July 08, 2024 | 15:00 GMT+7

Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề vì nạn buôn bán hàng giả

Đỗ Mến -

Theo hồ sơ, số tiền các bị can thu lời bất chính chỉ vài chục triệu đồng song về phía doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Có doanh nghiệp yêu cầu phải bồi thường vật chất và tinh thần…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã truy tố với Nguyễn Thị Hảo (SN 1996, ở huyện Thường Tín) và Nguyễn Thành Đức (SN 1991, cùng ở huyện Thường Tín) về tội Buôn bán hàng giả.

Cáo buộc thể hiện, mặt hàng keo xây dựng Titebond, chất bôi trơn chống gỉ WD-40 và chất bôi trơn đa dụng RP7 là nhãn hiệu đã được bảo hộ quốc gia.

Tuy nhiên, vì hám lợi, khoảng tháng 7/2023, Hảo mua hàng của một người đàn ông Trung Quốc để bán lại. Hảo đặt mua hàng còn Đức đăng tin rao bán hàng giả trên mạng vã hội và vận chuyển hàng giao cho khách.

Ngày 28/9/2023, khi Đức đang điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Transit chở theo lô hàng giả để giao cho khách thì bị phát hiện, bắt giữ tại Bãi xe số 18 thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ 19.955 lọ keo giả tại các kho hàng của Hảo và Đức tại xóm mới, thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín và tại thôn Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Theo cáo buộc, tổng số hàng giả bị thu giữ gồm 48 lọ chất bôi trơn đa dụng RP7; 20.675 lọ keo dán xây dựng Titebone, 624 lọ chất bôi trơn chống giả WD-40 có giá trị tương đương hàng thật là hơn 1,4 tỷ đồng. Hảo tự nguyện nộp lại 50 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.

Các chủ sở hữu đề nghị cơ quan tố tụng xử lý nghiêm minh các đối tượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ và người tiêu dùng. Có công ty còn yêu cầu Hảo bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng vừa truy tố nhóm bị can Buôn bán hàng giả gồm Vũ Văn Vương (SN 1993, ở Hải Dương), Đoàn Văn Thắng (SN 1993, Đỗ Thị Ái Vân (SN 1995), Lê Thị Hằng (SN 2000) và Đỗ Thị Kim Tuyến (SN 1989) đều ở Nam Định.

Trước đó, vào trưa 8/9/2023, tổ công tác Công an TP Hà Nội, Cục C03- Bộ Công an và Công an huyện Thường Tín kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải Kia K200 của vợ chồng Phạm Văn Hưng (ở Nam Định) đang bốc dỡ hàng hóa có biểu hiện nghi vấn tại khu vực biệt thự liền kề, dự án khu đô thị Himlam Thường Tín, Hà Nội.

Tổ công tác tiến hành kiểm tra phát hiện có 40 kiện hàng, bọc bao tải màu xanh, trắng. Kiểm đếm có 80 thùng cat-ton bên trong có 2.000 sản phẩm keo silicone nhãn hiệu Apollo.

Do không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nên công an mời chủ xe về trụ sở để làm rõ.

Tại đây, chủ sơ khai nhận chuyên làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa và được Đoàn Văn Thắng thuê chở kiện hàng trên với giá 17.000 đồng/kiện hàng.

Xác minh sở hữu nhãn hàng, đại diện Công ty cổ phần Quốc Huy Anh là đơn vị được CTCP Đầu tư và phát triển Apollo Silicone ủy quyền cho biết, toàn bộ hàng hóa trên giả nhãn hiệu Apollo, đề nghị công an giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

 

Trong vụ án này, Công an xác định, anh Phạm Văn Hưng, Nguyễn Thị Kim Xuyến và một số cá nhân liên quan khác không biết sản phẩm trên là giả, không có căn cứ xử lý họ đồng phạm với Dương. Quá trình điều tra các bị can nộp lại số tiền thu lời bất chính.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, công an bắt giữ khẩn cấp với Vương, Thắng, Tuyến, Hằng. Các bị can này thừa nhận, Vương buôn bán hàng kim khí từ Trung Quốc về Việt Nam từ giữa năm 2022. Trong quá trình buôn bán, Vương được bạn hàng người Trung Quốc giới thiệu có keo silicone giả nhãn hiệu Apollo bán với giá từ 800.000 đồng – hơn 1 triệu đồng/1 thùng.

Để thuận lợi cho việc mua bán, đối tượng người Trung Quốc lập nhóm trên ứng dụng Wechat, trong đó Vương là bên mua hàng, đối tượng người Trung Quốc là chủ hàng và Nguyễn Thị Kim Xuyến được thuê làm phiên dịch, nhận tiền bán hàng.

Vương khai nhận mua khoảng 10 lần, mỗi lần từ 50-130 thùng keo silicone giả và nhận hàng theo địa chỉ chỉ định hoặc ở khu vực cầu Thanh Trì.

Để thanh toán tiền mua hàng, Vương nhắn thông tin vào nhóm để Xuyến nhận tiền. Xuyến giao tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người ở Việt Nam theo yêu cầu của chủ hàng. Sau khi chủ hàng nhận được tiền sẽ báo lên nhóm chung.

Cáo buộc xác định Vương đã mua 566 thùng keo silicone nhãn hiệu Apollo, bán cho Thắng 501 thùng và một số khách hàng khác, thu lời hơn 54 triệu đồng.

Khoảng tháng 6/2022, Vương đến nhà Thắng, Vân rao bán keo giả với giá từ 900.000 đồng – 1,15 triệu đồng/1 thùng. Do hám lời nên Thắng và Vân mua 501 thùng. Để bán hàng, Vương, Thắng và Vân lập nhóm zalo đưa thêm Hằng (em dâu của Vân) và Tuyến (chị của Vân) để bàn bạc, trao đổi thông tin khách hàng và đăng thông tin mặt hàng rao bán.

Nếu có khách, Hằng hoặc Tuyến báo lại cho Vân, Thắng để lên đơn hàng rồi thuê xe ô tô hoặc qua các bưu cục chuyển phát nhanh hàng hóa cho khách hàng.

Qua kiểm tra trên máy tính và điện thoại thu giữ các bị can có nhiều thông tin về đơn hàng giao cho khách. Ngày 18/10/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định ủy thác điều tra cho công an 42 tỉnh, thành trên cả nước để xác minh.

Qua đó lấy lời khai của 72 người mua 176 thùng hàng và 9 sản phẩm keo silicone nhãn hiệu Apollo.

Cơ quan điều tra thu giữ của Vương 863 sản phẩm keo silicone giả, Thắng 1.492 sản phẩm, Tuyến 950 sản phẩm, Hưng 2.000 sản phẩm…

Kết quả xác định giá hàng hóa xác định trị giá 6.355 sản phẩm bị làm giả tương đương giá trị hàng thật là hơn 384 triệu đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate