Thương mại – dịch vụ là nhóm ngành nghề được đánh giá có nhu cầu tuyển dụng thường liên tục trong năm, song cuối năm thường là thời gian có nhu cầu bùng nổ, bởi các hoạt động tiêu dùng, mua sắm cũng tăng cao hơn ở thời điểm này.
KHÔNG GIỚI HẠN SỐ LƯỢNG, TÍNH CẠNH TRANH LỚN
Chị Nguyễn Thị Nga, chuyên viên nhân sự Hệ thống Siêu thị BRG Mart, nhìn nhận với ngành bán lẻ luôn có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, bởi số lượng nhân sự ra – vào liên tục, nên cần tuyển bổ sung thay thế. Với BRG Mart, trung bình mỗi tháng sẽ cần tuyển mới 50 – 70 nhân sự để bổ sung vào các vị trí.
Theo chị Nga, cuối năm thường là thời điểm bùng nổ hơn cả của ngành bán lẻ, bởi nhu cầu phục vụ cho dịp Tết sẽ tăng. Về nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm, chị Nga cho biết chưa có con số chính xác, song khẳng định hệ thống đã có mặt ở 7 tỉnh, thành phố, với Hà Nội là trọng tâm nên nhu cầu tuyển dụng luôn dồi dào.
Tuy nhiên, việc mở rộng hay thu hẹp quy mô cũng còn phụ thuộc vào thị trường, bởi năm 2023 nền kinh tế có những khó khăn và ngành bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng thắt chặt hơn.
Với đặc thù của ngành bán lẻ, chị Nga cho biết, các vị trí phổ biến là nhân viên bán hàng sẽ có mức lương từ 6 – 8 triệu đồng, ngoài lương cứng, người lao động sẽ được cộng với lương kinh doanh nên mức thu nhập có thể tăng lên tùy vào doanh số. Cùng với đó, nhân viên sẽ được đóng bảo hiểm đầy đủ sau 2 tháng thử việc và được đảm bảo các chế độ, quyền lợi tốt nhất.
Trong thời gian làm việc, nhân sự cũng có cơ hội để phát triển lên các vị trí cao hơn. Trung bình sau 6 tháng, tùy theo hiệu quả công việc, nhân sự sẽ được bổ sung vào lớp nguồn ở các vị trí trưởng quầy, cửa hàng trưởng, lớn hơn nữa là phó giám đốc, giám đốc siêu thị với quy mô từ từ 20 nhân viên trở lên.
“Sau hai năm đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ đang phát triển chóng mặt, chưa kể các siêu thị mini cũng mọc lên rất nhiều ngoài các các đại siêu thị như trước kia. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam cũng có nhiều thay đổi”, chị Nga nhận xét.
Theo chị Nga, những thực tế trên cũng dẫn đến việc thiếu hụt nhân sự trong ngành này là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, tại BRG Mart đã chú trọng đào tạo cho nhân viên để phát triển lên các vị trí cao hơn từ chính đội ngũ của mình.
“Vì thiếu hụt nhiều nên trong ngành bán lẻ này để tuyển được quản lý từ doanh nghiệp khác vào là rất khó, do đó chúng tôi đang hướng đến việc nuôi từ nền móng, tức đào tạo từ đầu cho nhân sự của mình và tạo cơ hội cho họ trưởng thành lên các vị trí cao hơn. Như vậy sự gắn bó, khả năng phát triển của các bạn sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc đi theo lối mòn là tìm những nhân sự từ bên ngoài”, chị Nga nhìn nhận.
Bạnh đó, đặc thù ngành bán lẻ cũng cạnh tranh rất lớn, mức thu nhập không quá chênh lệch, nên để giữ chân nhân sự của mình, chị Nga cho rằng, ngoài đào tạo cần rất nhiều yếu tố khác, từ cách vận hành, quản lý, môi trường làm việc…
Số lượng tuyển dụng không cố định cũng là chia sẻ của chị Trần Thị Quỳnh, chuyên viên tuyển dụng của Công ty TNHH Family Foods Market. Theo chị Quỳnh, vì kinh doanh mảng siêu thị nên đơn vị này đang cần tuyển dụng các vị trí như trưởng ca, trưởng ngành hàng, thu ngân, bán hàng.
Mức lương sẽ tùy theo vị trí và giá trị người lao động đem lại cho doanh nghiệp, riêng trưởng ngành hàng thường có mức lương trên 15 triệu đồng, song cũng yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm, khả năng quản lý, xây dựng đội nhóm.
NHU CẦU TUYỂN DỤNG SẼ TIẾP TỤC TĂNG
Cũng thuộc nhóm doanh nghiệp dịch vụ đang có nhu cầu tuyển dụng lớn hiện nay, anh Đặng Quang Chỉnh, chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh (GSM), cho biết mục tiêu của công ty là tuyển dụng các tài xế về mảng công nghệ nên chỉ tiêu đang rất rộng mở với số lượng không giới hạn. Hiện công ty chủ yếu tuyển các lao động ở địa bàn Hà Nội.
Theo anh Chỉnh, công ty là đơn vị duy nhất trên thị trường đang trang bị cho tài xế một chiếc xe máy điện xanh, không phát sinh khí thải với chi phí vận hành rẻ chỉ bằng 1/5 so với xe xăng. Các tài xế sẽ đặt cọc một khoản tiền là 4 triệu đồng để nhận xe, song công ty chỉ yêu cầu thanh toán một nửa trong lần đầu, sau 2 tháng khi đã có thu nhập ổn định mới phải thanh toán nốt số còn lại.
Về thu nhập của tài xế, anh Chỉnh cho biết, sẽ dựa trên số chuyến xe chạy được, công ty sẽ chiết khấu lại 15% cộng thêm khoản thuế nộp cho nhà nước, các đối tác sẽ nhận được khoảng 73% thu nhập.
Anh cho biết, sau hơn 1 năm hoạt động trong lĩnh vực này, công ty đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động không có trình độ cao, không có phương tiện đi lại để phục vụ công việc kiếm tiền. Hiện với từ 8 – 10 giờ chạy một ngày, thu nhập trung bình của tài xế có thể đạt từ 500 - 700 nghìn đồng/ngày, từ 10 – 12 triệu đồng/tháng.
Ở góc độ đơn vị kết nối tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đánh giá mặc dù thị trường lao động còn những khó khăn nhất định, nhưng nhu cầu tuyển dụng ở thời điểm này vẫn rất lớn.
Bởi như thông lệ hàng năm, thời điểm quý 4 các doanh nghiệp luôn có xu hướng tuyển dụng lao động tăng hơn so với những thời gian trước đó trong năm. Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang nhận được rất nhiều đơn đăng ký tuyển dụng từ các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm.
Trong số các lĩnh vực, thì thương mại – dịch vụ luôn là nhóm có số lượng tuyển dụng cao nhất, riêng tại địa bàn Hà Nội luôn chiếm hơn 90% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của các nhóm ngành nghề. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng trong ngành này sẽ tiếp tục có xu hướng tăng.