April 03, 2025 | 16:22 GMT+7

Doanh nghiệp phấp phỏng trước quyết định thuế đối ứng của Mỹ

Nguyễn Hoài -

Trao đổi nhanh với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết nếu Mỹ đánh thuế cao với điều Việt Nam mà không làm vậy với châu Phi thì điều Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh. Một doanh nghiệp dệt may cho biết đã chủ động đa dạng thị trường từ 2 năm trước nên không bị ảnh hượng nặng nề...

Ngành điều phấp phỏng trước mức thuế đối ứng cuối cùng của Mỹ
Ngành điều phấp phỏng trước mức thuế đối ứng cuối cùng của Mỹ

Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết trong năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều đạt khoảng 4,7 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng hơn 20% và nước này cũng là thị trường lớn nhất của Việt Nam.

“Tôi chưa nắm được kỹ biểu thuế của Mỹ đánh lên hàng hóa Việt Nam nhưng những mức thuế cao của Mỹ thì thường đánh vào những mặt hàng như điện tử, những ngành có thể cạnh tranh hoặc gây phá giá tại Mỹ”, ông Hậu chia sẻ với phóng viên.

NGÀNH ĐIỀU "NGỘP THỞ" NẾU BỊ ÁP THUẾ MỨC CAO

Ông Hậu tỏ ra hy vọng sẽ có một cơ chế thuế dễ thở với ngành điều bởi Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ là điều nhân và đây là nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến thực phẩm tại nước này. Đối với những ngành chế biến thực phẩm thì Mỹ miễn thuế nhập khẩu nên hiện nay thuế suất là 0%.

 

“Tôi không biết kỳ này ông Trump có đánh thuế với điều hay không nhưng nếu có thì thuế suất cũng chỉ ở mức thấp”.

(Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam)

Tuy nhiên, ở một giả định khi bóc tách kỹ chi tiết, mức thuế suất ở mức cao, ông Hậu cho biết sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ, bởi lẽ hiện nay ở Châu Phi đang nổi lên vấn đề chế biến điều nhân và họ đã xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Những nước này từng bước cạnh tranh với điều Việt Nam. Nếu ông Trump đánh thuế cho ngành điều Việt Nam mà không đánh thuế cho ngành điều của châu Phi hoặc có sự chênh lệch về thuế suất, thì sự cạnh tranh giữa ngành điều Việt Nam và ngành điều của châu Phi sẽ khá căng thẳng, vì châu Phi có nhiều thế mạnh do họ có nguyên liệu tại nguồn.

Liên quan đến rủi ro tiền vay khi bị áp thuế ở mức cao, ông Hậu cho biết bất cứ ngân hàng nào khi cho vay đều dựa trên hiệu quả và an toàn vốn. Hiện tại, trong chuỗi hoạt động ngành điều, các hợp đồng vay ngân hàng bắt đầu được xác lập từ công đoạn nhập nguyên liệu thô. Khoảng 90% lượng điều thô nhập về chế biến được nhập từ châu Phi, Campuchia một số nước châu Á. Nếu ngành điều vẫn xuất khẩu tốt, lợi nhuận cao thì vẫn có uy tín với ngân hàng và ngược lại.

Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2024.
Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ năm 2024.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn dựa trên hiệu quả và điều quan trọng số một là nếu ngành điều vẫn bán được, vẫn có lời thì ngành điều vẫn có uy tín với ngân hàng ngay cả khi áp thuế.

LỐI THOÁT TỪ ĐA DẠNG THỊ TRƯỜNG

Với ngành dệt may, các thông tin về tác động đến nay vẫn đang chờ đợi ngành công thương công bố chi tiết. Tuy nhiên, trao đổi nhanh với VnEconomy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất may mặc Dony, cho biết tất cả vẫn phải đợi xem quá trình thương lượng diễn ra như thế nào thì lúc đó mới có kết quả cuối cùng, từ đó mới có thể đưa ra quyết định.

 

“Mình chỉ nên xem thông tin này dưới hình thức nghe và biết, theo tôi nghĩ chính sách này sẽ khó được áp dụng một cách chính thức với mức thuế suất như thế, bởi sẽ còn rất nhiều sự thay đổi khi có sự trao đổi của các lãnh đạo giữa các quốc gia với nhau”.

(Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất may mặc Dony)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về giả định Mỹ áp mức thuế suất 46% với ngành may mặc thì mức độ tác động tiêu cực như thế nào với ngành nói chung và doanh nghiệp Dony nói riêng, ông Phạm Quang Anh cho rằng với ngành may mặc, tác động sẽ rất lớn.

“Điều này sẽ tác động rất lớn lên ngành may mặc vì xuất khẩu sang Mỹ giống như bán sỉ nên chỉ cần chênh lệch khoảng 3-5% thôi thì đã là một con số lớn”, ông Quang Anh cho biết.

Còn với Dony thì tác động này không quá lớn. Hiện tại, Dony xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh số bán ra, nên nếu bị áp thuế thì sẽ giảm lợi nhuận một phần chứ không đến nỗi “sống chết phải có thị trường đó”.

“Nếu thị phần chiếm khoảng 40 - 50% trở lên thì điều này mới ảnh hưởng lớn đến Dony. Còn khoảng 20% thì điều này chỉ ảnh hưởng ở mức độ là có thể tăng trưởng tốt hay không thôi chứ không ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp”, ông Quang Anh cho biết.

Chia sẻ thêm, đại diện doanh nghiệp cho biết do chủ động lường đón những rủi ro trong kinh doanh quốc tế, Dony luôn xác định tinh thần sẵn sàng thích nghi với biến động, bởi vậy không tỏ ra bất ngờ trước quyết định thuế suất của ông Trump. Từ năm 2022, có tới 80% doanh số của doanh nghiệp ngoài tiêu thụ nội địa thì xuất khẩu sang Trung Đông, Nga, Đông Nam Á và châu Phi. 

"Khi chấp nhận đa dạng hóa thị trường thì tính tập trung không cao nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng có những khó khăn ban đầu, cùng với việc phải tối ưu để đạt được những hiệu quả về biên lợi nhuận cũng sẽ khó. Tuy nhiên, xác định đa dạng hóa nhiều thị trường còn hơn dồn hết về một thị trường để rồi doanh nghiệp tồn tại đến đâu thì không biết”, chủ doanh nghiệp Dony cho hay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate