August 01, 2021 | 14:35 GMT+7

Doanh nghiệp khởi nghiệp Bắc Giang xuất giấm vải sang châu Âu

Lưu Hà -

Lô hàng hơn 5 nghìn hộp giấm ngâm tỏi ớt của thương hiệu giấm Kim Ngân (Lục Ngạn, Bắc Giang) vừa được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Đây là kết quả của nhiều lần đàm phán, kết nối chào hàng với đối tác… 

Bà Bạch Kim Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang cho biết, Công ty vừa xuất khẩu hơn 5 nghìn hộp tỏi ngâm giấm ớt bằng đường biển sang Cộng hòa Séc. Việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường châu Âu, giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường, tăng doanh thu. Sau chuyến đầu thuận lợi, thời gian tới, Công ty dự kiến xuất khoảng một vạn chai sang thị trường này. 

Trước đó, trong thời điểm Bắc Giang vẫn là tâm dịch lớn nhất cả nước, Công ty cũng xuất khẩu thành công chính ngạch một container giấm táo, giấm vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thông quan hàng hóa, song sự kiện 2 lô hàng xuất ngoại thành công một lần nữa cho thấy nỗ lực không ngừng của các nữ doanh nhân vùng vải thiều.

Mơ ước làm ra loại giấm ăn đặc biệt có một không hai trên thế giới, cô giáo Bạch Thị Kim Ngân (sinh năm 1972) dạy môn Hóa học tại Trường THCS thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nghiên cứu, sản xuất thành công giấm từ những quả vải. Hành trình khởi nghiệp của cô giáo vùng quê này gắn liền với mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm giấm hoa quả có mặt ở thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới.

Hơn 5 nghìn hộp tỏi ngâm giấm ớt vừa được xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển sang Cộng hòa Séc.
Hơn 5 nghìn hộp tỏi ngâm giấm ớt vừa được xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển sang Cộng hòa Séc.

Theo bà Kim Ngân, giấm trái cây bán tại Việt Nam chủ yếu là hàng nhập khẩu với giá thành đắt đỏ. Cũng có nhiều gia đình tự làm giấm, song đều ở mức độ sơ đẳng, không thể thành thương phẩm. Bởi vậy, sau một năm nghiên cứu, tháng 9/2014, cô giáo Bạch Kim Ngân thành lập Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn, để có đủ điều kiện pháp lý đưa sản phẩm ra thị trường. Nhờ những lợi thế về chất lượng, giấm vải Kim Ngân được người tiêu dùng đón nhận và ưa thích.

Năm 2015, sản phẩm giấm vải Kim Ngân của cô giáo làng chính thức ra mắt thị trường. Từ đó cho đến nay, qua nhiều năm quyết tâm, lăn lộn khởi nghiệp, cô giáo Ngân đã trở thành Giám đốc của Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân có cơ sở sản xuất hơn 1000m2 tại Lục Ngạn, mỗi tháng sản xuất 20 - 30 ngàn lít giấm cung cấp cho thị trường. Mỗi năm giúp bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ trung bình 50 - 60 tấn cùi vải để sản xuất giấm.

Đặc biệt, hiện nay cơ sở đã phát triển 5 dòng sản phẩm: giấm vải, giấm táo xanh, táo mèo, giấm mơ và giấm tỏi ớt chuyên để trộn rau, salat. Mỗi năm, công ty thu mua khoảng 20 tấn cùi vải, 20 tấn táo xanh, 30 tấn táo mèo và 5 tấn mơ, sản xuất ra khoảng 500.000 lít giấm các loại. Các sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân đã xuất hiện trên kệ hàng các siêu thị lớn như Vinmart, Aeon, Fivimart, … và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc cũng như các sàn thương mại điện tử.

Gần đây nhất, với mục đích "giải phóng" sức lao động của người phụ nữ, thương hiệu giấm Kim Ngân tiếp tục tạo ra các sản phẩm giấm tỏi ớt, giúp mọi người giản tiện công sức chế biến, nhanh chóng có được những bữa ăn ngon, đẹp mắt và tiện lợi. Cùng với việc phát triển thị trường trong nước, cô giáo - doanh nhân Kim Ngân đã tìm cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài. Song việc đưa sản phẩm xuất khẩu chưa bao giờ là bài toán dễ dàng, khi doanh nghiệp phải tuân thủ những yêu cầu khắt khe về chất lượng và số lượng sản phẩm. 

Để đạt tới số lượng lớn, đảm bảo chất lượng đòi hỏi công ty phải tập trung nghiên cứu, tìm tòi, rút kinh nghiệm trong thời gian dài. "Một khi sản phẩm được đối tác nước ngoài đón nhận, đồng nghĩa với việc phải đáp ứng số lượng rất lớn. Nếu không đáp ứng kịp số lượng hàng trong thời gian ngắn, họ sẽ tìm đối tác khác. Bởi vậy, chúng tôi cũng phải cân đối phương án sản xuất phù hợp tình hình thực tế," cô giáo - doanh nhân Kim Ngân chia sẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate