Một tòa án tại Ý vừa ra quyết định đặt Loro Piana – thương hiệu cao cấp chuyên về len cashmere trực thuộc tập đoàn LVMH – dưới sự giám sát tư pháp trong vòng một năm, sau khi phát hiện cáo buộc lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng của công ty. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt bê bối đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành thời trang xa xỉ Ý.
Theo bản án dài 26 trang mà Reuters tiếp cận được hôm thứ Hai, Loro Piana SpA là công ty thời trang thứ năm bị tòa án Milan nhắm tới do các vấn đề liên quan đến lao động kể từ năm 2023. Trước đó, các thương hiệu nổi tiếng như Valentino, Dior (cũng thuộc LVMH), Armani và công ty túi xách Ý Alviero Martini cũng đã bị đưa vào diện giám sát tương tự.

Tòa án xác định rằng Loro Piana đã thuê gia công thông qua hai công ty trung gian không có năng lực sản xuất thực tế, để rồi chuyển đơn hàng tới các xưởng thuộc sở hữu Trung Quốc tại Ý, nơi bị cáo buộc bóc lột lao động. Theo phán quyết, tòa án Milan cho rằng Loro Piana đã “thiếu trách nhiệm một cách đáng trách” trong việc giám sát chuỗi cung ứng, nhằm theo đuổi lợi nhuận cao hơn.
CÔNG NHÂN BỊ ĐÁNH SAU KHI ĐÒI TIỀN LƯƠNG CÒN NỢ
Vụ việc liên quan đến Loro Piana SpA bắt đầu sau khi lực lượng cảnh sát Carabinieri thuộc đơn vị bảo vệ lao động Milan vào tháng 5 bắt giữ chủ một xưởng thuộc sở hữu người Trung Quốc và ra lệnh đóng cửa nhà máy tại vùng ngoại ô phía tây bắc Milan.
Theo báo cáo, chủ xưởng đã hành hung một công nhân khi người này yêu cầu được trả 10.000 euro (tương đương 11.692 USD) tiền lương còn nợ, gây thương tích nghiêm trọng khiến nạn nhân phải điều trị trong 45 ngày.
Cảnh sát Carabinieri phát hiện xưởng này chuyên sản xuất áo khoác cashmere mang thương hiệu Loro Piana, với 10 lao động người Trung Quốc — trong đó có 5 người nhập cư bất hợp pháp. Những công nhân này bị buộc phải làm việc tới 90 giờ mỗi tuần, không có ngày nghỉ, với mức lương chỉ 4 euro mỗi giờ, và phải ngủ trong các phòng được dựng trái phép ngay bên trong nhà xưởng.
Trong một thông báo, lực lượng Carabinieri cho biết họ đã kiểm tra hai công ty trung gian và ba xưởng sản xuất do người Trung Quốc điều hành, tất cả đều nằm trong khu vực Milan, và phát hiện 21 lao động, trong đó có 10 người làm việc “chui” không có đăng ký hợp pháp, bao gồm 7 người nhập cư bất hợp pháp.
Theo phán quyết của tòa án, chủ một công ty trung gian khai rằng trong những năm gần đây, bà đã sản xuất khoảng 6.000–7.000 chiếc áo khoác mỗi năm cho Loro Piana, với mức giá thỏa thuận là 118 euro mỗi chiếc đối với đơn hàng trên 100 sản phẩm và 128 euro mỗi chiếc nếu đơn hàng dưới 100 sản phẩm.


Theo thông tin trên website của Loro Piana, giá áo khoác cashmere nam dao động từ hơn 3.000 euro đến trên 5.000 euro cho mỗi chiếc. Trong thông cáo của mình, lực lượng Carabinieri cho biết họ đã đóng cửa hai nhà máy thuộc sở hữu người Trung Quốc, trong khi cơ sở thứ ba chỉ là một “công ty ma” không có năng lực sản xuất thực tế. Tổng mức phạt chung mà các bên liên quan phải chịu lên tới hơn 240.000 euro.
Tòa cũng đã chỉ định một quản trị viên độc lập để giám sát việc công ty có tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của thẩm phán về kiểm soát chuỗi cung ứng hay không. Loro Piana từ chối bình luận về vụ việc. Tập đoàn LVMH hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Quyết định giám sát tư pháp có thể được dỡ bỏ sớm nếu công ty thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục và tuân thủ các quy định pháp lý — tương tự như trường hợp của Dior, Armani và Alviero Martini trước đó từng bị tòa án xử lý.
Các công tố viên trong vụ án nhận định rằng việc vi phạm quy định trong ngành thời trang tại Ý là “một phương thức sản xuất phổ biến và ăn sâu.” Theo ước tính của hãng tư vấn Bain, nước Ý hiện là nơi đặt trụ sở của hàng nghìn nhà sản xuất nhỏ, chiếm từ 50 – 55% tổng sản lượng hàng xa xỉ toàn cầu.
THỰC TẾ ĐÁNG BUỒN
Đây là vụ việc thứ hai về bóc lột lao động của một trong những thương hiệu lớn của LVMH. Trước đó, Dior đã được kết thúc giám sát tư pháp sớm vào tháng Hai sau khi cải thiện các quy trình giám sát chuỗi cung ứng. Đến tháng Năm, Dior đạt được một thỏa thuận riêng với Cơ quan Cạnh tranh của Ý, sau khi cơ quan này kết thúc cuộc điều tra về việc liệu Dior có đánh lừa người tiêu dùng liên quan đến điều kiện lao động tại các nhà cung cấp hay không — mặc dù không phát hiện ra hành vi sai phạm cụ thể nào.

Việc Loro Piana bị liên đới trong vụ việc này là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của LVMH trong việc vượt qua bê bối về bóc lột sức lao động, và chất lượng hàng hoá xứng đáng với giá tiền. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi LVMH từ lâu đã quảng bá khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng chặt chẽ của thương hiệu cashmere này như một yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị khác biệt đẳng cấp của họ.
LỢI NHUẬN ĐẶT TRÊN PHÚC LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG
Theo các vụ án được các công tố viên Milan đưa ra, các xưởng may bất hợp pháp đang ăn sâu vào mô hình vận hành của ngành thời trang xa xỉ tại Ý.
Khoảng một nửa sản lượng quần áo và hàng da xa xỉ trên thế giới được sản xuất tại Ý bởi hàng nghìn nhà xưởng quy mô nhỏ, tạo nên một chuỗi cung ứng phức tạp và rời rạc đến mức cực kỳ khó kiểm soát.

Hàng thập kỷ chịu áp lực về giá — do cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các thị trường lao động chi phí thấp trên toàn cầu, cùng với việc ngành hàng xa xỉ chuyển sang mô hình sản xuất đại trà — đã dẫn đến sự hình thành của một “ngành công nghiệp chui” gồm các xưởng sản xuất phi pháp. Những xưởng này cung cấp dịch vụ với giá rẻ bằng cách phớt lờ luật lao động và thuê người làm việc không hợp pháp.
Theo các công tố viên tại Milan, nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu đã cố tình làm ngơ trước tình trạng bóc lột lao động kiểu này nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Kể từ khi những vụ việc đầu tiên liên quan đến các thương hiệu như Dior và Armani bị đưa ra ánh sáng vào năm ngoái, ngành hàng xa xỉ đã nỗ lực thể hiện rằng họ đang hành động để khắc phục. Cả Dior và Armani đều được kết thúc giám sát tư pháp sớm sau khi thuyết phục được tòa rằng họ đã thực hiện các biện pháp đủ mạnh nhằm siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, trong các vụ việc gần đây liên quan đến Loro Piana và Valentino, các công tố viên khẳng định rằng những vấn đề mang tính hệ thống này vẫn tiếp diễn và ăn sâu trong ngành.