
Mặc dù vậy, Yuanta cho rằng ngành hàng không đã qua thời kỳ khó khăn với 4 luận điểm chính.
Thứ nhất, giá dầu duy trì ổn định trong năm 2024. Với việc giá dầu ổn định duy trì quanh mức 90 USD/thùng, cao hơn bình quân 2023 nhưng cũng không tạo áp lực quá lớn lên biên lợi nhuận của ngành hàng không. Mặc dù vẫn cần theo dõi thêm các yếu tố địa chính trị có thể làm tăng giá dầu hơn dự kiến.
Thứ hai, nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tiếp tục hồi phục. Lượng khách quốc tế duy trì đà hồi phục và xu hướng di chuyển bằng đường hàng không tăng cao.
Thứ ba, tăng trần giá vé máy bay nội địa. Thông tư 34 của Bộ Giao thông Vận tải bổ sung một số điều của Thông tư 17 về việc điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay, có hiệu lực từ 01/03/2024.
Giá trần áp dụng cho hành khách hạng phổ thông cơ bản chưa bao gồm: Thuế VAT; Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách cũng như dịch vụ bảo đảm an ninh như giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh, hành lý; Khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Thông tư tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp cho các hãng bay có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hàng không sẽ phải cân đối giá vé để bảo đảm hiệu quả hoạt động cũng như quyền lợi khách hàng. Do đó, giá vé vẫn sẽ tuân theo cơ chế thị trường.
Cuối cùng, triển vọng dài hạn nhờ sân bay Long Thành. Sân bay quốc tế Long Thành tổng công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Điều này sẽ cải thiện tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi 80% chuyến bay quốc tế và 12% chuyến bay nội địa sẽ được chuyển về LTA , mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và ACV trong dài hạn.