Chiều ngày 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về 04 nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự.
Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường đối với 04 nội dung, gồm: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
KHÓ KHĂN LỚN NHẤT LÀ THỊ TRƯỜNG
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn TP. Hà Nội), cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ là “phần nổi của tảng băng”. "Phần chìm của tảng băng" chính là những doanh nghiệp đang hoạt động với khó khăn chồng chất và cần được quan tâm, gỡ vướng.
“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thị trường. Thị trường khó khăn dẫn đến tồn kho gia tăng, thiếu khả năng thanh khoản, nợ tăng cao, gây tác động dây chuyền lớn. Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, cần sử dụng một biện pháp quan trọng là giảm thuế, thúc đẩy thị trường phát triển”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều ngày 1/6.
Theo đại biểu Vũ Tiến lộc, hiện nay, thị trường thế giới đang khó khăn, nên việc tác động vào thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức, các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường sẽ không có nhiều tác dụng.
“Thị trường chúng ta có thể tác động được là thị trường trong nước. Trong những tháng qua, dù thị trường có tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, nhưng vẫn còn trong xu thế suy giảm”, đại biểu nhấn mạnh và cho rằng kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng.
Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ vừa giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp.
DOANH NGHIỆP RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG "TĂNG ĐỘT BIẾN ĐẾN MỨC BẤT THƯỜNG"
Cũng quan tâm tới thực trạng hoạt động của doanh nghiệp trong nước những tháng đầu năm nay, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) chỉ ra điều bất thường là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau.
“Đây là điều chưa từng thấy, theo dõi số liệu thống kê từ năm 2020, khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp đến nay thì hàng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường”, đại biểu cho biết.
Theo báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm, nếu bình quân mỗi tháng có khoảng 19,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, bao gồm thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì cũng có tới 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm tạm ngừng kinh doanh và làm thủ tục giải thể.
Tính chung 4 tháng có 78,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong số đó có khoảng 27.000 doanh nghiệp, khoảng 35% đã và đang làm thủ tục giải thể. Những số này cho phép nhận định một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Đại biểu cũng chỉ ra một điều bất thường nữa là con số bình quân 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là “mức tăng đột biến”, nếu so sánh với mức bình quân 11,9 nghìn doanh nghiệp vào năm 2022, 10.000 vào năm 2021, 8,5 nghìn vào năm 2020, 6 nghìn vào năm 1999.
Bất thường còn nằm ở chỗ thực trạng này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại biểu Trần Thị HIền, xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Thị Hiền cho biết dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng, doanh nghiệp vẫn gặp vô vàn khó khăn.
“Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi, thông suốt”, đại biểu chỉ ra.
Trước thực trạng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường “tăng đột biến đế mức bất thường”, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường “ở loại hình nào, lĩnh vực gì, quy mô vốn và nhân lực ra sao, nguyên nhân ngừng hoạt động”.
Trong đó, chú trọng đánh giá những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế, xem như cơ hội để có những giải pháp thực tế hơn, hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa để nuôi dưỡng trợ lực và phát triển kinh tế tư nhân.
ĐỀ NGHỊ TIẾP TỤC GIẢM THUẾ VAT 2% TỚI ÍT NHẤT NĂM 2024
Tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, cũng như mở rộng đối tượng hưởng chính sách này.
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP. Đà Nẵng) cho rằng việc tiếp tục cho triển khai chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.
"Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất", đại biểu Trần Chí Cường nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhất là tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất cho đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.
Chung quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới là khá lớn, nên để hỗ trợ bằng hình thức giảm thuế có hiệu quả và đủ thời gian phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Nam Định cho rằng, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.
MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIẢM THUẾ
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị áp dụng mức thuế xuất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.
"Việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, vì vậy nếu kích cầu từ việc giảm này tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế VAT", đại biểu nêu quan điểm. "Việc giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô cho thấy sự tác động tích cực và mạnh mẽ của các chính sách ưu đãi đến việc kích cầu và phát triển ngành này".