May 24, 2023 | 19:11 GMT+7

Nhiều ý kiến đề nghị kéo dài giảm thuế VAT 2% sang 2024

Trâm Anh -

Chiều 24/5, tại Chương trình kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục giảm thuế VAT 2%. Nhiều ý kiến cho rằng, cần kéo dài chính sách này sang năm 2024 và thúc đẩy đầu tư công để phục hồi sản xuất...

Việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng.
Việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng.

Trình bày báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, nhấn mạnh sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm từ quý 4/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách còn băn khoăn về các nội dung giải trình của Chính phủ khi đề xuất việc giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2023. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị các biện pháp kích cầu trong năm 2023 tập trung thêm tháo gỡ các nút thắt để tăng cường giải ngân và phát huy hiệu quả của chi đầu tư công trong gói phục hồi kinh tế hơn là tiếp tục các chính sách giảm thu ngân sách.

Về nội dung của chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cũng chưa đánh giá cụ thể các tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2023 như mục tiêu đặt ra.

Một số ý kiến khác cho rằng biện pháp giảm thuế VAT khi xây dựng Nghị quyết số 43/2022/QH15 ban đầu được Chính phủ đề nghị giảm ở mức 1%, thực hiện cho 2 năm 2022-2023, sau đó đã được điều chỉnh thành giảm 2% và chỉ thực hiện trong năm 2022 thay vì kéo dài 2 năm.

“Vào thời điểm tháng 5/2023, Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT cho nửa cuối năm 2023 sẽ gây tác động giảm thu ngân sách nhà nước theo dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Phần giảm thu này không được dự kiến trong gói chính sách của Nghị quyết số 43 cũng như trong dự toán ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội thông qua”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách lưu ý.

Do đó, chính sách giảm thuế VAT này cần được cân nhắc một cách thận trọng vì sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách nhà nước năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn, như báo cáo của Chính phủ.

Về tác động chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, trong quản lý thu thuế VAT, đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ, để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn đối với số thuế đầu vào đã nộp.

Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế VAT là từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra.

Do đó, “cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh.

 

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng lưu ý Chính phủ dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 do giảm thuế VAT là 24 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng dự kiến trong thời gian tới đây sẽ xem xét, tiếp tục ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 và dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. Chính sách giảm tiền thuê đất của năm 2022 đã được điều chỉnh lại theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Khoản giảm tiền thuê đất 3,5 nghìn tỷ đồng của năm 2022 sẽ được bù trừ vào số thuế phải nộp của năm 2023.

Đây là những khoản giảm thu không được dự kiến khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate