Theo các doanh nghiệp, việc quản lý năng lượng hiệu quả không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, mang lại giá trị kinh tế mà còn đảm bảo mục tiêu về phát triển bền vững môi trường, giảm thải carbon.
Bộ Công Thương đánh giá, ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa rất quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
HÌNH THỨC ĐẦU TƯ SINH LỢI TẠI CHỖ
Cải tiến trang thiết bị hay đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, tái sử dụng nguồn nhiệt thải,… là cách nhiều doanh nghiệp ứng phó với chi phí điện, nhiên liệu tăng cao hiện nay. Là đơn vị chuyên sản xuất bánh răng và các loại phụ tùng cho động cơ, Công ty TNHH CreditUp Industry Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm điều chỉnh phụ tải đảm bảo an ninh năng lượng.
“Chúng tôi xác định và chủ động các giải pháp như bố trí ca làm việc vào giờ thấp điểm, tận dụng công nhân bảo dưỡng, vệ sinh máy móc nhà xưởng, cũng như tối ưu hóa các công đoạn sản xuất nhằm tạo thêm nhiều giá trị khác cho doanh nghiệp”, Giám đốc điều hành Chu Jen Chuan cho biết.
Tại Gia Lai, ông Trịnh Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho hay với ngành nghề kinh doanh là chế biến nông sản, hàng năm công ty phải thanh toán số tiền điện lên đến con số 15 tỷ đồng, kèm theo đó là hệ thống mô tơ điện công suất lớn, hệ thống đèn chiếu sáng, đèn bảo vệ …
"Chính vì vậy, công ty chúng tôi luôn cho rằng đầu tư, thay thế các thiết bị tiết kiệm điện là một hình thức đầu tư không có rủi ro và sinh lợi ngay tại chỗ. Nhờ đó, hàng tháng Công ty chúng tôi tiết kiệm được khoảng 5.000 - 7.000 kWh, tương đương hơn 10 triệu đồng/tháng, đây cũng là một khoản chi phí không hề nhỏ".
Không chỉ tiết kiệm điện, với đà tăng của giá xăng dầu thời gian trước, nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất để hạn chế chi phí sử dụng nhiên liệu từ xăng dầu. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi quy trình sản xuất, máy móc, công nghệ, đặc biệt là tận dụng những công nghệ ít sử dụng tiêu hao năng lượng, thậm chí tính toán phương án vận chuyển hai chiều để không lãng phí; đẩy mạnh liên doanh, liên kết để tận dụng lợi thế của nhau nhằm tiết giảm chi phí xăng dầu...”.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã áp dụng hiệu quả năng lượng tái tạo trong sản xuất, nhất là khi nhiên liệu truyền thống ngày một đắt đỏ và khan hiếm. Ngoài tiết kiệm chi phí, việc sử dụng nguồn năng lượng sạch giúp sản phẩm doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu.
Chỉ ít ngày trước, Miza Corporation, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy tái chế, đã ký hợp đồng dài hạn với TotalEnergies để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái 4 MWp cho nhà máy mới Mipak ở Hải Dương, nhằm cung cấp khoảng 20% năng lượng tái tạo cho nhu cầu điện của nhà máy, giúp giảm đáng kể chi phí hoạt động sản xuất trong bối cảnh giá cả leo thang.
Trong ngành dịch vụ du lịch, Alma Resort, thành viên của chuỗi các khách sạn và khu nghỉ dưỡng Preferred Hotels & Resorts, cũng đã lắp đặt 5.634 tấm pin năng lượng mặt trời với tổng diện tích 12.500m2 cho toàn bộ hệ thống mái lợp của 196 biệt thự, hai tòa nhà chữ V với 384 căn hộ, sảnh đón khách, khu chăm sóc spa, khu tập thể dục và tòa nhà tiện ích. Ước tính hệ thống năng lượng mặt trời này sẽ giúp Alma tiết kiệm lên đến 390,85 tỷ đồng chi phí điện năng và giảm đến 72.670 tấn khí thải carbon (CO2) trong khoảng thời gian 25 năm tới.
CẦN CÓ CHẾ TÀI RÀNG BUỘC
Năng lượng đang trở thành vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Những gì đang diễn ra trên thế giới nhắc nhở chúng ta phải thực sự quan tâm tới an ninh năng lượng quốc gia. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chú trọng triển khai nhưng thực tế cho thấy, nhận thức chung về quản lý năng lượng ở các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao.
Một mặt, vì chưa có cơ chế kịp thời khuyến khích, thúc đẩy tạo động lực cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ vào tối ưu tiết kiệm năng lượng; mặt khác, do các cơ quan quản lý chưa có sự giám sát, phân tích đo lường hiệu quả.
Bộ Công Thương đánh giá, ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%.
Về vấn đề này, tại tọa đàm "Quản lý năng lượng - Giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp", ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, chia sẻ khuôn khổ pháp lý về tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đã cơ bản đầy đủ, nhưng thực tiễn triển khai chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân do nhận thức của doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ về lợi ích mà tiết kiệm năng lượng mang lại, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không muốn bỏ ra các chi phí để xây dựng mô hình quản lý năng lượng, khiến việc quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
Trả lời báo giới, ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, nhận định: hiện chất lượng kiểm soát hoạt động sử dụng năng lượng thông qua các báo cáo giám sát đối với các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vẫn chưa đồng đều.
“Nhiều doanh nghiệp (trong số các doanh nghiệp không nằm trong nhóm các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm) chưa quan tâm đến hoạt động tiết kiệm năng lượng, do trong Luật mới đưa ra hình thức khuyến khích chứ chưa có chế tài ràng buộc, dẫn đến các doanh nghiệp còn thờ ơ. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực (quản lý viên năng lượng và kiểm toán viên năng lượng) phục vụ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa theo kịp các yêu cầu phát triển của thị trường”, ông Đặng Hải Dũng nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Công ty Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, quản lý năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư về năng lượng từ 10 - 20%. “Mục đích cuối cùng của việc quản lý năng lượng là giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Các tập đoàn quốc tế phải tuân thủ nhiều quy định về quản lý năng lượng, phát triển bền vững. Chỉ khi chúng ta đáp ứng các tiêu chuẩn đó thì mới có thể hội nhập toàn cầu", ông Lâm nhấn mạnh.
“Gần đây, thông qua quỹ JCF (Quỹ Khí hậu xanh) và Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương đã tiếp cận nguồn vốn thiết lập quỹ bảo lãnh vốn vay cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng quy mô 75 triệu USD. Ngoài ra Bộ cũng là đầu mối của Chính phủ để tiếp nhận nguồn tài trợ không hoàn lại quy mô 8,3 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng”, ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ.
"Các doanh nghiệp tham gia dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng sẽ được Chính phủ hỗ trợ bảo lãnh vốn vay tới 50% và hỗ trợ kỹ thuật. Hy vọng các thông tin này sẽ được truyền thông rộng rãi tới doanh nghiệp".