Đây là số chỉ tiêu tuyển dụng được các doanh nghiệp tại Hà Nội đưa ra trong Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, ngày 23/11.
Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch đã thu hút 38 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 1.080 chỉ tiêu, trong đó 15 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh 375 vị trí lao động là người khuyết tật.
Tại phiên, gần 50% các chỉ tiêu tuyển dụng có mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng. Đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.
Chiếm đến 34,7% là mức thu nhập từ trên 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng, thuộc về đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Bên cạnh đó, cũng có hơn 15% chỉ tiêu có mức thu nhập từ trên 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn dành một mức thu nhập theo thỏa thuận giữa hai bên, nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động trong quá trình phỏng vấn.
Cũng trong phiên ngày 23/11, một số doanh nghiệp tuyển dụng nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn khác, tập trung chủ yếu vào các chỉ tiêu như: Quản lý cửa hàng, công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, công nhân điện tử, … sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, cũng như người lao động khuyết tật tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, những lĩnh vực, ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm cho thấy, việc khan hiếm lao động đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Song điều này cũng tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp với bản thân.
Về phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở cho biết, để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tích cực giải ngân vốn đầu tư, ổn định hoạt động doanh nghiệp.
Từ đó, đã góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả thị trường lao động.
Hiện kinh tế - xã hội thành phố đã dần phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Về lĩnh vực lao động việc làm, tính đến nay, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 200.280 nghìn lao động, đạt 123% kế hoạch năm 2023, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương 4.794 lao động.
Với nhóm lao động khuyết tật, ông Nam thông tin, hiện TP. Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động; đặc biệt nhiều người trong số đó với bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân; luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Vì vậy, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật có một công việc phù hợp để giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội.
Cũng theo ông Nam, trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì nay trong bối cảnh suy thoái kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng thêm nhiều trở ngại. “Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng thời, ông đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hãy phát huy tinh thần trách nhiệm hơn nữa để cùng Nhà nước và toàn xã hội mang cơ hội việc làm đến cho người khuyết tật. Bởi người khuyết tật cũng hoàn toàn có khả năng lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và cho sự phát triển của xã hội nói chung.
Với người khuyết tật, họ cần nỗ lực hơn nữa để tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tay nghề để sẵn sàng đảm nhận được công việc của nhà tuyển dụng, qua đó khẳng định được giá trị của mình trên thị trường lao động.