August 14, 2023 | 10:08 GMT+7

Doanh nghiệp lữ hành lạc quan với chính sách visa mới

Tường Bách -

Mặc dù chính sách thị thực mới có hiệu lực từ ngày 15/8 nhưng tới thời điểm này, các đơn vị lữ hành cũng như khách quốc tế vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn chính thức để tạo cơ hội đột phá cho du lịch Việt Nam…

Ảnh: Saigontourist
Ảnh: Saigontourist

Đại diện nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho biết số lượt tìm kiếm thông tin chính sách đổi mới về thị thực của Việt Nam từ du khách quốc tế tăng 33% trong 2 tuần ngay sau khi Quốc hội thông qua chính sách mới. Từ đó đến nay, số lượt quan tâm đến chính sách đổi mới cấp thị thực điện tử của Việt Nam vẫn tiếp tục có xu hướng tăng.

Du khách đến từ Pháp hiện dẫn đầu mức tăng về số lượt tìm kiếm nơi lưu trú ở Việt Nam (tăng 72% so với 2 tuần trước đó). Du khách từ Hà Lan, New Zealand, Đức, Hoa Kỳ... cũng ghi nhận mức tăng từ 38 - 45% về lượt quan tâm đến du lịch Việt.

MỞ ĐƯỜNG CHO NHIỀU LUỒNG KHÁCH MỚI

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Du lịch Quốc tế Benthanh Tourist, cho biết công ty đã gửi thông báo đến một số đối tác tại các thị trường quan trọng như Rumania, Hà Lan, Đức, Pháp, Mỹ để thông báo về chính sách visa mới của Việt Nam. Các bên đều rất hào hứng trước thông tin tốt này. “Tuy nhiên, chỉ sau khi có được văn bản hướng dẫn chi tiết, công ty mới có thể phối hợp cùng các đối tác để thiết kế chương trình du lịch mới, làm mới sản phẩm và tiến hành các hoạt động quảng bá, tiếp thị tới du khách", ông Sơn nói.

Hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định, việc chính sách visa mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn có hiệu lực ngay trước mùa cao điểm của khách quốc tế sẽ góp phần tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, phát triển kinh tế du lịch những tháng cuối năm. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều không gian để chào bán sản phẩm, tăng thêm dịch vụ linh hoạt cho du khách như điều chỉnh thời gian khởi hành, thay đổi lịch trình…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart (Đà Nẵng) cho rằng, chính sách thị thực mới được Quốc hội thông qua sẽ làm thay đổi cơ bản về cấu trúc khách và hệ thống phục vụ của ngành du lịch. Du khách đã tiếp cận gần hơn với hệ thống dịch vụ trực tiếp. Chính vì vậy, chính sách thị thực mới sẽ mở đường cho nhiều luồng khách mới, đặc biệt là luồng khách chủ động, gia đình, khách đi nhỏ lẻ.

Xu hướng này sẽ tác động lên hệ thống dịch vụ, buộc phải thay đổi để phù hợp với chính sách mới. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng trong việc tiếp cận các nguồn khách quốc tế.

Chính sách thị thực mới sẽ mở đường cho nhiều luồng khách mới, đặc biệt là luồng khách chủ động, gia đình, khách đi nhỏ lẻ.
Chính sách thị thực mới sẽ mở đường cho nhiều luồng khách mới, đặc biệt là luồng khách chủ động, gia đình, khách đi nhỏ lẻ.

Chuẩn bị cho lộ trình này, các doanh nghiệp lữ hành khai thác mảng inbound và một số địa phương đã và đang gấp rút xây dựng kế hoạch dài hơi với những sản phẩm chủ lực mới. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours, hiện doanh nghiệp đang xây dựng tour liên quốc gia với điểm đến Hà Nội (Việt Nam), Lào, Campuchia, Thái Lan, sau đó quay trở lại TP.HCM để về nước.

Thông tin từ Vietluxtour cho biết, chính sách visa mới sẽ là tiền đề để Việt Nam thu hút dòng khách châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy, vốn đều là nhóm khách có thói quen du lịch dài ngày. Hiện Vietluxtour đang tiếp tục đa dạng hoá các tuyến xuyên Việt, tập trung vào đặc trưng văn hoá, ẩm thực và sự độc đáo của điểm đến. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tối ưu về giá và loại hình dịch vụ đối với các sản phẩm nghỉ dưỡng, du lịch biển để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khách mục tiêu như châu Âu, Mỹ, Australia... cho mùa cao điểm. Trong đó các tuyến xuyên Việt có thể từ 15 - 20 ngày hoặc dài hơn; còn các kỳ nghỉ dưỡng biển thì có thể từ 1-2 tháng.

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cũng chia sẻ, hiện đơn vị đang gấp rút xây dựng loạt sản phẩm mới để đón mùa cao điểm khách quốc tế sắp tới, với chiến lược bán xa, tour dài ngày hơn và đưa khách đi nhiều nước sau đó về Việt Nam nghỉ dưỡng biển. Ông Phạm Hà kỳ vọng chính sách thị thực mới vừa được thông qua không chỉ thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam mà còn giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều du khách hơn so với các quốc gia đang cạnh tranh.

CƠ HỘI XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH DÀI HƠI

Với tiềm năng sẵn có, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển các tour du lịch dài ngày. Tuy nhiên, để bước đi vững vàng đang cần nhiều thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Cùng với chính sách phía Nhà nước, các doanh nghiệp dịch vụ cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ và học hỏi chiến lược phát triển du lịch từ các nước có thế mạnh để đẩy mạnh chi tiêu từ khách du lịch quốc tế trong mùa cao điểm cuối năm nay.

Theo Tổng Giám đốc AB Travel, điều mà hầu hết doanh nghiệp đang mong muốn là các sở, ban ngành ở các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch truyền thông chính sách mới và quảng bá hình ảnh Việt Nam rộng rãi đến các đối tác và du khách quốc tế. Qua đó, doanh nghiệp có thêm cơ sở để thực hiện chiến lược xúc tiến du lịch dài hơi và bài bản hơn cho các thị trường trọng điểm.

Với tiềm năng sẵn có, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển các tour du lịch dài ngày.
Với tiềm năng sẵn có, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển các tour du lịch dài ngày.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, việc Quốc hội thông qua sửa đổi luật xuất nhập cảnh với chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai thị thực điện tử, tăng thời hạn lưu trú đối với người nước ngoài ở Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp du lịch, đây là một cơ hội tốt để họ xây dựng lại những sản phẩm du lịch kéo dài hơn, thu hút những thị trường khách du lịch có những khả năng chi trả cao, cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hơi. Trên cơ sở đó, tạo nên sức hút đối với những điểm đến của Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách thị thực được tháo gỡ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế là cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa. Những giải pháp xuyên suốt từ việc tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; triển khai công tác xúc tiến quảng bá mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn; đặc biệt là phải đảm bảo an ninh an toàn trong công tác quản lý điểm đến; cả những chính sách liên quan đến tạo điều kiện thuận lợi cho khách khi du lịch tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa là chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực du lịch vừa đáp ứng nhu cầu đủ về số lượng vừa đảm bảo chất lượng, từ đó mới tạo nên dịch vụ chất lượng cung cấp cho khách. Chúng ta cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả mọi mặt của ngành… “Tổng hòa tất cả các nội dung đó mới tạo được những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, hấp dẫn, nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng như tạo sức hút lớn cho ngành du lịch thời gian tới”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate