August 05, 2022 | 10:18 GMT+7

Không xử lý được "gót chân A-sin" của hệ thống phân phối, khó lòng hạ nhiệt giá hàng hoá

Ánh Tuyết -

“Gót chân A-sin" trong hệ thống phân phối tồn tại nhiều năm khi các khâu trung gian "ăn dày", đẩy giá hàng hoá còn người sản xuất lép vế, người tiêu dùng phải "cắn răng" mua giá cao. Rõ ràng, "nút thắt" này không được hoá giải thì bài toán "té nước theo mưa", lên nhanh xuống chậm khó giải quyết tận gốc...

Chi phí trung gian chiếm tới 70% đẩy giá thành hàng hóa lên cao. 
Chi phí trung gian chiếm tới 70% đẩy giá thành hàng hóa lên cao. 

Câu chuyện giá cả hàng hoá "neo" giá theo giá xăng và không chịu giảm khi giá xăng xuống dường như là câu chuyện không hề mới nhiều năm qua. Chia sẻ tại toạ đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp" vừa qua, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lưu ý rằng thực tế đến nay giảm giá xăng dầu mạnh nhưng mặt bằng giá thị trường đứng yên hoặc giảm chút ít, thậm chí có mặt hàng vẫn tăng giá. 

Giá xăng dầu chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên giá thành sản phẩm, dịch vụ. Theo các chuyên gia, một khoản chi phí lớn, chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng giá thành sản phẩm là chi phí logistics, chi phí trung gian đẩy giá thành hàng hóa lên cao. 

TRUNG GIAN "ĂN DÀY" LÀ "THỦ PHẠM" ĐẨY GIÁ HÀNG HOÁ

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, lấy dẫn chứng một viên thuốc, một con lợn hay một con cá qua các khâu bán buôn, bán lẻ, rồi mới vào siêu thị. Trong 1 kg đường ở Thái Lan, 70% lợi nhuận dành cho người nông dân - người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam dường như ngược lại, 1 kg thịt lợn từ trang trại bán lẻ tăng giá lên tới 70% do các khâu trung gian.

Hay ở các nước khác, siêu thị bán giá phải rẻ hơn ở chợ nhưng theo dõi ngành thương mại mấy chục năm nay, siêu thị lại đắt hơn chợ 30%, loại trừ thuế VAT, ông Phú cho rằng yếu tố chủ quan là siêu thị đẩy giá lên như chi phí tạo mã, phong bì phong bao, đầu kệ cuối kệ...

Tuy nhiên, một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất, tất cả cấu thành nên giá. Các nước còn luật hóa về phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Cũng theo vị chuyên gia này, toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại. Chúng ta tiết kiệm chung cho xã hội nhưng đồng thời phải hài hoà lợi ích để cả hai bên đều thắng.

 
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

"Điểm qua mấy chục chợ đầu mối ở Việt Nam, chưa có chợ đầu mối nào có sàn giao dịch hàng hoá. Tất cả những giao dịch hiện nay nói vui là mua dấm bán dúi, không công khai mà ép giá nhau.

Tôi nghĩ phải chăm chút đến người nông dân, người công nhân, những người làm ra của cải vật chất trong chuỗi cung ứng đó, bởi nếu họ thua lỗ thì làm gì có sản phẩm để tiêu dùng và xuất khẩu. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững”, ông Phú nhấn mạnh.

"Tại nhiều quốc gia có sàn giao dịch công khai, từ mớ rau muống, con lợn cũng qua sàn. Siêu thị cũng phải lên sàn để mua về kinh doanh, chứ không phải chiếm vị trí “độc tôn”, người nông dân, sản xuất phải xin xỏ siêu thị cho gửi hàng", ông Phú bày tỏ. Cũng do hệ thống phân phối chưa phát triển nên 10 bó rau sạch thì mới có 1 bó vào siêu thị, 9 bó phải ra thị trường bán với giá rau không sạch. Rõ ràng, giá trị của người nông dân bị suy giảm.

"Một bó rau muống của nông dân bán bên ngoài 2.000 đồng nhưng vào sàn giao dịch lên 6.000 đồng. Khi đó, người nông dân được hưởng lợi thêm. Người tiêu dùng cũng mua bán hết sức thoải mái, không bị ép giá và rõ ràng là điều có lợi cho xã hội", ông Phú nhấn mạnh.

Rõ ràng, "còn tồn tại “gót chân A-sin" trong phân phối. Cấp trung gian hưởng lợi nhiều trong khi người sản xuất chưa chắc lãi nhiều và người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì vấn đề "té nước theo mưa", lên nhanh xuống chậm khó chấm dứt", ông Phú khẳng định.

Đồng ý quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí về logistics bởi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, giải quyết bài toán về chênh lệch chi phí vì khâu trung gian.

Liên quan đến văn hóa kinh doanh, ông Lực cũng khẳng định: "Khâu trung gian rõ ràng là không thể đánh quả, không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Nhiều khi là các lái buôn ép giá người nông dân, bởi người nông dân luôn yếu thế".

"Nhiều nước đang làm rất tốt và chúng ta nên học tập, đó là công khai, minh bạch, để biết chắc rằng mỗi khâu đội giá bao nhiêu. Khi đó, mới biết chắc khâu nào cần phải xử lý, không "đánh" dàn trải bởi như thế không công bằng đối với những khâu trung gian khác", ông Lực nhìn nhận.

CHUYÊN GIA HIẾN KẾ GIẢI BÀI TOÁN GIÁ CẢ "LÊN NHANH, XUỐNG CHẬM"

Theo các chuyên gia, việc tăng giảm giá theo cơ chế thị trường là tất nhiên. Tuy nhiên, vấn đề giá là vấn đề hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương để xây dựng nề nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên-xuống giá.

Để điều tiết giá cả hàng hoá hợp lý, chuyên gia Vũ Vinh Phú, cho rằng trước tiên, đảm bảo cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Đây là "nút thắt" tồn tại quá lâu, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.

Hai là, phải sử dụng sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.

Ngoài biện pháp hành chính bất đắc dĩ phải làm, cần huy động hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Mặt trận Tổ quốc, các chợ, khu phố, để vận động những người buôn bán tự giác giảm giá một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, cùng chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

"Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không giành phần thắng cho mình. Đây là tâm đức cao nhất của người kinh doanh và như vậy sức sống của doanh nghiệp sẽ bền lâu. Chúng ta không làm ăn chộp giật", ông Phú nhấn mạnh.

Ba là, bàn tay hữu hình phải can thiệp những lúc cần thiết.

"Tại Malaysia, Singapore, vừa qua khi giá thịt gà có vấn đề, lập tức phải thiết lập giá trần. Giá trần không phải là vĩnh viễn mà phải có thời gian để những người lợi dụng tỉnh ngộ, phục vụ cho người tiêu dùng tốt hơn và đừng vượt quá giới hạn", ông Phú lấy dẫn chứng.

Với lợi thế thị trường nội địa lên đến 97 triệu dân, hàng hoá nông sản lại tự túc được, nếu tổ chức lưu thông tốt, giảm đứt gãy chuỗi cung ứng và rõ ràng xây dựng đạo đức kinh doanh, như vậy góp phần chỉ số CPI tốt hơn nữa. Trước mắt và lâu dài, chúng ta phải tính một bài toán dài hơi để đảm bảo hoạt động thương mại dịch vụ nhộn nhịp nhưng đi vào trật tự và văn minh hơn.

"Có thể chấp nhận thời kỳ xáo động vì chúng ta còn phụ thuộc vào xăng dầu, dự trữ xăng dầu còn rất thấp. Tôi cho rằng cần lưu ý hơn những vấn đề trên, coi như một "trận đánh" để rút kinh nghiệm cho những kỳ sau", ông Phú nhấn mạnh. Nếu triển khai các giải pháp đồng bộ thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%. 

Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đưa ra những gợi ý về các nhóm giải pháp đồng bộ, để giải quyết bài toán này.

Thứ nhất, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá về câu chuyện về giá cả vì đấy là thị trường.

 
Không xử lý được "gót chân A-sin" của hệ thống phân phối, khó lòng hạ nhiệt giá hàng hoá - Ảnh 1

"Hy vọng thời gian tới, giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn, chúng ta không nên lo lắng thái quá, sợ hãi với lạm phát mà không dám làm gì. Khi đó, nền kinh tế đình trệ, thiếu nguồn cung, về lâu dài lại khiến giá tăng", TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Thứ hai, cần làm rõ nguyên nhân cụ thể, tăng cấu phần giá nào, vì có phần tăng, phần giảm. 

Có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số CPI tăng mạnh vừa qua, chiếm đến 80%, bao gồm nhóm liên quan đến giao thông vận tải; lương thực thực phẩm; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng.

Vì thế, "cần tập trung kiểm soát 3 nhóm này. Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng về cơ bản đã xử lý trúng các nhóm này, chiếm 80% tác động vào việc tăng chỉ số CPI, chứ không xử lý dàn trải", ông Lực nhìn nhận.

Thứ ba, rất quan trọng là tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam, cả trước mắt và lâu dài.

Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát cần làm mạnh hơn nhưng khó thể làm hết và triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa vào cuộc. Do đó, cần tăng cường thêm ý thức cả doanh nghiệp và người dân bằng việc truyền thông, kiểm tra giám sát.

Thứ tư, cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính.

Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính doanh nghiệp đương nhiên tính luôn vào giá thành.

"Trong lĩnh vực bất động sản, khoảng 20-25% là chi phí giao dịch, tức tính vào giá mua nhà, bán nhà và cuối cùng người dân, người mua nhà phải chịu. Tôi nghĩ rằng cái này là một khâu rất quan trọng", ông Lực nhìn nhận.

Cuối cùng, tại Việt Nam, tâm lý lạm phát kỳ vọng cần phải chú trọng.

Người dân theo dõi phát biểu của Chính phủ, bộ ngành, từ đó dự báo và đưa ra có những hành vi, quyết định trong vấn đề kinh doanh. Do đó, "việc truyền thông rất quan trọng, giúp giảm bớt tâm lý lạm phát, té nước theo mưa”, ông Lực lưu ý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate