August 07, 2023 | 10:38 GMT+7

Doanh nghiệp TP.HCM kỳ vọng vào 5 tuyến du lịch đường sông mới

Tường Bách -

Thông qua Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng TP.HCM sẽ có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc hơn để du lịch đường sông không chỉ là “tiềm năng” mà trở thành sản phẩm tạo sự khác biệt...

Ảnh: Vietluxtour
Ảnh: Vietluxtour

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất là cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, kết nối hành trình trải nghiệm trên sông và các tour, tuyến từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, tạo nên những mô hình kinh tế du lịch đa dạng và phát triển.

NHIỀU TOUR SÔNG NƯỚC ĐƯỢC ĐƯA VÀO KHAI THÁC

Tại sự kiện này, 5 tour du lịch đường sông mới được Sở Du lịch TP.HCM giới thiệu gồm tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Bình Quới, tuyến du lịch Củ Chi, Cần Giờ (xuất phát từ Bến Bạch Đằng), tuyến kết nối đến các tỉnh Đông Nam bộ, miền Tây hay sang Campuchia.

Theo đó, các sản phẩm du lịch đường thuỷ của TP.HCM cung cấp trải nghiệm về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái điển hình lưu vực một số con sông lớn là sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu và Phú Quốc - đảo ven bờ lớn nhất Việt Nam.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, 5 sản phẩm du lịch đường sông mới được trải đều trên các tuyến chính của thành phố, từ trung tâm nội thành đến các điểm ngoại thành và cả Đông - Tây Nam Bộ. Đây sẽ là những sản phẩm tiềm năng, tạo thêm cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về TP.HCM cho du khách trong và ngoài nước, là cơ sở để kết nối các tuyến liên vùng trong tương lai.

Hiện đại diện một số công ty du lịch tại TP.HCM cho biết các tour du ngoạn sông Sài Gòn hiện có xu hướng tăng khá tốt, tiềm năng hút cả khách nội địa và quốc tế, đem lại kỳ vọng về doanh thu cho các doanh nghiệp. Mỗi tháng, trung bình một doanh nghiệp lữ hành có thể đón khoảng 3 - 4 đoàn từ 5 - 20 khách từ các thị trường Âu, Mỹ, Australia và khách du lịch nội địa. Thời gian tham quan thường kéo dài từ nửa ngày đến một ngày.

Các tour du ngoạn sông Sài Gòn hiện có xu hướng tăng khá tốt, tiềm năng hút cả khách nội địa và quốc tế.
Các tour du ngoạn sông Sài Gòn hiện có xu hướng tăng khá tốt, tiềm năng hút cả khách nội địa và quốc tế.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc thông tin: “Thời gian gần đây, chúng tôi tổ chức rất nhiều tour đêm ngắm cảnh sông Sài Gòn. Hầu như tối nào chúng tôi cũng có tour, cả nhóm nhỏ và nhóm đông lớn và có đội ngũ thuyết minh. Điều này chứng tỏ nhu cầu của du khách với loại hình du lịch đường sông khá cao”.

Ông Trần Quang Duy, Giám đốc CTCP Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt cũng chia sẻ: “Gần đây nhất chúng tôi vừa ra mắt sản phẩm thăm quận 4 cù lao giữa lòng phố thị. Khi tham gia tour, du khách có thể trải nghiệm ngắm cảnh, ăn uống trên du thuyền và ngắm hoàn hôn trên sông Sài Gòn. Sắp tới, sẽ còn rất nhiều tour sông nước được chúng tôi tiếp tục khai thác”.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour cho biết, với sản phẩm tour chính là các tuyến tham quan sông Sài Gòn bằng du thuyền, mỗi tháng doanh nghiệp triển khai được khoảng 3 - 4 đoàn khách, tuỳ thời điểm. “Các chương trình tham quan sông nước Sài Gòn đi kèm với chùm city tour được công ty giới thiệu như một câu chuyện về thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Do đó, khi tham gia chương trình kích cầu du lịch TP.HCM, Vietluxtour sẽ có ưu đãi giảm giá 15%/sản phẩm từ tháng 7 - 11/2023”, bà Thu chia sẻ.

ĐIỂM NHẤN KINH TẾ TP.HCM

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Bảo Thu, sản phẩm du lịch đường sông của TP.HCM hiện còn hạn chế ở loại hình và sự đa dạng hoá, chủ yếu tập trung vào các chương trình ngắm cảnh và ẩm thực, còn thiếu những đặc trưng nổi bật của văn hoá sông nước Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng, nên đa phần chỉ phục vụ du khách một lần, khó tiếp thị lại. Bên cạnh đó, theo một số doanh nghiệp lữ hành, việc khai thác các sản phẩm tour tuyến vẫn còn rào cản về thủ tục, quản lý chồng chéo. Bến bãi neo đậu dành cho các phương tiện phục vụ du khách còn nhiều hạn chế.

Các sản phẩm du lịch đường thuỷ của TP.HCM cung cấp trải nghiệm về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử...
Các sản phẩm du lịch đường thuỷ của TP.HCM cung cấp trải nghiệm về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử...

Với lợi thế sở hữu đường bờ biển dài 23 km cùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc có mật độ lên tới 3,38 km/km2 và 80 km sông Sài Gòn chảy qua, ngành du lịch và ngành giao thông vận tải thành phố có thể phối hợp tổ chức nhiều tuyến du thuyền nội đô, tuyến tầm ngắn, tầm trung bằng buýt sông, tàu cao tốc. Ngành du lịch TP.HCM hiện đang đẩy mạnh phát triển nhiều hoạt động du lịch ven sông, định hướng thành đô thị sông nước giàu bản sắc. Lễ hội sông nước lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn đã đánh dấu bước chuyển mình cho quá trình này.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở du lịch TP.HCM cho biết TP.HCM hiện có 20 tour tuyến du lịch đang được khai thác trên sông. Tầm ngắn là hoạt động du lịch từ các bến trung tâm thành phố như bến Bạch Đằng, quận 1, bến Bình Quới, quận Bình Thạnh, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuyến tầm trung là các tàu đi từ trung tâm thành phố đến Củ Chi, Cần Giờ. Tuyến tầm xa đang liên kết với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và sang Phnom Penh, Campuchia.

Từ nay đến năm 2025, Sở du lịch sẽ cùng Sở giao thông vận tải TP.HCM triển khai phát triển thêm ít nhất 10 tour tuyến. Trước mắt thành phố làm mới về dịch vụ, điểm đến trên các tuyến đang khai thác. Bà Hoa đưa ví dụ khu đô thị Vạn Phúc, TP Thủ Đức, nằm trên tuyến tầm ngắn, trong khi tầm trung sẽ ra mắt các sản phẩm nhạc nước phục vụ du khách. Khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa, quận Bình Thạnh thuộc trung tâm thành phố sẽ thêm trải nghiệm như đi xe đạp quanh bán đảo, làm mới dịch vụ ẩm thực. Tuyến đi Củ Chi sẽ khai thác các điểm đến trên địa bàn quận 12, Hóc Môn.

Các tour, tuyến từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ tạo nên những mô hình kinh tế du lịch đa dạng và phát triển.
Các tour, tuyến từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ tạo nên những mô hình kinh tế du lịch đa dạng và phát triển.

Các cầu cảng 2, 3, 4 và cầu cảng B của cảng Ba Son, quận 1 được dự kiến khai thác trong thời gian tới, thêm tàu nhà hàng, tàu lưu trú trên sông. Sở du lịch cũng đang xin chủ trương cấp phép vị trí neo đậu trên sông Sài Gòn, đưa vào sử dụng 12 vị trí neo đậu ở cảng Cần Giờ để có cơ sở phát triển thêm tàu lưu trú, tàu dịch vụ trên sông theo hướng tuyến này. Cụm khu vực quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, cũng sẽ có thêm hướng tuyến mới từ Nhà Bè đi Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, kết hợp du lịch đường bộ và đường sông. Tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo cũng sẽ sớm được đưa vào khai thác…

"Từ đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông này, cảnh quan hai bên bờ sẽ được cải thiện, các hoạt động kinh tế dịch vụ được làm mới. Sông Sài Gòn sẽ thành biểu tượng văn hóa, điểm nhấn kinh tế TP.HCM", bà Hoa nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate