March 29, 2023 | 10:43 GMT+7

Doanh nghiệp Thanh Hóa “méo mặt” sau công bố giá vật liệu xây dựng

Nguyễn Thuấn -

Liên Sở Xây dựng - Tài chính của tỉnh Thanh Hóa mới công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn quý 1/2023, ngay sau đó nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này có phản ứng “nóng” về vấn đề trên...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Thanh Hóa vừa diễn ra do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa tổ chức, nhiều doanh nghiệp xây lắp kiến nghị liên quan đến giá vật liệu xây dựng chưa đồng nhất.

Theo đó giá vật liệu xây dựng do Nhà nước ban hành thấp hơn nhiều so với giá vật liệu xây dựng thực tế, điều này dẫn đến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai dự án.

MỨC GIÁ CÔNG BỐ THẤP HƠN GIÁ THỰC TẾ

Nhiều doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho rằng, mức giá công bố thấp hơn so với giá thực tế, khiến không ít các dự án sẽ rơi vào tình cảnh “cầm chừng” do lỗ nặng.

Một Giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp huyện Hoằng Hóa chia sẻ: “Tại thời điểm này, giá vật liệu xây dựng tăng cao, như cát xây giá trúng thầu khoảng trên dưới 200.000đ/m3 nhưng thực tế mua ở bên ngoài tại chân công trình là 400.000 - 450.000 đ/m3, giá đá, giá đất san lấp, xi măng, sắt thép… cũng tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá một số dự án dưới 1 năm, dưới 20 tỷ thì chủ đầu tư chọn hợp đồng trọn gói trong thời gian trúng thầu và ký hợp đồng, nhưng chủ đầu tư lại chậm trong khâu giải phóng mặt bằng, có dự án kéo dài 1 đến 2 năm vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, lạm phát về xăng dầu, vật liệu xây dựng… tăng cao dẫn đến nhà thầu không triển khai thi công được, vì lẽ đó nếu thi công việc lỗ là đương nhiên”.

Hay theo ý kiến của một doanh nghiệp tại huyện Như Thanh cho biết, hiện nay Công ty TNHH Anh Việt Hương đóng trên địa bàn huyện, đang bán giá đá 1x2 là 354 nghìn đồng/m3, đá 2x4 có giá 329 nghìn đồng/m3, đá 4x6 giá 304 nghìn đồng/ m3.

Trong khi giá liên sở công bố giá đá 1x2 chỉ 180 nghìn đồng/m3; đá 2x4 giá 150 nghìn đồng/m3, đá 4x6 chỉ 141 nghìn đồng/m3. Làm phép toán thông thường, doanh nghiệp phải bù lỗ giá chi phí vật liệu xây dựng gấp 2 lần giá Nhà nước công bố.

Theo khảo sát của VnEconomy giá nguyên vật liệu tại một số huyện địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như tại huyện Quảng Xương, giá theo công bố cát xây, cát trát 267,8 nghìn đồng/m3, thực tế giá thị trường 350 nghìn đồng/m3 (chưa thuế giá trị gia tăng); cát bê tông giá công bố 289,2 nghìn đồng/m3, giá thị trường 350 nghìn đồng/m3 (chưa thuế giá trị gia tăng).

Tại huyện Quan Hóa giá công bố là 245.000 đồng/m3, thực tế thị trường 400.000 đồng/m3; cát nền thông báo 165.000 đồng/m3. Tại khu vực thành phố Thanh Hóa công bố, cát bê tông 215.000 đồng/m3; cát trát 225.000 đồng/m3; đá 1x2 chỉ 180.000 đồng/m3. Tuy nhiên, theo khảo sát giá thị trường, giá cát xây, trát 400.000 đồng/m3, cát nền 250.000 đồng/m3.

Hiện nay, hầu hết các Ban quản lý dự án từ tỉnh đến huyện đều căn cứ vào giá công bố của liên Sở Xây dựng - Tài chính để làm căn cứ mời thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán các công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Chính vì vậy, thực tế cho thấy, sự chênh lệch giá hiện nay có thể dẫn đến những hệ lụy trong thời gian tới, nếu tỉnh Thanh Hóa không kịp thời có những giải pháp xử lý vấn đến trên.

Như theo theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa cho biết, hiện nay nhiều nhà thầu không dám ứng tiền, vì nếu ứng thì thủ tục là ứng mua vật liệu xây dựng, do có sự chênh lệch giữa giá công bố và giá thực tế. Tại địa bàn thành phố có một số doanh nghiệp làm đơn trả lại các dự án sau khi đã trúng thầu, do giá vật liệu xây dựng tăng cao, chưa có mặt bằng thi công…

Doanh nghiệp chồng chất khó khăn vừa chống chọi xong dịch bệnh lại đến cơn bão giá. Phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa đang vận động các doanh nghiệp chia sẻ với chủ đầu tư trong lúc này, vì nếu tổ chức đấu thầu lại các gói nhà thầu trả lại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, đội giá vì tăng chi phí đầu tư, làm phá vỡ kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư công.

Bảng công bố giá vật liệu xây dựng do liên Sở Xây dựng - Tài chính Thanh Hóa
Bảng công bố giá vật liệu xây dựng do liên Sở Xây dựng - Tài chính Thanh Hóa

Chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải đối diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Thông cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiến độ thi công các dự án của doanh nghiệp thực hiện các gói thầu có sử dụng vốn Nhà nước. Để có vật liệu xây dựng và hóa đơn cung cấp cho các công trình, nhiều nhà thầu xây dựng đã đấu mối với các chủ mỏ nhưng lại không có trữ lượng để bán, nếu có bán thì giá cao hơn rất nhiều so với giá công bố của liên Sở Xây dựng - Tài chính.

Hiệp hội  Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp để báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc xem xét, tháo gỡ cho doanh nghiệp cũng như gỡ điểm nghẽn để giải ngân vốn đầu tư công.

CẦN XEM LẠI CƠ CẤU TÍNH GIÁ THÀNH SÁT THỰC TẾ

Lý giải về giá nguyên vật liệu vừa công bố, đại diện Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, khi Sở Xây dựng cùng với các huyện đi khảo sát về giá, các đơn vị cung cấp thông tin giá được thể hiện cụ thể bằng hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra và giá niêm yết tại vị trí.

Như vậy thông tin họ cung cấp đầy đủ dữ kiện. Sở Xây dựng cùng Sở Tài chính công bố thông tin giá để các chủ đầu tư lấy và lập dự toán cho các dự án, khi có biến động về giá chủ đầu tư thông tin lại cho Sở. Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng cao hơn nhiều so với đơn giá đã được công bố (nếu có), tới đây lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành sẽ có phương án gỡ khó cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đầu tháng 2 vừa qua, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chủ trì hội nghị bàn về giải pháp quản lý, điều hành giá vật liệu xây dựng trên địa bàn đảm bảo ổn định, minh bạch.

Tại hội nghị trên, theo báo cáo từ Sở Xây dựng Thanh Hóa, tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất; công tác quy hoạch, cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng  trên địa bàn tỉnh này hiện nay có 233 mỏ đất làm vật liệu xây dựng với trữ lượng khoảng 235 triệu m3, 187 mỏ, khu mỏ đá làm vật liệu xây dựng với trữ lượng khoảng 652 triệu m3, 124 mỏ, điểm mỏ cát làm vật liệu xây dựng với trữ lượng khoảng 18 triệu m3, 13 mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân cấp cho tỉnh với trữ lượng khoảng 649.351 tấn.

Qua tính toán của cơ quan chuyên môn, từ nay đến năm 2025 các mỏ khoáng sản đất, đá được quy hoạch cơ bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án. Đối với cát xây dựng có thể khuyến khích đầu tư cát nghiền từ đá thay thế sử dụng cát sỏi lòng sông cho công trình xây dựng, để giảm thiểu ảnh hưởng sạt lở đê điều, bờ bãi sông cho các công trình dự án đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Về công tác quản lý nhà nước về giá bán vật liệu xây dựng; qua khảo sát, liên sở Xây dựng- Tài chính cũng đã thực hiện công bố giá đất đắp nền phục vụ các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh quý IV/2022 tại các địa phương, như: thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Nông Cống, Vĩnh Lộc, Như Thanh, Thạch Thành.

Tại các địa phương khác chưa xem xét công bố giá đất san lấp do cơ cấu giá thành chưa phù hợp (giá bốc xúc lên xe cao hơn so với định mức, lợi nhuận thuần cho doanh nghiệp quá cao…).

Hội nghị này đã thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc và bàn các giải pháp quản lý giá, bảo đảm nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như thiếu thông tin, dữ liệu để làm cơ sở công bố giá, thiếu sự phối hợp liên ngành trong công tác khảo sát và kiểm soát giá giá vật liệu xây dựng, cơ cấu hình thành giá bán chưa phù hợp, giá bán giữa các doanh nghiệp chênh lệch lớn…

Để kiểm soát giá vật liệu xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm giao cho ngành Tài chính tham mưu phối hợp với các ngành có liên quan để đưa đất san lấp, đá và cát làm vật liệu xây dựng vào danh mục các mặt hàng kê khai giá.

Liên quan đến việc kiểm soát giá vật liệu xây dựng, cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc kinh doanh, niêm yết giá của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm 10 thành viên thuộc các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Cục thuế tỉnh và Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành quy định của pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh về niêm yết giá, công khai giá đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng, theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Khảo sát giá bán vật liệu xây dựng (đất, cát, đá) tại các mỏ; đồng thời thu thập hóa đơn, chứng từ mua bán vật liệu xây dựng của các đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý giá và làm cơ sở Công bố thông tin giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo kết quả kết quả kiểm tra với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá trước ngày 15/04/2023 để xem xét, chỉ đạo.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, ngày 31/3/2023 tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate