Tháng 9 vừa qua, đã có hơn 1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp ngành du lịch nước ta đón trên 1 triệu lượt khách nước ngoài. Tại Hội nghị Sơ kết công tác văn hoá, thể thao và du lịch 9 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, Bộ VHTTDL sẽ báo cáo Chính phủ để thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 đến 13 triệu lượt khách năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh phân tích, trong quý 3/2023 trung bình mỗi tháng ngành du lịch đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế, vì vậy trong những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng ít nhất có thể đón 1,1 - 1,2 triệu lượt khách quốc tế, nhất là trong tháng 12, vào dịp Giáng sinh và năm mới 2024. “Việc ngành du lịch Việt Nam sẽ đón thêm khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng cuối năm là hoàn toàn khả thi”, ông Khánh dự báo.
Nhận định về kế hoạch "chơi lớn" này, nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự lạc quan và khẳng định, ngành du lịch Việt Nam sẽ "chạy nước rút" thành công. Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, mục tiêu đón thêm 4 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn có thể đạt được bởi mùa cao điểm đón khách quốc tế mới chỉ bắt đầu.
“Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời điểm khách nước ngoài đến Việt Nam đông nhất, từ nay đến cuối năm 2023 và sang đến đầu năm 2024, lượng khách quốc tế sẽ ngày càng tăng trưởng. Ba tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ đón được khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế, kịp hoàn thành mục tiêu mới trước khi kết thúc năm 2023”, ông Nghĩa tỏ ra lạc quan.
Đồng tình với nhận định trên, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour Trần Thế Dũng cũng cho rằng, quý 4 hằng năm là mùa cao điểm đón khách inbound, cộng với xu hướng du lịch trên thế giới đang phục hồi nhanh chóng nên con số 13 triệu lượt khách quốc tế hoàn toàn khả thi và phù hợp. Hiện Vietluxtour đã có nhiều tour vào 3 tháng cuối năm phục vụ khách quốc tế.
Ở góc độ đơn vị kinh doanh lữ hành, bà Nguyễn Bích Hồng, giám đốc công ty TNHH du lịch Skysea, cho rằng việc điều chỉnh mục tiêu đón khách là điều rất bình thường. Các quốc gia đều có định hướng phát triển rõ ràng dựa trên biến động thực tế của thị trường và sẽ đặt ra mục tiêu mới để tạo động lực hồi phục. Cơ sở điều chỉnh lên mục tiêu mới cho du lịch Việt Nam là rất rõ khi những chính sách visa mới bắt đầu có hiệu lực cũng như sự phục hồi chung của du lịch thế giới.
"Với các điều kiện đi lại thuận tiện, chính sách visa thông thoáng, kinh tế dự báo sẽ phục hồi vào năm 2024, thị trường Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại... thì bước sang năm 2024, du lịch Việt Nam có thể đặt mục tiêu đón 18 - 20 triệu khách quốc tế", bà Hồng nói.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho biết việc nâng mục tiêu đón khách quốc tế sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, mở rộng thị trường. "Hầu hết doanh nghiệp luôn sẵn sàng để triển khai các kế hoạch đón khách và với những chính sách mới, thông thoáng về visa, và giờ có thêm động lực mới thì kỳ vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa các thị trường mới để thu hút thêm nhiều khách", ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.
Nhận định về nguyên nhân giúp ngành du lịch Việt Nam sớm vượt mục tiêu đón khách quốc tế, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, gần đây với chính sách cởi mở của Chính phủ, việc nới lỏng visa thông thoáng hơn đã thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. “Chúng ta đặt mục tiêu để phấn đấu khi có cơ sở như thế là rất tốt nhưng thực tế số khách du lịch đạt được hiện nay mới chỉ bằng khoảng 69% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19”, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm khuyến cáo
Vì thế theo ông Lâm, vẫn cần thêm những chính biện pháp, sách tháo gỡ bất cập. "Câu chuyện về thị thực, visa chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Khách quốc tế vào Việt Nam thường sẽ xem môi trường du lịch có thuận lợi không, có những điểm thu hút không hay các giá trị văn hóa có gì độc đáo? Nếu khách vào Việt Nam du lịch mà thời gian ở lại thì ngắn, không có nhiều dịch vụ để chi tiêu hay trong nhiều trường hợp an ninh xã hội chưa thật sự tốt thì khách đến một lần họ sẽ không quay lại nữa”, ông Lâm phân tích.
Trước đó, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cũng nhận định hoạt động du lịch vẫn chưa phục hồi một cách toàn diện, ngay cả ở các trung tâm du lịch lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nguyên nhân khách quan có thể kể đến như xung đột Nga - Ukraine, việc khách du lịch Trung Quốc chưa đến nước ngoài nhiều hay nguyên nhân chủ quan đó là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương vẫn hạn chế.
Bên cạnh đó, sau đại dịch, khách du lịch đã thay đổi xu hướng du lịch, tổng cầu suy yếu, chi tiêu ít và hoạt động ít. Do vậy, lượng khách du lịch có thể đã tăng lên nhưng hoạt động chưa hoàn toàn phục hồi. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, trong 3 tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung, đi sâu vào các giải pháp để thu hút khách quốc tế. Cục Du lịch quốc gia sẽ tham mưu để tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt là ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long…
Đặc biệt, cũng theo Phó Cục trưởng Cục Di lịch quốc gia Hà Văn Siêu, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá, đặc biệt là về chiều sâu để khai thác được "tệp khách chất lượng".
"Chất lượng ở đây là khai thác những khách hàng mục tiêu theo đúng sản phẩm thế mạnh. Chẳng hạn chúng ta có những thế mạnh về du lịch văn hoá, du lịch biển, du lịch sinh thái... thì cần lựa chọn được phân khúc thị trường mà khách yêu thích những giá trị này để có chương trình du lịch đậm chất hơn, dài ngày hơn và có chất lượng cao hơn", ông Hà Văn Siêu nói và cho biết công tác xúc tiến, quảng bá cần đi vào chiều sâu, kết nối chặt chẽ các điểm đến của Việt Nam với các doanh nghiệp lữ hành để tìm hiểu và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.