Ryosuke Yamamoto đang có cuộc sống trong mơ. Chỉ với khoảng 25.000 yên (160 USD) mỗi tháng, thanh niên 25 tuổi đang làm việc tại công ty bảo hiểm Nippon Life Insurance này thuê được một căn phòng đơn có bếp và phòng tắm khép kín tại ký túc xá của công ty. Nơi này nằm ngay trung tâm thủ đô Tokyo và chỉ cách văn phòng 20 phút đi tàu điện.
Vào các đêm thứ Sáu, Yamamoto vui chơi cùng đồng nghiệp tại khu vực chung của ký túc xá, chơi video games trên TV màn hình rộng và uống bia mua từ máy bán hàng tự động. Chi phí đỗ xe và tiện ích khác đã bao gồm trong giá thuê phòng, nên Yamamoto dành được nhiều tiền cho các thú vui khác như thường xuyên chơi golf cùng bạn bè. Tháng 10 năm ngoái, anh đã đi du lịch ở Italy.
“Phúc lợi của công ty rất tuyệt, giúp tôi có thể dành tiền chi tiêu vào những thứ khác”, Yamamoto, bắt đầu làm việc tại Nippon Life Insurance vào năm 2022 sau khi tốt nghiệp ngành luật và khoa học chính trị. Hiện anh làm trợ lý giám đốc tại phòng phát triển nguồn nhân lực.
CUỘC ĐUA PHÚC LỢI
Trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu lao động trầm trọng do già hóa dân số và nhiều yếu tố khác, các doanh nghiệp như Nippon Life đang tung ra nhiều phúc lợi hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân sự trẻ. Công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản đã xây một khu ký túc xá cho nhân viên nam quy mô 200 phòng tại khu vực trung tâm gần công viên Tokyo Disneyland vào năm 2023. Nhân viên công ty sống tại đây chỉ phải trả giá thuê thấp hơn 2/3 so với giá thuê nhà trong khu vực. Công ty này cũng thuê các chung cư khác để cung cấp chỗ ở giá rẻ cho nhân viên nam.
Theo một nghiên cứu của tổ chức độc lập Recruit Works Institute, với tỷ lệ sinh liên tục giảm, lượng lượng lao động tại Nhật được dự báo sẽ giảm nhanh từ năm 2027. Tới năm 2040, nước này có thể thiếu hơn 11 triệu lao động.
Dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy trong 3 thập kỷ qua, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 20-24 tại nước này đã giảm 36% xuống còn 4,7 triệu người vào năm 2023.
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng thắt chặt do thiếu nhân lực, các doanh nghiệp tìm cách săn đón sinh viên đại học nhiều tháng trước khi họ tốt nghiệp. Theo dự cáo của viện nghiên cứu Shushoku Mirai Kenkyusho, hơn 40% sinh viên Nhật Bản dự kiến tốt nghiệp vào tháng 3/2025 đã có ít nhất một lời mời làm việc toàn thời gian. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2016.
Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang trong cuộc chiến giữ chân người lao động. Dù theo truyền thống từ xưa tới nay, người lao động tại Nhật thường dành toàn bộ sự nghiệp của mình tại một công ty, nhưng gần 35% người trẻ tốt nghiệp năm 2021 đến nay đã nhảy việc sau ba năm gắn bó tại một công ty – theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
“Cuộc đua không chỉ dừng lại ở việc đưa ra lời mời làm việc. Chúng tôi phải liên tục cho ứng viên thấy chúng tôi muốn họ đến mức nào và công ty của chúng tôi hấp dẫn ra sao”, ông Yuichi Shimada, Phó tổng giám đốc bộ phận phát triển nguồn nhân lực của Nippon Life. Shimada, cho biết. “Các sinh viên mới tốt nghiệp thường có 5-10 lời mời làm việc và họ thường ra quyết định vào phút chót. Ngày càng khó để giành được họ”.
Trên thực tế, các ký túc xá doanh nghiệp và nhà ở trợ giá dành cho gia đình nhân viên ở Nhật đã có từ lâu. Nhưng các hình thức nhà ở nhà bắt đầu giảm dần sau khi đạt đỉnh vào đầu những năm 1990 khi các công ty cố gắng giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro bất động sản mất giá trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Theo một nghiên cứu của Cơ quan Nhân lực Quốc gia Nhật Bản, vào năm 2022, chỉ có gần 42% doanh nghiệp cung cấp loại hình nhà ở như vậy, giảm so với tỷ lệ gần 64% năm 2004.
Theo khảo sát của Mitsubishi UFJ Trust & Banking Corp, hiện tại, ngày càng nhiều công ty đang cân nhắc tăng cường cung cấp chỗ ở như vậy cho nhân viên để thu hút nhân tài từ các khu vực xa xôi của đất nước.
Công ty thương mại Itochu Corp. đã có 4 ký túc xá nhân viên tại các địa điểm khác nhau trước xây một ký túc xá mới tại thành phố Yokohama vào năm 2018, dành cho tất cả nhân viên nam trẻ. Cơ sở mới này chỉ cách văn phòng chính của công ty tại Tokyo 30 phút đi tàu, phục vụ bữa sáng và bữa tối hàng ngày. Tại đây cũng có một quán cà phê và phòng xông hơi. Itochu có kế hoạch mở thêm một ký túc xá dành cho nhân viên nữ vào năm 2025.
Còn công ty sản xuất linh kiện điện tử TDK Corp., đã xây xong một ký túc xá tại tỉnh Akita, phía Bắc Nhật Bản, vào năm 2024.
VẤN ĐỀ SỐNG CÒN
Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2022, chỉ 9,4% dân số Nhật nằm trong độ tuổi từ 15-24. Tỷ lệ này tại Hàn Quốc là 10,4%, Anh là 11,7% và Mỹ là 13,3%.
“Việc tuyển dụng nhân sự trẻ tại Nhật đặc biệt khó khăn. Xu hướng này được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi dân số tiếp tục già đi, trong khi tỷ lệ sinh không những không tăng mà còn giảm”, ông Rachna Ratra, giám đốc công ty tuyển dụng Robert Walters tại Tokyo, cho biết.
Với nhiều công ty, đặc biệt là công ty vừa và nhỏ, đây là vấn đề sống còn. Trong giai đoạn từ tháng 3-9/2024, Nhật Bản ghi nhận số lượng doanh nghiệp phá sản cao nhất kể từ năm 2013. Trong số 4.990 doanh nghiệp phá sản giai đoạn này, 163 công ty cho biết khó khăn về nhân lực là lý do khiến họ sụp đổ - theo dữ liệu từ Teikoku Databank.
Cạnh tranh gay gắt đến mức một số công ty cung cấp phúc lợi cho sinh viên mới tốt nghiệp kể cả trước khi họ vào làm việc. Alsok, nhà cung cấp dịch vụ an ninh có trụ sở tại Tokyo, cung cấp cho nhân viên tương lai phiếu giảm giá để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn và quán karaoke kèm theo lời mời làm việc.
“Dù sinh viên nhận được nhiều đề nghị làm việc, họ chỉ có thể lựa chọn một”, ông Takayuki Ohno, giám đóc bộ phận tuyển dụng của Alsok, cho biết. “Chúng tôi cần phải làm hết sức để trở thành công ty đó”.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều công ty thu hút nhân sự bằng cách giúp họ trả khoản vay sinh viên. Theo số liệu từ Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, số lượng công ty có hỗ trợ như vậy đã tăng gấp đôi trong năm qua lên 2.600.
Tokyo Energy & Systems Inc., công ty xây dựng nhà máy điện, trả thêm cho nhân viên 20.000 yên mỗi tháng để họ trả khoản vay sinh viên, với tổng số tiền tối đa là 3,6 triệu yên (22.800 USD).
“Sự hỗ trợ đó thực sự là nhân tố quyết định khiến tôi vào làm việc tại công ty này”, Hideo Neshiro, người vừa tốt nghiệp đại học năm 2024 và có 5 lời mời làm việc trước khi quyết định đầu quân cho Tokyo Energy, chia sẻ. Thanh niên 23 tuổi này kỳ vọng sẽ làm việc tại đây cho tới khi nghỉ hưu.
Cuộc đua thu hút nhân lực đang bất bắt đầu mở rộng sang chiến địa tiền lương, sau nhiều thập kỷ giảm phát khiến mức lương tại Nhật thấp hơn đáng kể so với tại các nền kinh tế lớn khác. Năm 2023, mức lương bình quân tại nước này là 46.792 USD, so với 80.115 USD tại Mỹ và 57.617 USD tại Anh – theo dữ liệu mới nhất từ OECD.
Do lạm phát tăng lên và thị trường lao động tiếp tục thắt chặt, mức lương tại Nhật đang bắt đầu tăng lên. Nippon Life dự kiến tăng lương cho nhân viên kinh doanh thêm khoảng 6% trong năm tới, còn Tokyo Energy đang cân nhắc nâng mức lương cơ sở sau cuộc đàm phán lương vào mùa xuân.
“Tuyển dụng người trẻ là vấn đề lớn nhất tại công ty chúng tôi”, ông Takashi Imai, giám đốc nhân sự của Tokyo Energy, cho biết. “Ngày càng nhiều công ty phá sản do không tăng lương và không tuyển đủ nhân sự”.