Theo báo cáo mới công bố của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua tổng hợp từ công đoàn cơ sở, đa số các doanh nghiệp đều có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Âm lịch 2023 cho người lao động.
Trong đó, về thưởng Tết Dương lịch, mức thưởng trung bình năm 2023 thấp hơn khoảng 5% so với năm 2022, đạt khoảng 1,3 triệu đồng/người. Về thưởng Tết Âm lịch, mức thưởng năm 2023 tương đương năm 2022, khoảng một tháng lương của người lao động, tương đương 6,2 triệu đồng/người.
Một số doanh nghiệp có mức thưởng giảm sâu so với năm 2022 như dệt may, da giày, chế biến gỗ với mức giảm từ 10 – 20%. Mức thưởng Tết cao thuộc về các doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; tài chính – ngân hàng; thương mại; chế biến thực phẩm; sản xuất bao bì, nhựa…Một số doanh nghiệp trong tình trạng chờ giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên nhiều người lao động không có thưởng Tết.
Trước đó, báo cáo thưởng Tết năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố hồi cuối tháng 12/2022 cũng ghi nhận, do Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm 2023 khá gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào thưởng Tết Âm lịch, dẫn đến tiền thưởng Tết Dương lịch cũng giảm, bằng 91% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2022. Trong khi đó, tiền thưởng Tết Âm lịch lại tăng 11% so với Tết Âm lịch năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người).
Về tiền lương năm 2022 của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết cũng có được cải thiện so với năm 2021. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng với việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng (khoảng 6%) và 3 quý đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên đà phục hồi đã giúp cải thiện tiền lương, thu nhập của người lao động. Theo đó, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tăng khoảng 6,2% so với năm 2021 (7,78 triệu đồng/tháng).
Bất chấp những khó khăn của năm 2022, tiền lương, thu nhập của người lao động tính chung năm 2022 vẫn tăng cũng được thể hiện qua số liệu trong báo cáo về tình lao động, việc làm năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 10/1 mới đây.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927.000 đồng so với năm trước và tăng 759.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950.000 đồng so với năm trước và tăng 830.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914.000 đồng so với năm trước và tăng 709.000 đồng so với cùng năm 2019.
Năm 2022 cũng chứng kiến sự tăng trưởng ở hầu hết các ngành kinh tế, thu nhập của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế so với năm 2021, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập cao nhất.
Thu nhập của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất, tăng 17,6% (tương ứng tăng 1,1 triệu đồng/người/tháng); lao động làm việc trong ngành dịch vụ tăng 15,4% (tương ứng tăng 1,0 triệu đồng/người/tháng). Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,8% (tương ứng tăng 448.000 đồng).
So với cùng kỳ năm 2021, một số ngành kinh tế có tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tăng trưởng khá nổi bật như: Lao động làm việc trong ngành vận tải kho bãi; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy...
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương năm 2022 là 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm trước, tương ứng tăng 992.000 đồng. So với cùng kỳ năm 2019, khi Covid-19 chưa xuất hiện, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng 12,7%, tương ứng tăng khoảng 847.000 đồng.
Thu nhập bình quân của lao động làm công hương lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,23 lần thu nhập bình quân của lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng.