July 04, 2024 | 10:59 GMT+7

Doanh nghiệp hào hứng hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon

Tuệ Mỹ -

Từ năm 2009, Sáng kiến Thế giới không dùng túi nilon chính thức chọn ngày 3/7 hàng năm là Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon với mục đích thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2024 là năm thứ hai Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon (Bag Free World Initiative). Tại Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng; hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam khoảng 8% - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Tại các đô thị, lượng túi nilon được tiêu thụ khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày; trong số này chỉ khoảng 17% số túi nilon được thường xuyên tái sử dụng.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định rõ về trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất và quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon.

Tại Quyết định 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…

Hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon năm nay, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng với Liên minh các nhà bản lẻ giảm túi nilon dùng một lần (Liên minh) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giảm tiêu dùng túi nilon.

Diễn ra từ 29/6 đến ngày 3/7/2024 với thông điệp “Bớt túi nilon, thêm nhiều mầm sống”, các cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại là thành viên của Liên minh (TH true mart, Central Retail Việt Nam, AEON Việt Nam, LOTTE Mart Việt Nam…) đã có nhiều hoạt động được tổ chức nhằm mang lại nhiều trải nghiệm thú vị và bổ ích như các mini-game hỏi và đáp về kiến thức liên quan đến rác thải nhựa: Học mà chơi, chơi mà học; Vòng quay may mắn; Ghé thăm Tiệm chụp ảnh check-in; Lời nhắn gửi tương lai; Cuộc thi trực tuyến “Bớt túi nylon, thêm nhiều mầm sống”…

Cụ thể, hệ thống siêu thị LOTTE Mart thực hiện tặng túi môi trường cho 1.000 khách hàng đầu tiên có hóa đơn từ 300.000 đồng trong ngày 3/7. Hoạt động này được triển khai đồng loạt tại 16 siêu thị LOTTE Mart trên toàn quốc. Trước đó, doanh nghiệp này đã có nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường như “Tôi hành động, bạn cũng thế”, thay túi nilon bằng những chiếc túi thân thiện với môi trường (eco-bag). Gần 5 năm qua, những chiếc túi môi trường của LOTTE Mart được liên tục cập nhật với các phiên bản thiết kế sáng tạo, góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh trở thành lối sống của người tiêu dùng hiện đại.

Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon năm nay diễn ra từ 29/6 đến ngày 3/7/2024 với thông điệp “Bớt túi nilon, thêm nhiều mầm sống”.
Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon năm nay diễn ra từ 29/6 đến ngày 3/7/2024 với thông điệp “Bớt túi nilon, thêm nhiều mầm sống”.

Theo đại diện LOTTE Mart, những chiếc túi môi trường được thiết kế thời trang, có tuổi thọ kéo dài từ 6 đến 8 tháng, thậm chí là 1 năm, đã giúp người tiêu dùng Việt có thể loại bỏ tới hàng nghìn chiếc túi ni lông ra khỏi cuộc sống của mình. LOTTE Mart cũng đã kí vào bản cam kết tuyên bố hành động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động. “Đây sẽ là minh chứng cho cam kết gắn thành công, tăng trưởng dài hạn của LOTTE Mart Việt Nam đi liền với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường”, lãnh đạo LOTTE Mart chia sẻ.

Tương tự, với mong muốn hỗ trợ khách hàng đưa ra các quyết định mua sắm và tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn, AEON Việt Nam triển khai Sáng kiến “Rent a bag”. Theo đó khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn trả toàn bộ phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ. AEON Việt Nam cũng đồng thời duy trì vận hành các sáng kiến “xanh” khác như Greenline - quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi nilon, hay sử dụng ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía... tại khu vực ẩm thực tự chọn.

Trong khi đó, Central Retail Việt Nam đã và đang thực hiện thành công chương trình “Ngày không túi nilon”, “Mang theo túi riêng đi chợ” tại các siêu thị trên toàn quốc - tiến tới hoàn toàn chấm dứt cung cấp túi nilon ở các siêu thị thuộc hệ thống trong thời gian tới. Central Retail Việt Nam khuyến khích người tiêu dùng chủ động giảm sử dụng túi nilon khi đi mua sắm bằng cách tái sử dụng túi thân thiện môi trường, bán túi Lohas không lợi nhuận, hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí…

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các siêu thị và nhà bán lẻ trong Ngày không sử dụng túi nilon tại Việt Nam đã cho thấy sự chủ động và nỗ lực đưa mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường vào chiến lược kinh doanh bền vững của các tổ chức và doanh nghiệp.

Đồng hành cùng ngành bán lẻ, ngành du lịch Việt Nam cũng đang trong hành trình loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các điểm đến. Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt vào ngày 13/06/2024.

Ngành du lịch Việt Nam cũng đang trong hành trình loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các điểm đến.
Ngành du lịch Việt Nam cũng đang trong hành trình loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần và túi nilon tại các điểm đến.

Theo đó, đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Đất Việt Tour - một trong những đơn vị tiên phong trong xu hướng du lịch xanh -  liên tục giới thiệu các sản phẩm du lịch sinh thái như: Không xả rác, hạn chế dùng túi nilon và đồ nhựa, nhặt rác tại những nơi đoàn tham quan… Còn Thien Minh Group (TMG) được cấp chứng chỉ là địa chỉ lưu trú xanh uy tín trên thế giới mang tên Travelife Gold cho toàn bộ hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng thành viên tại Việt Nam và Lào…

Các điểm đến như Cô Tô, Côn Đảo, Cù Lao Chàm… trong nhiều năm qua đã triển khai nhiều chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường, trọng tâm là kêu gọi mỗi người dân, du khách nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn; tổ chức hoạt động thường xuyên dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư, các bãi biển…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate