Xu hướng chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo
Theo Ủy ban Năng lượng của AmCham, 54% năng lượng tại Việt Nam là năng lượng tái tạo, thuộc top hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, để đưa 54% này sử dụng trong thực tế lại là một thách thức rất lớn và Việt Nam mới đang sử dụng một phần rất nhỏ trong số này. Do đó, điều Việt Nam cần làm là tận dụng tiềm năng sẵn có về năng lượng tái tạo, thúc đẩy khu vực tư nhân, doanh nghiệp cùng tham gia vào lĩnh vực này.
“Phải thừa nhận rằng, trong vài năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia triển khai năng lượng xanh mạnh mẽ nhất trên thế giới”, ông John Rockhold, đồng Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của AmCham nói.
“Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” do Chính phủ ban hành đã xác định các nhiệm vụ gồm: giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Cùng với chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030” với mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, thân thiện với môi trường cũng như tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới Net Zero có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.
Trong tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh, doanh nghiệp tại Việt Nam có nhiều lựa chọn giải pháp phù hợp với đặc thù và năng lực của mình, bao gồm: Phát triển năng lượng tái tạo như thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, mặt trời; phát triển nhiệt điện sinh khối, điện rác, điện khí sinh học; phát triển công nghệ nhiệt điện cực siêu tới hạn...
Tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam
Năng lượng sinh khối (Biomass) là một loại năng lượng tái tạo được sản xuất từ các nguồn tài nguyên hữu cơ (sinh khối) như cây trồng, chất thải nông nghiệp, chất thải hữu cơ và các tài nguyên sinh học khác. Ngày nay, sinh khối chủ yếu dùng để tạo ra nhiệt hoặc điện năng.
Đầu năm 2022, Tập đoàn Koehler ở Oberkirch (Đức) cho biết, họ đã phát triển một công nghệ sinh khối mới, cho phép sản xuất năng lượng để cung cấp ngay cho các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Công nghệ này cho phép Koehler mở ra một hướng đi mới, giúp chuyển đổi năng lượng từ việc đốt than sang năng lượng sinh học.
Tương tự, nhà máy điện Drax ở North Yorkshire (Anh) cũng đã thực hiện thành công dự án khử carbon lớn nhất của châu Âu, giúp chuyển đổi một phần từ than đá sang sinh khối, tạo ra lượng điện cung cấp 6% nhu cầu năng lượng của Vương quốc Anh. Còn tại EU, nhiên liệu sinh khối đã cung cấp 60% hệ thống sưởi và nhu cầu sử dụng điện.
Sự thành công của Koehler và Drax đang truyền cảm hứng cho các nhà cung cấp năng lượng và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới nhằm hướng đến mục tiêu năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường.
Mới đây, trong “Cam kết E8 từ Bridgestone” hướng đến năm 2030, Công ty TNHH Sản xuất Lốp xe Bridgestone Việt Nam (BTMV) vừa chính thức công bố định hướng chuyển sang 100% năng lượng tái tạo trong các công đoạn cần dùng hơi nước. Theo đó, nhà máy sẽ dần chuyển từ sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) sang năng lượng sinh khối. Quá trình chuyển đổi được dự kiến hoàn tất vào tháng 11/2023.
“Việc bán sản phẩm từ BTMV không chỉ góp phần phát triển cộng đồng xã hội mà còn giảm phát thải CO2 trong sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, các tiêu chuẩn toàn cầu về tính năng sản phẩm cũng được đảm bảo cho khách hàng”, ông Naoki Inutsuka, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Lốp xe Bridgestone Việt Nam chia sẻ.
Công ty này cũng cho biết, Việt Nam có nguồn nguyên liệu năng lượng sinh khối dồi dào, với hơn 160 triệu tấn sinh khối mỗi năm từ ngành trồng trọt bao gồm: rơm rạ, bã mía và trấu. Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã sử dụng rơm rạ, vỏ trấu làm những nguyên liệu để ủ phân bón cho cây trồng, hoặc áp dụng cho những mô hình hầm biogas. Ngày nay, những phụ phẩm này còn được dùng để tạo ra năng lượng sạch. Đây là một lợi thế quan trọng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những thách thức liên quan đến sự biến động theo mùa của giá cả nguyên liệu, nhu cầu vốn đầu tư và lao động có kỹ năng nên việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng này còn khá hạn chế.
Hiện tại, dự án lớn và đáng chú ý nhất là Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái trị giá 20 triệu USD. Dự án do Công ty Cổ phần Erex (Nhật Bản) và Công ty Năng lượng xanh Sakura làm chủ đầu tư, với quy mô 3 ha. Mục tiêu của Dự án là sản xuất viên nén sinh khối với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm; kinh doanh 350.000 tấn sản phẩm dăm gỗ/năm.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Trên thực tế, hoạt động đốt nguyên liệu như rơm rạ, bã mía, vỏ trấu vẫn sản sinh CO2. Tuy nhiên, khác với các nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu sinh khối gần như cháy hoàn toàn ở nhiệt độ cao nên không sản sinh thêm các loại khí độc hại khác và việc xử lý CO2 cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Đại diện BTMV cũng cho biết, khói của lò hơi sẽ được xử lý lọc tách bụi bằng hệ thống túi lọc đặc biệt nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý môi trường đối với khí thải. Phần chất thải là tro sẽ được thu gom và xử lý như rác thải sinh hoạt thông thường do không có chứa chất nguy hại nào. Theo tính toán, Bridgestone đã đạt được mức giảm phát thải hơn 92% so với việc sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LPG) trước đây.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của “Ô tô hóa”. Theo các chuyên gia, thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới, kéo theo nhu cầu sử dụng lốp xe ngày càng lớn. Việc vừa đảm bảo nguồn cung, vừa cân bằng yếu tố bảo vệ môi trường sẽ là một thách thức đối với các nhà sản xuất. Do đó, không chỉ dừng lại ở chuyển đổi năng lượng sử dụng mà ngay cả quy trình sản xuất cũng phải được “xanh” hóa.
Tập đoàn Bridgestone cho biết, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các nguồn tái chế hoặc tái tạo lên đến 40%. Trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, nhiều giải pháp sẽ được áp dùng nhằm kéo dài tuổi thọ lốp, sử dụng tài nguyên tái tạo, tái sử dụng, tái chế, sửa chữa và chia sẻ. Để đạt được mục tiêu tái chế lốp xe đã qua sử dụng, Bridgestone đã khởi đầu Sáng kiến EVERTIRE, với mục tiêu tạo ra một xã hội nơi giá trị của lốp xe liên tục tuần hoàn.
Theo Báo cáo của Ủy ban Biến đổi khí hậu (IPCC) trực thuộc Liên Hợp Quốc, sinh khối có vai trò quan trọng, nhưng nó phải có nguồn gốc bền vững và được hỗ trợ bởi các công nghệ sinh học thu giữ carbon thích hợp. Một sai lầm đó là sử dụng gỗ cây, rễ cây để tạo nên các viên gỗ nén. Điều này có thể dẫn đến tình trạng chặt phá rừng bừa bãi tại các cánh rừng. Thay vào đó, những phụ phẩm nông sản như bã mía, trấu, rơm rạ ở các nước có ngành nông nghiệp phát triển lại bền vững và thân thiện với môi trường hơn.