July 17, 2025 | 16:45 GMT+7

Doanh nghiệp sẽ có nhiều tour du lịch mới sau sáp nhập

Tường Bách -

Với việc vận hành chính quyền hai cấp, nhất là khi cấp Sở không còn Sở Du lịch chuyên biệt (chỉ một số tỉnh, thành phố đặc biệt còn giữ), các địa phương cần làm gì để “vẽ” lại bản đồ du lịch Việt?...

Tỉnh mới Lâm Đồng có một đặc khu ngoài biển Đông trên cơ sở huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận.
Tỉnh mới Lâm Đồng có một đặc khu ngoài biển Đông trên cơ sở huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, vì vậy các địa phương sau sáp nhập phải có giải pháp đầu tư xây dựng thương hiệu điểm đến một cách tổng thể, tạo sự khác biệt và tăng tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, nhất là với những dự án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh, du lịch thông minh… Doanh nghiệp lữ hành cũng cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được sự yêu cầu mới của ngành.

NHIỀU TOUR MỚI HẤP DẪN

Theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, điểm thay đổi cốt lõi sau sáp nhập đối với các doanh nghiệp lữ hành là ở tư duy thiết kế sản phẩm như chuyển từ “tour theo địa giới hành chính” sang “tour theo không gian du lịch và chủ đề trải nghiệm”.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều tour du lịch mới sau sáp nhập - Ảnh 1

Chẳng hạn như tour “Côn Sơn - Kiếp Bạc - Vịnh Lan Hạ - Cát Bà” kết hợp du lịch tâm linh, lịch sử và nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp; hay hành trình “Đà Lạt - Mũi Né - Tà Đùng” tạo thành tam giác vàng “Cao nguyên - biển - hồ trên núi” trong một tuyến tour liền mạch.

Tại miền Trung, nhiều hành trình khép kín được thiết kế như: Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn - Tam Thanh - Tây Giang (rừng Pơmu di sản, văn hóa Cơ Tu). Đặc biệt, tour kéo dài 5 - 7 ngày từ Đà Nẵng - Quảng Nam - Nam Giang - Tây Giang đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y…

Trước khi quyết định sáp nhập tỉnh/thành chính thức được áp dụng, Công ty du lịch Dalat Discovery đã khảo sát và mở rộng tour mới nối Đà Lạt (Lâm Đồng) – Tà Đùng (trước thuộc Đắk Nông, nay thuộc Lâm Đồng), kéo dài đến hồ Lăk và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ông Ngô Anh Tuấn, đại diện đơn vị, cho biết việc Đắk Nông sáp nhập với Lâm Đồng giúp việc xây dựng tour thuận tiện hơn, đặc biệt trong khâu làm việc với chính quyền.

Không chỉ tour liên tỉnh, những vùng đất mới sáp nhập cũng trở thành điểm đến lý tưởng cho việc phát triển các loại hình du lịch đặc thù. Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc công ty du lịch Jungle Boss, cho biết đã sớm nhìn thấy tiềm năng của Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị).

Khu vực này rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, tương đồng với các sản phẩm đơn vị đang khai thác tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Sau sáp nhập, công ty đẩy mạnh khảo sát suối Tà Đủ, rừng Phong Hương, Tà Puồng... và thiết kế sản phẩm mới cho nhóm khách trẻ, gia đình, và dân chuyên trekking.

Khe Sanh - Hướng Hóa thích hợp phát triển du lịch sinh thái.
Khe Sanh - Hướng Hóa thích hợp phát triển du lịch sinh thái.

Hướng tới lịch sử và thiên nhiên vùng miền, công ty Vietravel phát triển chuỗi tour xuyên Việt thế hệ mới gồm 6 chặng, mỗi chặng gắn với một câu chuyện văn hóa. Tại các địa phương như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Thanh Hóa… tour tập trung vào trải nghiệm bản địa, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao nguyên.

Các trung tâm như TP.HCM, Khánh Hòa, An Giang được bổ sung dịch vụ ẩm thực đêm, giải trí hiện đại. Đặc biệt là tour đường bộ quốc tế nối Đà Nẵng – cửa khẩu Bờ Y (giáp Campuchia và Lào) để mở rộng hành trình Đông Dương…

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc điều hành AZA Travel chia sẻ: “Việc hợp nhất địa phương giúp kết nối sản phẩm trở nên mạch lạc hơn, rút ngắn thời gian di chuyển và tăng trải nghiệm liên vùng”. AZA Travel cho biết trong quý 3 sẽ ra mắt tuyến “biển – núi – văn hóa miền Trung” tích hợp điểm đến của ba tỉnh ven biển sau sáp nhập dưới một thương hiệu du lịch chung.

KIẾN TẠO CHUỖI GIÁ TRỊ LIÊN HOÀN BỀN VỮNG

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu toàn ngành sớm định vị lại sản phẩm du lịch, vẽ lại bản đồ du lịch sau khi sáp nhập tỉnh, tỉnh mới phải có các sản phẩm du lịch đặc sắc, có độ lớn và chiều sâu, chậm nhất hoàn thành trong quý 3/2025.

Bên cạnh phát triển sản phẩm, Bộ trưởng lưu ý phải có sự liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp - chính quyền địa phương, không thể mạnh ai nấy làm. Du lịch phải gắn với cảm xúc, với những câu chuyện, làng nghề, văn hóa bản địa để tạo ra sản phẩm chạm tới trái tim du khách.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều tour du lịch mới sau sáp nhập - Ảnh 2

Nhìn nhận lợi ích với ngành du lịch sau khi sáp nhập tỉnh thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, chia sẻ trên nền tảng hành chính mới, các địa phương có thể dễ dàng phối hợp trong quản lý tài nguyên du lịch, kết nối hạ tầng, tổ chức tour tuyến đồng bộ, từ đó tạo ra chuỗi giá trị du lịch liên hoàn bền vững. Bên cạnh đó, việc sáp nhập các tỉnh thành cũng tạo điều kiện cho ngành du lịch chuyển từ mô hình phân tán riêng lẻ sang cách tiếp cận theo hướng liên vùng.

Đồng tình với phân tích này, TS. Trịnh Lê Anh, khoa Du lịch trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội), nêu ví dụ: “Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng về một nền du lịch đồng bộ với những trải nghiệm độc đáo và mới lạ bởi các tỉnh, thành sau sáp nhập sẽ tận dụng cơ hội để làm mới thương hiệu. Du khách đến với tỉnh Lâm Đồng sẽ không chỉ được trải nghiệm núi rừng Tây Nguyên mà còn có thêm cơ hội du lịch biển…”

Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng, việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh, thành sẽ mở ra cơ hội lớn để ngành du lịch đổi mới sản phẩm một cách hài hòa. 

“Hải Dương và Hải Phòng sau hợp nhất, tour “Côn Sơn - Kiếp Bạc - Cát Bà” sẽ không còn phải xin phép qua hai địa phương, không bị hiểu nhầm là giành khách. Hay một tour “Đà Lạt mộng mơ - Mũi Né biển xanh - Tà Đùng đại ngàn” có thể kéo dài 5 - 6 ngày, đưa du khách đi từ đỉnh núi mù sương xuống rừng già trong một hành trình hợp lý và trọn vẹn," ông Đạt nói.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều tour du lịch mới sau sáp nhập - Ảnh 3

Dù vậy, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng và chuyển hóa thay đổi thành cơ hội. “Khi ranh giới hành chính thay đổi, cách kể câu chuyện về điểm đến cũng phải thay đổi. Đây là lúc các doanh nghiệp cần tư duy lại về bản đồ tour, hành trình liên vùng, và cấu trúc thương hiệu sản phẩm”, ông Khánh nhận định.

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà cho rằng, từ trước đến nay, ngành du lịch thường tập trung quảng bá tên địa phương, trong khi điều thực sự hấp dẫn du khách chính là sự khác biệt, độc đáo của từng điểm đến. Vì vậy, thời gian tới các địa phương nên chuyển hướng từ xúc tiến địa phương sang xúc tiến điểm đến. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nên phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc quy hoạch hạ tầng, cải thiện giao thông, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng mới hình thành sau sáp nhập.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate