October 18, 2024 | 16:00 GMT+7

Doanh nghiệp khoáng sản tại Lào Cai chưa “lại sức” sau siêu bão

Song Hoàng -

Sau bão số 3, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản Lào Cai không đạt công suất gây gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp luyện kim, hóa chất, phân bón… bị ảnh hưởng. Nếu không sớm khắc phục, đưa các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản về trạng thái bình thường sẽ tác động đến toàn bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai năm 2024 và các năm tiếp theo...

UBND tỉnh Lào Cai họp với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản
UBND tỉnh Lào Cai họp với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Sáng ngày 18/10/2024, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đã chủ trì tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp khoáng sản nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3. 

Theo UBND tỉnh Lào Cai, do chịu nhiều tác động sau hoàn lưu bão số 3, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không đạt công suất thiết kế gây gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu khiến doanh nghiệp chế biến sâu các lĩnh vực luyện kim, hóa chất, phân bón… bị ảnh hưởng, giảm công suất nhà máy, thậm chí phải ngừng hoạt động. Nếu không tập trung khắc phục, đưa các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản về trạng thái bình thường sẽ gây tác động đến toàn bộ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo đại diện Sở Công Thương Lào Cai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 đơn vị được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại 22 mỏ khoáng sản (trừ khoáng sản vật liệu xây dựng).

Trong quá trình hoạt động, phần lớn các đơn vị đều gặp khó khăn về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục pháp lý về đất của dự án. Một số đơn vị chưa đảm bảo tiến độ triển khai dự án; mất cân đối về tài chính, khó khăn trong việc định chỉnh công nghệ, đổ thải…

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các dự án khai thác khoáng sản thiệt hại ước tính khoảng 171 tỷ đồng. Mặc dù đã hoạt động trở lại nhưng chưa đảm bảo khai thác đạt 100% công suất thiết kế.

Đối với chế biến khoáng sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 10 đơn vị hoạt động sản xuất hoá chất, 05 đơn vị sản xuất phân bón vô cơ các loại. Sau hoàn lưu bão số 3, các dự án khai thác quặng bị ảnh hưởng và không đảm bảo nguồn quặng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng.

Phần lớn các đơn vị sản xuất hóa chất chỉ hoạt động từ 60 - 85% công suất thiết kế do thiếu nguồn cung nguyên liệu apatit; giá phân bón DAP không cạnh tranh được so với giá DAP có nguồn gốc từ Trung Quốc… dẫn đến kế hoạch sản xuất quý IV/2024 của các nhà máy trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng gặp nhiều khó khăn, hiện nay một số nhà máy đang hoạt động cầm chừng. Việc xử lý bãi thải gyps còn gặp khó khăn về tiến độ thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam cho biết doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại một số khai trường, chồng chéo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thiếu bãi thải…

Đại diện lãnh đạo chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, hiện đơn vị này đã cơ bản khắc phục xong các thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra và hiện nay đơn vị còn gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, thiếu đất cho hoạt động sản xuất, chưa thống nhất được phương án tái định cư…

Một số doanh nghiệp khác cho biết, do thời tiết mưa nhiều trong năm và hoàn lưu bão số 3 nên việc triển khai thi công một số hạng mục dự án khai thác còn chậm tiến độ; một số khai trường mỏ bị sạt lở, ngập nước, ảnh hưởng đến nhà ở của hộ dân trong khu vực…

Các doanh nghiệp khoáng sản cho biết hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tuyến đường mở mỏ dự án khai trường, chưa được cấp quyền sử dụng đất, thiếu bãi chứa thải, thiếu nguồn quặng tuyển phục vụ cho sản xuất… và đề xuất tỉnh Lào Cai, các sở, ngành chức năng quan tâm có những giải pháp, chính sách phù hợp để tháo gỡ, giải quyết cho doanh nghiệp. Trong đó tập trung hoàn thiện sớm công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. 

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương: Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Văn Bàn, huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai cho biết đã phối hợp với các doanh nghiệp khoáng sản đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đồng thời giải đáp, hướng dẫn và đưa ra phương án tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp về công tác đất đai, thuê đất, phê duyệt giá đất, xử lý việc cấp chồng lấn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phương án quản lý phần diện tích đất trước đây đã giao cho doanh nghiệp; hoàn thiện đo đạc bản đồ địa chính; thực hiện công tác rà soát, kiểm đếm, thu hồi đất, đền bù cho hộ dân; đảm bảo sắp xếp dân cư, triển khai thực hiện xây dựng khu tái định cư; công tác đổ thải của các nhà máy, thống nhất vị trí chứa quặng; cấp phép xây dựng; điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp khoáng sản bị thiệt hại…

Đồng thời đề nghị các chủ đầu tư, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện và kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn về sở, ngành chức năng để cùng tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đặc biệt các doanh nghiệp cần tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, đảm bảo các hồ sơ, thủ tục trước khi khai thác, vận hành; bám sát báo cáo ĐTM của dự án đã được phê duyệt, đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển quặng, đảm bảo an toàn hồ chứa quặng đuôi; khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các văn bản của Trung ương, của tỉnh, sở, ngành chức năng.

Kết luận Hội nghị, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực khoáng sản, từ khâu xây dựng cho đến khai thác, chế biến; đảm bảo môi trường và bộ phận quản trị tốt; đổi mới công nghệ khai thác, chế biến, thực hiện đánh giá lại chuỗi giá trị sản xuất và công nghệ sản xuất tập trung vào các loại khoáng sản apatit, sắt, đồng, graphit.

Ông Trường cũng đề nghị các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế, phí đối với Nhà nước; đồng thời có trách nhiệm thực hiện công tác an sinh xã hội với địa phương, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và phấn đấu 100% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Đặc biệt các doanh nghiệp cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển lâu dài.

Về phía địa phương trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ 02 vấn đề chính là công tác giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư, bảo vệ môi trường, công nghệ; kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm. Tiếp tục mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư tại tỉnh; thực hiện chế biến sâu khoáng sản, chuyển đổi xanh, hướng tới thị trường tín chỉ carbon; có các giải pháp, phương án đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate