Tại hội thảo “Thực thi về chiến lược chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến và ngoại tuyến” mới đây, Luật sư Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam, nêu thực tế những năm gần đây, hàng giả được bán tràn lan trên các kênh bán hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống trên toàn khu vực ASEAN.
Theo khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với 1.000 người tại mỗi quốc gia khu vực ASEAN, có tới 88% người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng giả trên thị trường. Bên cạnh đó, có tới 70% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả. Đặc biệt, cứ 4 người tiêu dùng có 1 người biết hàng đó không phải là hàng chính hãng, bà Yến thông tin.
Ở Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc đã kiểm tra hơn 62.000 vụ việc liên quan đến sàn thương mại điện tử, xử phạt hơn 410 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là hàng giả, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Gần đây, ngày 30/1/2024, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một nhà kho và thu giữ 14.573 sản phẩm giả trong buổi livestream của một cơ sở kinh doanh tại Gia Lai.
HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT CỦA CÁC SÀN CÒN HẠN CHẾ
Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi; Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử cùng nhiều thông tư, quy định về việc chống xâm phạm quyền. Theo quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn, bao gồm sử dụng các biện pháp kỹ thuật và hợp tác với cơ quan thực thi và các chủ thể quyền.
Theo đó, các sàn phải loại bỏ các hành vi xâm phạm quyền khi phát hiện hoặc tiếp nhận yêu cầu từ chủ thể quyền và thiết lập cơ chế tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan thực thi bằng cách cung cấp thông tin liên quan đến hành vi xâm phạm quyền để xử lý vụ việc.
Những năm gần đây, hàng giả được bán tràn lan trên các kênh bán hàng trực tuyến và cửa hàng truyền thống trên toàn ASEAN. Sàn thương mại điện tử trở thành một trong những kênh buôn bán của hàng giả lớn tại ASEAN do việc kiểm soát hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ qua biên giới chưa hiệu quả. Cùng với đó, sự phát triển phức tạp của thương mại xã hội, live streaming và việc áp dụng AI, thực tế ảo gây khó khăn trong xác định người bán hàng giả trực tuyến.
Đây là cơ chế quan trọng được nhiều quốc gia khu vực áp dụng để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn còn hạn chế về các quy định liên quan đến trách nhiệm của các nền tảng trong việc xử lý người bán tái phạm.
Các sàn thương mại điện tử hoạt động ở nhiều nước trong khu vực đã thiết lập cơ chế Thông báo và Gỡ bỏ để tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ từ chủ sở hữu. Còn lại các nền tảng khác chỉ cung cấp một cổng thông tin chung để nhận tất cả các loại khiếu nại, bao gồm khiếu nại sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử phải đối mặt với nhiều thách thức khi chưa có sự thống nhất trong việc giám sát và nộp đơn yêu cầu Thông báo và Gỡ bỏ.
Theo phân tích của chuyên gia, mỗi nền tảng có riêng một hệ thống Thông báo và Gỡ bỏ với các yêu cầu khác nhau về hồ sơ và khung thời gian. Vì vậy, chủ sở hữu cần gửi các yêu cầu Thông báo và Gỡ bỏ riêng biệt để xử lý cùng một người vi phạm trên các nền tảng khác nhau.
Không những thế, hoạt động giám sát và rà soát chủ động từ các sàn còn hạn chế. Mỗi nền tảng có quan điểm khác nhau đối với giá trị của ý kiến giám định và còn phụ thuộc nhiều vào các quyết định xử phạt của cơ quan thực thi để gỡ bỏ đường dẫn.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng chỉ ra cách giải quyết còn chưa triệt để đối với những người vi phạm nhiều lần bất kể mức độ vi phạm. Việc áp dụng biện pháp khóa vĩnh viễn tài khoản người bán vi phạm còn phụ thuộc vào sự đánh giá của sàn mà chưa có định nghĩa cụ thể. Nền tảng chưa cung cấp kênh cụ thể để báo cáo những người vi phạm nhiều lần hoặc các tài khoản liên kết (như tạo tài khoản ảo)...
Theo các chuyên gia, chính những yếu tố này làm tăng chi phí trong quá trình đấu tranh chống lại những người vi phạm trực tuyến, đặc biệt là khi xử lý một số lượng lớn đường dẫn hoặc những người tái phạm xuất hiện liên tục.
XỬ LÝ NGHIÊM CÁC VI PHẠM
Việc thu thập bằng chứng vi phạm của người bán trên sàn cho các bước xử lý tiếp theo cũng là một thách thức khác với chủ thể quyền.
Người bán hàng giả sử dụng nhiều thủ thuật tinh vi để tránh bị các sàn và chủ sở hữu phát hiện như sử dụng nhiều tài khoản khác nhau, địa chỉ và thông tin liên hệ giả; sử dụng các biến thể của nhãn hiệu.
Ngoài ra, người bán hàng giả tinh vi có thể nhanh chóng tắt hoặc ẩn danh mục sản phẩm để tạm thời tránh bị chủ sở hữu hoặc các sàn gửi cảnh báo, nhưng sau đó sẽ mở lại các bài đăng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho chủ sở hữu khi tiến hành bước xử lý tiếp theo, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong việc ghi lại bằng chứng…
Theo các chuyên gia, nếu như trước đây, các cơ quan thực thi quyền tập trung vào các chợ đầu mối truyền thống, thì nay phải chuyển lên các nền tảng sàn thương mại điện tử. Đại dịch Covid-19 khiến việc mua bán hàng hóa trên các nền tảng online đã phổ biến hơn. Do đó, hoạt động thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm phải thay đổi theo công nghệ, triển khai trên cả môi trường trực tuyến đến ngoại tuyến.
Đưa ra khuyến nghị, bà Yến cho rằng Chính phủ và cơ quan thực thi cần đặt ra các tiêu chuẩn để các sàn thương mại điện tử thực hiện như hệ thống thông báo và gỡ bỏ, với một đầu mối liên hệ duy nhất, không có thêm rào cản và có thể gỡ bỏ ngay lập tức.
Cùng với đó, chủ động giám sát và quản lý thông qua thiết lập KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc), xác định danh tính người bán, loại bỏ hoặc từ chối cung cấp dịch vụ... Có chính sách đối với người vi phạm nhiều lần; định nghĩa tiêu chí cho hành vi vi phạm nhiều lần (bị nhiều chủ sở hữu báo cáo, cảnh báo từ phía sàn, có lượng hàng giả lớn).
Các hình phạt sẽ tăng dần theo từng hành vi xâm phạm, bắt đầu bằng việc từ chối và tăng chi phí dịch vụ, cuối cùng là cấm bán trên các sàn. Những người bán bị cấm có thể đối mặt với việc bị tạm thời cấm bán (1-2 năm). Toàn ngành có thể chia sẻ một danh sách đen về người bán tái phạm để tra cứu.
Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin người vi phạm giữa các cơ quan thực thi, sàn thương mại điện tử và chủ sở hữu khi có yêu cầu.
Với chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, cần đảm bảo đăng ký quyền ở mỗi quốc gia; thực hiện giám sát, rà soát thường xuyên để xác định người vi phạm và đánh giá mức độ vi phạm. Ghi nhận các hành vi vi phạm trực tuyến của người vi phạm để thuận lợi trong xử lý.
Đối với các sàn thương mại điện tử, cần tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hệ thống xử phạt để giải quyết tốt hơn hành vi vi phạm. Cùng với đó, đơn giản hóa các thủ tục Thông báo và Gỡ bỏ để xử lý nhất quán các hành vi vi phạm tương tự, giảm bớt gánh nặng chứng minh cho chủ sở hữu quyền.
Thực tế với lượng khách hàng và doanh thu lớn, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thể quyền cũng như lợi ích người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả. Các sàn phải có cơ chế phối hợp với chủ thể quyền và các cơ quan thực thi quyền. Đặc biệt, các chủ nền tảng, sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra hành vi xâm phạm quyền trên nền tảng.
Quan ngại trước tình trạng xâm phạm quyền trên môi trường online, từ góc độ doanh nghiệp, ông Alex Arenna, Giám đốc An ninh và Bảo vệ thương hiệu khu vực Đông Nam Á, Australia và Nam Á của Công ty Unilever, cho rằng để xử lý, trước hết phải có luồng trao đổi thông tin rõ ràng, minh bạch giữa các bên. Đặc biệt, cần sự tham gia hỗ trợ của các nền tảng thương mại điện tử, đảm bảo các nền tảng này không được sử dụng để bán các hàng hóa vi phạm quyền.
Theo ông Alex Arenna, sự phối hợp giữa chủ thể quyền với các bên liên quan trong ngăn chặn, xử lý vi phạm không chỉ đảm bảo lợi nhuận kinh doanh mà còn là uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Bởi tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng với nhãn hàng. Sự gia tăng hàng giả hàng nhái cũng sẽ gây rủi ro cho cả thị trường bản địa.
Cũng theo chuyên gia, việc kinh doanh trên môi trường mạng có sức lan tỏa và tiếp cận nhiều khách hàng hơn so với cửa hàng truyền thống. Vì vậy, việc kinh doanh hàng vi phạm quyền qua mạng cũng tác động lớn hơn, gây thiệt hại không chỉ cho chủ nhãn hiệu mà cả người dùng.
XÂY DỰNG NIỀM TIN CHO THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Hiện nay các chính phủ, nền tảng thương mại điện tử và các chủ thể quyền đã dành quan tâm nhiều hơn trong xử lý xâm phạm quyền. Phần lớn các quốc gia yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải đảm bảo sàn của họ an toàn cho người tiêu dùng và không tiếp tay cho các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các quy định này thường chưa được rõ ràng.
Chính phủ, các sàn thương mại điện tử và chủ sở hữu quyền đang phối hợp để chống lại việc kinh doanh hàng giả trực tuyến. Các quốc gia đã và đang xây dựng các quy định pháp luật và các chính sách có liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử.
Để thực thi tốt quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử nói riêng, có một số yếu tố quan trọng quyết định, trong đó nhận thức của các chủ thể liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ thể quyền, chủ sàn và người tiêu dùng cần liên tục nâng cao, bởi khi có nhận thức đầy đủ và hiểu đúng đắn sẽ có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó cần có cơ chế phối hợp giữa khối công - tư, giữa các chủ thể có liên quan, chủ sàn với chủ sở hữu, các hiệp hội và cơ quan nhà nước, hợp tác với các tổ chức quốc tế, giữa quốc gia khác, các thành viên ASEAN là rất cần thiết để tăng thực thi, bảo vệ quyền.
Tuy nhiên, hiện nay giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN chưa có cơ chế phối hợp chung, chưa thống nhất trong chính sách bảo vệ quyền, tạo khoảng trống trong quy định pháp luật nên chưa thực sự giải quyết triệt để vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền.
Các báo cáo cho thấy vấn đề xâm phạm quyền vẫn diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng, ngay cả khi các chủ thể quyền đã dành nhiều nguồn lực cho thực thi quyền trên môi trường trực tuyến.
Chia sẻ điều này, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ Đông Nam Á, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh, ông Desmond Tan cho biết với sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ của các mạng xã hội, đã xuất hiện các loại hình tội phạm có tổ chức buôn bán hàng giả, hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử.
“Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các bên, giữa các cơ quan chức năng để xử lý, bảo vệ hệ sinh thái nền thương mại điện tử. Trên cơ sở đó xây dựng được niềm tin cho thương mại điện tử, giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cả trên môi trường trực tuyến cũng như ngoại tuyến ở Việt Nam và ASEAN”, ông Desmond Tan nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban thường trực Chương trình 68, khẳng định: quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia cũng như sự thịnh vượng toàn cầu. Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đặt ra thử thách, đồng thời là mối quan tâm của mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đưa ra bộ quy tắc ứng xử sở hữu trí tuệ thương mại điện tử tại ASEAN để Việt Nam tham khảo, các chuyên gia sở hữu trí tuệ của Anh và một số nước ASEAN cho biết mục tiêu là nhằm thiết lập một bộ quy tắc thực hành giữa các chủ sở hữu quyền và các nền tảng thương mại điện tử, chia sẻ thông tin, thúc đẩy thực thi quyền trên môi trường trực tuyến, xử lý các xu hướng mới nổi, lấp khoảng trống pháp lý… để vừa phát triển, vừa bảo vệ người dùng. Mục tiêu hướng tới là sẽ triển khai một bộ quy tắc ứng xử trên toàn ASEAN để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khu vực.
Theo các chuyên gia, thực tế với lượng khách hàng và doanh thu lớn, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thể quyền cũng như lợi ích người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả. Các sàn phải có cơ chế phối hợp với chủ thể quyền và các cơ quan thực thi quyền. Đặc biệt, các chủ nền tảng, sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra hành vi xâm phạm quyền trên nền tảng.