Nhằm tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, VCCA đã triển khai đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”. Đề án khảo sát, thu thập dữ liệu nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và thực hiện chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”.
ĐÃ CÓ 121 MÓN ẨM THỰC TIÊU BIỂU VIỆT NAM
Trong giai đoạn I năm 2022, đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh, thành phố, qua đó đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Trong đó, có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Hà Nội có 4 món ăn được vinh danh trong danh sách này, đó là: Phở Hà Nội, bún ốc (bún ốc nguội, bún ốc nóng), cốm làng Vòng (bánh cốm, chè cốm, xôi cốm, chả cốm) và bún thang.
TP.HCM có 5 món ẩm thực: cơm tấm Sài Gòn, bánh mì Sài Gòn, lẩu mắm, món cuốn Sài Gòn, mì xào giòn. Thừa Thiên - Huế có 6 món: bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc vả nộm hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay. Tại các tỉnh miền Tây, tàu hủ ky chiên giòn, cá cóc kho nước dừa (Vĩnh Long), lẩu cá trái bần (Cần Thơi), cua nướng muối tuyết (Cà Mau), bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh),... đều xuất hiện trong danh sách.
Tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, việc công bố danh sách các món ăn tiêu biểu của Việt Nam là rất cần thiết để nâng cao chất lượng ẩm thực cho các địa phương. Theo đó, ông Phúc cũng chia sẻ các giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực.
Ông Phúc cho hay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng. Trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống; chia sẻ với du khách về không gian ăn, hay những văn hóa ứng xử trong khi ăn theo truyền thống của người Việt...
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, chia sẻ: với các món ẩm thực được trao chứng nhận, Hiệp hội mong muốn các địa phương, đơn vị xây dựng đề án, kế hoạch để tiếp tục phát triển, lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị văn hóa ẩm thực, hình thành thế mạnh của mỗi địa phương. Hiệp hội mong muốn có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp để thúc đẩy, đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia, thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam.
BẢN ĐỒ ẨM THỰC TRỰC TUYẾN QUỐC GIA
Mặc dù ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhiều món ăn tốt cho sức khỏe, mang tính đặc trưng cao, tuy nhiên vị thế của ẩm thực Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới lại chưa xứng với thực lực và tiềm năng vốn có.
Khi nói đến ẩm thực châu Á người ta nhớ ngay đến món Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc, còn trong khu vực Đông Nam Á sẽ nói đến món Thái. Một trong những lý do ẩm thực Việt Nam vẫn chưa định hình trên bản đồ thế giới là bởi cách quảng bá của chúng ta vẫn chưa đủ tốt. Phở, nem, chả giò, các món cuốn, bánh mỳ kẹp… được nhiều khách du lịch quốc tế biết đến, nhưng vẫn còn là quá ít với những gì ẩm thực Việt đang sở hữu.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đã từng đề xuất Bộ Ngoại giao thông qua các Đại sứ quán có thể xúc tiến giới thiệu ẩm thực Việt Nam từ các nhà hàng Việt Nam. Chúng ta cần phải chinh phục thế giới qua ẩm thực bằng nhiều kênh quảng bá khác nhau.
Trong đó, ngoài các kênh truyền thông, hệ thống nhà hàng Việt Nam sẵn có trên khắp thế giới là kênh cực kỳ quan trọng. Hệ thống hơn 150.000 nhà hàng/quán ăn của người Việt trên thế giới ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ, mỗi tuần chỉ cần chọn một nhà hàng để tổ chức sự kiện giới thiệu ẩm thực Việt Nam thì chiến dịch này có thể thực hiện một cách dài hơi và hiệu quả.
Được biết, giai đoạn 2023, đề án sẽ được triển khai thực hiện các nội dung như: Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thức đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực; từng bước định hình chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực địa phương… Giai đoạn 2024, đề án sẽ triển khai chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ ẩm thực Việt Nam. Đồng thời, hướng đến xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách tham quan trong tương lai nếu được các tỉnh thành, nhà đầu tư quan tâm.
Theo TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Các khoa học liên ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện tại chưa có địa phương nào công bố một bản đồ ẩm thực trực tuyến chính thức với các chuỗi điểm đến ẩm thực. Điều này cũng một phần do việc kiểm kê di sản văn hóa ẩm thực ở các địa phương vẫn gần như bất động.
Hà Nội mới chỉ lên danh sách được một phần nào di sản văn hóa ẩm thực của thủ đô; mặc dù vậy, việc này cũng đang dừng lại vài năm nay. Huế đang có những nghiên cứu về ẩm thực, vì thành phố này có khả năng trở thành Thành phố sáng tạo về ẩm thực. Hải Phòng có một bản đồ vài trang giới thiệu foodtour Hải Phòng, trong đó, có một số món kèm theo địa chỉ để du khách có thể tìm đến…
Tại tọa đàm “Nước mắm Việt - Nâng tầm ẩm thực Việt” nằm trong khuôn khổ chương trình “Festival Thu Hà Nội" mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc, cũng chia sẻ: giống như con người, có tên gọi, có lý lịch, có quá trình phát triển..., nên tiêu chí về lịch sử, nguồn gốc xuất xứ món ăn hết sức quan trọng. Ví dụ, một bát phở, mỗi thời, mỗi vùng miền lại khác nhau, mỗi người ăn cũng có một gu, một khẩu vị khác biệt, rất đa dạng.
Nhưng trong cái đa dạng, chúng ta không thể để nó hỗ loạn, tự phát được, mà phải sắp xếp lại để ngay cả những thực khách lạ khi lần đầu thưởng thức cũng có thể tiếp cận được và hiểu về nó. Bên cạnh đó ẩm thực là cảm nhận, khám phá, thậm chí là sự chinh phục, nên ẩm thực không có đỉnh cao. Do đó, cần tập trung vào sự khác biệt, tính đa dạng của văn hóa ẩm thực để phát triển bền vững.