Theo UBND TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, tình hình hoạt động và sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Hiện nay, tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T (TP.HCM) cho biết, hiện nhiều loại trái cây đang vào mùa thu hoạch ở các tỉnh ĐBSCL như nhãn ở Bạc Liêu, Hậu Giang, dừa ở Bến Tre, thanh long ở Long An, Tiền Giang, cùng nhiều loại trái cây khác… Tuy nhiên, bà con nông dân thu hoạch cũng như lực lượng lao động tại các nhà máy chế biến, sản xuất bị siết giảm tới 40 – 50%, khiến sản lượng cũng giảm tương ứng.
Hợp tác xã khó khăn trong việc thu hoạch, doanh nghiệp khó tiếp cận vùng nguyên liệu, cộng thêm việc phải tìm đơn vị vận chuyển khiến nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản phải tạm ngưng. Công ty Vina T&T dù tự chủ được lực lượng lao động nhưng thời gian làm việc bị rút ngắn nên năng suất giảm mạnh, không kịp tiêu thụ hết trái cây tươi cho nông dân. Bên cạnh đó, việc vận chuyển trái cây từ vùng nguyên liệu tới nhà máy cũng như đến nơi tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khi mỗi địa phương lại áp dụng một quy định phòng, chống dịch khác nhau.
Bên cạnh việc tắc nghẽn trong thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển…, các doanh nghiệp đang đang đứng trước viễn cảnh thiếu nguyên liệu chế biến trước tâm lý không muốn tiếp tục vụ mới của nông dân. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, quá trình thực hiện “3 tại chỗ” với chi phí gia tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp chọn cách dừng hoạt động. Trong khi đó, các mặt hàng gạo, thanh long, chanh… đều đang gặp khó khăn trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Người dân không còn tha thiết việc chăm sóc cây trái và bỏ ý định trồng đợt mới.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh này hiện còn khoảng 1 triệu con gà (tương đương 2.500 tấn) không tiêu thụ được. Cùng với đó, giá bán giảm xuống chỉ còn 7.000 đồng/kg đối với gà lông trắng. “Một con gà 3 kg chỉ bán được khoảng 20.000 đồng. Với mỗi ký gà, nông dân đang lỗ khoảng 20.000 đồng,” ông Xuân nói và cho biết, các hộ nuôi đều đang có tâm lý chần chừ và không muốn tiếp tục chăn nuôi.
Trước tình hình trên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TP.HCM đều phập phồng lo lắng vì các nhà cung cấp nguyên liệu có thể dừng hoạt động bất cứ lúc nào. Nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, và do đó hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.
Tương tự, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 lây lan rộng đã tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ. Hiện có tới 70% doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, chỉ còn 30% doanh nghiệp sản xuất với 30 - 50% lao động, nguyên liệu phục vụ chế biến cũng chỉ đạt khoảng 40 - 50%, khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn.
“Hiện nay có 3 vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, một là nếu không giữ được việc thu mua cho hộ nuôi thì họ sẽ khó khăn, có thể họ sẽ không tổ chức nuôi tiếp vụ tới, tức là chúng ta mất cả vụ này và vụ sau. Thứ 2 là khách hàng, các thị trường đã tương đối phục hồi, nhu cầu khá cao, trong khi đó nếu chúng ta không phục hồi sản xuất có thể sẽ mất đi cơ hội. Thứ 3 vấn đề của các doanh nghiệp làm sao tổ chức cho hoạt động sản xuất được lâu dài,” ông Trương Đình Hoè nói.
Nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng để khôi phục sản xuất, từng địa phương cần phải đưa ra những giải pháp linh hoạt; phương án 3 tại chỗ chỉ phù hợp trong điều kiện ngắn hạn, về dài hạn địa phương cần xây dựng các luồng xanh, xem xét mở cửa sản xuất khi điều kiện cho phép. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải xác định mục tiêu sống chung với dịch bệnh, có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đi đôi xét nghiệm định kỳ để kiểm soát dịch bệnh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA)cho biết khó khăn ở khâu logistics đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất. Ví dụ, TP.HCM cùng một số tỉnh lân cận vừa qua bị thiếu mì ăn liền là do thiếu hành lá. Trong khi đó, cả cánh đồng hành lá tại Bà Rịa-Vũng Tàu đến lúc thu hoạch nhưng thương lái không thuê xe vận chuyển được, coi như đứt hàng.
Nhằm bảo đảm vùng nguyên liệu và nguồn nguyên liệu an toàn cho sản xuất và cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và xuất khẩu khi kiểm soát được dịch Covid-19, qua ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và tình hình thực tế, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.
Về bảo đảm công tác vận chuyển lưu thông từ vùng nguyên liệu về nhà máy và cung cấp ra thị trường, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19. Theo đó, các địa phương chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hoá tại nhà máy, tại kho, không kiểm tra trên đường.
Đồng thời, TP.HCM đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chất kiểm soát dịch bệnh để thống nhất áp dụng trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và trên cả nước, xây dựng luồng, tuyến ưu tiên cho các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông tại các chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương, tránh ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm.