July 08, 2024 | 15:16 GMT+7

TP.HCM: Nhu cầu tuyển dụng lao động cao trong 6 tháng cuối năm

Thi Nguyễn -

Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm, các đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cần thêm 153.500 – 161.500 lao động, tập trung tuyển dụng ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu…

Dự kiến có hơn 160.000 chỗ làm việc 6 tháng cuối năm tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa.
Dự kiến có hơn 160.000 chỗ làm việc 6 tháng cuối năm tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố cấp phép cho 23.610 doanh nghiệp thành lập mới với số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp mới là 69.764 lao động.

Trong đó, số doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 23.160 doanh nghiệp, chiếm 98,09% (có 66.113 lao động dang làm việc trong doanh nghiệp); số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 450 doanh nghiệp, chiếm 1,91% (có 3.651 lao động đang làm việc).

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TÍCH CỰC

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), thị trường lao động Thành phố có xu hướng phát triển tích cực phù hợp với xu hướng kinh tế và nhu cầu phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động; mức thu nhập và phúc lợi được cải thiện, giúp thu hút và giữ chân người lao động trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc của người lao động có xu hướng tăng ở các ngành, lĩnh vực kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch, kế toán - kiểm toán, marketing, nhân sự, quản lý điều hành, công nghệ thông tin, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng,…với trình độ cao và có kinh nghiệm làm việc.

Các nhóm ngành/nghề có nhu cầu nhân lực cao 6 tháng đầu năm - Nguồn: Falmi
Các nhóm ngành/nghề có nhu cầu nhân lực cao 6 tháng đầu năm - Nguồn: Falmi

Theo báo cáo của Falmi, một số ngành kinh tế có nhu cầutuyển dụng cao 6 tháng đầu năm, cụ thể: Kinh doanh thương mại cần khoảng 45.963 chỗ làm việc, chiếm 28,98% tổng nhu cầu nhân lực; Dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần 20.729 chỗ làm việc, chiếm 13,07% tổng nhu cầu nhân lực; Kinh doanh quản lý tài sản – bất động sản cần 11.070 chỗ làm việc, chiếm 6,98% tổng nhu cầu nhân lực; Dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển cần 8.136 chỗ làm việc, chiếm 5,13% tổng nhu cầu nhân lực; Cơ khí – Tự động hóa cần 6.629 chỗ làm việc, chiếm 4,18%; Hành chính – văn phòng – biên phiên dịch cần 6.281 chỗ làm việc, chiếm 3,96% tổng nhu cầu nhân lực; Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm cần 6.265 chỗ làm việc, chiếm 3,95%;…

Bên cạnh đó, các nhóm ngành nghề khác cần 27.056 chỗ làm việc, chiếm 17,06% tổng nhu cầu nhân lực.

Về khả năng chi trả lương của doanh nghiệp, số liệu của Falmi cho hay mức lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng tập trung ở các vị trí kỹ thuật điện tử, kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí, giám đốc marketing, nhân sự, bác sĩ chuyên khoa.

Từ trên 15-20 triệu đồng mỗi tháng tháng sẽ dành cho lập trình viên, chuyên viên truyền thông đa phương tiện, nhân viên tổ chức sự kiện, quản lý kho...

Mức lương từ trên 10-15 triệu đồng mỗi tháng dành cho các chuyên viên như kinh doanh bất động sản, marketing, kế toán, tài chính - ngân hàng...

Mức lương từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng dành cho nhân viên bán hàng, an ninh, nhập liệu, thợ cơ khí, hành máy móc công nghiệp...

Doanh nghiệp trả lương mỗi tháng dưới 5 triệu đồng cho nhân viên giao hàng, kho, bán hàng, dọn dẹp phòng, phục vụ, thu ngân, lễ tân...

Tuy nhiên, khảo sát của Falmi cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Trong 654 doanh nghiệp được hỏi có 154 doanh nghiệp, tỷ lệ gần 24% trả lời khó kiếm người, tập trung ở nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, một số lý do chủ yếu khiến doanh nghiệp khó tuyển dụng là khó tìm được lao động có ngành đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng; lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp; doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển; không tìm được lao động vừa có chuyên môn cao vừa có ngoại ngữ lưu loát…

HƠN 160.000 VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Trên cơ sở kết quả khảo sát cung cầu lao động 6 tháng đầu năm, Falmi dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng từ 153.500 – 161.500 chỗ làm việc.

Dự kiến, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2024 vẫn tập trung tuyển dụng ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu. Cụ thể:

Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ: cần khoảng từ 102.676 – 108.027 chỗ làm việc, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng cần khoảng từ 50.701 – 53.343 chỗ làm việc, chiếm 33,03% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần khoảng từ 123 - 129 chỗ làm việc, chiếm 0,08%.

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành công nghiệp trọng điểm: cần khoảng từ 23.961 – 25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61%. Trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,99%.

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành dịch vụ chủ yếu: cần khoảng từ 92.161 – 96.965 chỗ làmviệc, chiếm 60,04%.

Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 25,38%; vận tải, kho bãi chiếm 2,09%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 3,84%; thông tin và truyền thông chiếm 5,18%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,33%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 9,93%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 5,61%; giáo dục và đào tạo chiếm 1,85%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 0,83%.

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo: cần khoảng từ 134.620 – 141.636 chỗ làm việc, chiếm 87,7% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%; cao đẳng chiếm 23,16%; trung cấp chiếm 21,72%; sơ cấp chiếm 23,28%. Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông cần khoảng từ 18.881 – 19.856 chỗ việc làm, chiếm 12,3% tổng nhu cầu nhân lực.

Trong 6 tháng cuối năm, Falmi kiến nghị doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho 3 loại lao động (lao động quản lý, lao động gián tiếp và lao động trực tiếp) gắn với từng ngành, trình độ cụ thể định kỳ ngắn, trung và dài hạn phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động.

Đối với người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần trang bị cho mình những kỹ năng nghề gắn với vị trí làm việc và cần có thái độ làm việc tích cực để đảm bảo hoàn thành tốt các công việc và phát triển trong tương lai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate