Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15.536 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 350.000 lao động đang làm việc. Trong đó có 260 doanh nghiệp có vốn nhà nước với hơn 25.000 lao động; 164 doanh nghiệp FDI với hơn 49.000 lao động, 15.112 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với hơn 276.000 lao động.
Thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan, đến nay cơ bản đã được phục hồi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều tăng cao.
Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh lớn với 339 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 45.049 lao động. Trong đó, 258 doanh nghiệp trong tỉnh này có nhu cầu tuyển dụng 28.877 lao động; 23 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển 7.066 lao động.
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, năm 2024 và những năm tiếp theo, trong khu kinh tế, các khu công nghiệp có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động, như: Luxshare-ICT Nghệ An 1 - xưởng số 2, Luxshare Nghệ An 2, Goertek Vina, Everwin, JuTeng, Sunny, Shandong, Runergy, Foxconn, Radiant, Hoa Lợi, Tân Việt, Thiên Năng... do đó nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.
Ước tính, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng cao, trong đó 6 tháng cuối năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng lao động trên 29.945 người, năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.
Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của những năm tiếp theo, giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm (FDI) trong khu kinh tế, các khu công nghiệp có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh.
Đại diện Công ty TNHH Luxshare – ICT Nghệ An cho biết đầu năm 2024, doanh nghiệp gặp khó khăn về tuyển dụng lao động do mở rộng quy mô và có những đơn hàng yêu cầu gấp về tiến độ. Công ty cũng đã thông qua nhiều phương thức tuyển dụng nhưng mỗi ngày chỉ nhận được 60-90 người lao động đến nộp hồ sơ.
Doanh nghiệp đề nghị tỉnh Nghệ An có giải pháp để khuyến khích, vận động những lao động từng làm việc ở nước ngoài có thể trở về nước làm việc cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Về phía doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và giữ chân người lao động bằng tiền lương, môi trường làm việc và điều kiện ăn ở. Đồng thời bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền, các ngành, nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp VSIP Nghệ An quan tâm đầu tư hạ tầng như nhà trẻ, siêu thị, trường học xung quanh khu công nghiệp, hạ tầng giao thông.
Lãnh đạo Công ty TNHH công nghệ Everwin cho biết bắt đầu từ tháng 6 năm nay, công ty chính thức đi vào hoạt động, song rất khó tuyển dụng những kỹ sư lành nghề có kỹ thuật cao tại Nghệ An.
Do đó trong giai đoạn đầu công ty đang tập trung tuyển dụng lao động nước ngoài để đáp ứng yêu cầu của công ty. Sau khi đi vào hoạt động khoảng 2 năm, công ty sẽ tuyển dụng và đào tạo lao động địa phương vào làm việc.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, công ty phải tuyển dụng được 4.000 lao động và đến năm 2026 tuyển dụng được 8.000 lao động. Do đó, việc tuyển dụng lao động đối với công ty rất là áp lực.
Hiện đang đầu tư 3 nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Hoàng Mai I, huyện Quỳnh Lưu và khu công nghiệp WHA Nghệ An, đại diện Tập đoàn Hoa Lợi cho hay đến năm 2025, nhu cầu tuyển dụng lao động của tập đoàn cho 3 nhà máy là 25.000 lao động.
Theo đại diện Tập đoàn Hoa Lợi, cần phải khảo sát tình hình để xem có phải hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh chưa có việc làm và thuộc vùng miền nào để từ đó có kế hoạch tuyển dụng. Đồng thời có giải pháp để vận động những lao động đang làm việc ở ngoại tỉnh về làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, trong đó có việc tuyển dụng lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì trong công tác dự báo, thu thập, phân tích và kết nối thông tin cung - cầu lao động đáp ứng kịp thời xu thế của thị trường lao động.
Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam theo dõi nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để dự báo được tình hình, từ đó chủ động kết nối cung cầu lao động. Đồng thời, tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng khu nhà ở cho công nhân, các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa cho người lao động trong khu kinh tế, các khu công nghiệp.
Với các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị triển khai hoạt động sản xuất đúng quy định pháp luật, ổn định; có giải pháp tăng thu nhập cho người lao động cao hơn hoặc bằng các khu vực ngoại tỉnh; quan tâm đến chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu về lao động có trình độ tay nghề cao.